Báo động “đỏ” cung cấp xăng dầu
3/31/2011 10:12:00 AMTin trong nước

Có thể nói chưa bao giờ nguy cơ đứt nguồn cung ứng xăng dầu lên mức “báo động đỏ” như bây giờ, khi cùng lúc có nhiều nguyên nhân tác động trong nước và quốc tế, chu kỳ và ngẫu nhiên dồn lại.

Phải đảm bảo đủ nguồn hàng trong khi thị trường rất bất ổn, kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu xăng dầu đang phải chịu áp lực rất lớn. Các doanh nghiệp rất cần có cơ chế hỗ trợ để duy trì tình trạng bình ổn giá xăng dầu hiện nay. Phóng viên báo chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với ông Lê Xuân Trình, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa ông, tình hình bất ổn ở Lybia có ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu của Việt Nam hay không?

Ông Lê Xuân Trình: Giá dầu trên thế giới nói chung đang có xu hướng lên. Tháng 11-2010, giá dầu khoảng 80USD/thùng, hiện là 118-120USD/thùng. Tình hình phức tạp tại Trung Đông và cả động đất tại Nhật Bản đang gây khó khăn cho việc nhập khẩu dầu. Chưa bao giờ có chuyện chúng tôi nhập phải dầu không đạt chuẩn, nhưng quý I vừa qua, chúng tôi phải trả lại một số thùng hàng vì phẩm chất kém. Điều đó cho thấy phần nào tình trạng khan hiếm hàng. Trong nước hiện đang là mùa khô, theo chu kỳ, sau tết Nguyên đán, nhu cầu xăng dầu trong nước phục vụ cho sản xuất, tưới tiêu… tăng lên.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất - đơn vị cung cấp xăng dầu cho PV Oil

Khối lượng hàng bán của PV OIL thời điểm này phải tăng lên khoảng 20%. Hai tháng đầu năm nay lượng hàng cũng tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái (từ 210.000m3/tháng lên 260.000m3/tháng). Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sắp tới tạm ngừng hoạt động trong 2-3 tuần để kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ cũng khiến PV OIL thiếu thêm khoảng 100.000m3 xăng dầu các loại. Chúng tôi sẽ phải nhập thêm để đảm bảo duy trì đủ nguồn hàng. Trong khi đó, việc siết chặt mua bán ngoại tệ đang là khó khăn lớn. Trung bình chúng tôi cần 80-90 triệu USD/tháng để nhập dầu. Hiện tại chúng tôi chỉ mua được một phần USD, còn phần lớn phải đi vay, khi nào ngân hàng có USD bán thì mới mua để trả dần. Trong 3 tháng đầu năm, số nợ đã lên tới hơn 100 triệu USD/tháng.

PV: PV OIL đang xoay sở như thế nào trong tình cảnh khó khăn này?

Ông Lê Xuân Trình: Để đáp ứng đủ xăng dầu, chúng tôi đang phải chịu áp lực rất lớn. Theo giá xăng hiện tại là 2.900 đồng/lít, DN chịu lỗ 1.900 - 2.000 đồng/lít so với giá nhập. Hiện số lượng xăng dầu nhập khẩu tăng lên, cộng với việc chúng tôi phải chịu lãi suất và rủi ro tỉ giá do vay USD, số lỗ sẽ là cực kỳ lớn. Ngoài nhiệm vụ cung ứng đủ hàng, chúng tôi còn có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng bình ổn giá, chống đầu cơ trục lợi, phải chống hàng giả, buôn lậu xăng dầu. Tiến hành tất cả các công việc đó trong thời điểm khó khăn này là rất đau đầu.

Hiện PV OIL phải tăng cường toàn bộ lực lượng, đặc biệt các đơn vị kinh doanh sản phẩm dầu. Các công ty phải kiểm tra xuống tới từng công ty con, từng cửa hàng trực thuộc, tổng đại lý để đảm bảo liên thông hai nhiệm vụ: Không đứt nguồn hàng và không đầu cơ. Nếu trước đây các báo cáo kinh doanh làm theo tuần thì hiện phải làm theo ngày, thậm chí theo giờ, nhất là các điểm nhạy cảm. Ví dụ tại các điểm bán xăng dầu gần biên giới, chúng tôi phải kiểm soát chặt việc bán hàng trong hệ thống, tránh đầu cơ, buôn lậu ra nước ngoài, cảnh giác với cả đối tượng người dân dùng can nhỏ lẻ mua gom xăng dầu.

PV: Ông đánh giá như thế nào về ảnh hưởng của thị trường do doanh nghiệp khó khăn?

Ông Lê Xuân Trình: Tôi cảm thấy hết sức lo lắng. Nếu nguồn ngoại tệ tiếp tục khan hiếm như hiện nay, nguy cơ đứt nguồn nhập khẩu sẽ là rất lớn. Cả nước cần cung ứng đủ hơn 1,3 triệu tấn xăng dầu mỗi tháng. Hiện có 13 đơn vị kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu. Trên thực tế, đã có một số DN không đủ sức tiếp tục kinh doanh, gánh nặng đảm bảo đủ hàng càng dồn thêm lên vai các doanh nghiệp còn lại. Tình trạng căng thẳng này đã bắt đầu từ tháng 11-2010 và giờ càng trở nên căng thẳng hơn.

PV: Ông có cảm thấy bị “oan” khi người ta cho rằng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu rất giàu, có nói thua lỗ cũng khó thông cảm?

Ông Lê Xuân Trình: Tôi nghĩ người không hiểu về kinh doanh xăng dầu thì mới nói thế. Có hai dạng kinh doanh xăng dầu, các tổng đại lý bán hàng và hưởng “hoa hồng”, bán nhiều thì lời nhiều, bán ít lời ít, rất khác với doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu. Chúng tôi có nhiệm vụ phải đảm bảo nhập đủ hàng bất luận giá mua cao hơn giá bán bao nhiêu!

PV: Theo ông, những khó khăn này cần tháo gỡ như thế nào?

Ông Lê Xuân Trình: PV OIL thấu hiểu nhiệm vụ khó khăn của mình. Chúng tôi nhận được sự chỉ đạo sát sao của Bộ Công thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và nằm trong top 4 DN xuất nhập khẩu xăng dầu không bị đứt nguồn hàng và không gian lận. Dù khó khăn nhưng chúng tôi luôn cố gắng đảm bảo đủ nguồn hàng theo yêu cầu. Năm 2008, chúng tôi cũng gặp khó khăn tương tự như thế này, nhưng khi đó có chính sách bù lỗ của theo Nghị định 55/2007/NĐ-CP. Còn hiện tại, tôi chưa thấy có cơ chế gì giúp DN bảo toàn vốn. Đề nghị Chính phủ cần sớm có biện pháp hỗ trợ DN xuất nhập khẩu xăng dầu, như tạo cơ chế bù lỗ, có chính sách cho DN làm rồi xem xét bù lỗ hoặc có nguồn tạm ứng ngoại tệ.

PV: Xin cảm ơn ông và chúc PV OIL sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này!

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.020
Xăng RON 95 - III
20.500
Xăng E5 RON 92 - II
19.400
Dầu DO 0,05S 18.140
Dầu DO 0,001S - V 18.360

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 31/10/2024

Giá dầu thô Brent