|
Hoạt động nghiệp vụ của Kiểm toán Nhà nước tại Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Hậu Phạm
|
- Ông có thể cho biết cụ thể về việc kiểm toán quỹ bình ổn giá xăng dầu?
Từ năm 2008, Nhà nước đã thực hiện cơ chế cấp bù lỗ trong kinh doanh xăng dầu. KTNN đã kiểm toán chuyên đề bù lỗ và kết quả là đã có tác động rất tích cực. Tuy nhiên, từ 2008 đến nay, sau khi Nhà nước bỏ cấp bù lỗ và điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường, để tránh tình trạng điều chỉnh giá nhiều lần trong một năm, Chính phủ cho phép các đầu mối kinh doanh xăng dầu trích lập quỹ bình ổn giá theo quy định. Quỹ này được dùng để bù đắp trong trường hợp giá thế giới tăng, chúng ta vẫn có thể giữ ổn định giá bán lẻ trong nước, tránh tình trạng điều chỉnh giá nhỏ giọt, gây bất ổn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp (DN).
Có nhiều ý kiến chưa đồng thuận về việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu. Dư luận cho rằng, vì sao đã lập quỹ bình ổn mà giá bán lẻ vẫn tăng, độ minh bạch trong việc sử dụng quỹ này như thế nào? Về phía các đầu mối kinh doanh xăng dầu cũng có nhiều ý kiến không thống nhất. Một số đầu mối nhập khẩu nhỏ thì cho rằng, việc trích lập quỹ sẽ tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng, bởi những DN lớn, có thị phần cao, doanh số bán hàng nhiều, trích lập quỹ sẽ lớn và trong khi chưa sử dụng sẽ hình thành một quỹ lưu động rất lớn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các DN lớn có điều kiện hạ giá thành có thể tạo ra áp lực cạnh tranh về giá. Đặc biệt, trong thời gian qua khi giá xăng dầu thế giới tăng, Chính phủ đã áp dụng nhiều giải pháp như giảm thuế nhập khẩu còn 0% mà DN kinh doanh xăng dầu vẫn bị lỗ và có ý kiến cho rằng quỹ này đã cạn dẫn đến việc buộc phải điều chỉnh giá xăng, dầu bán lẻ… Vì vậy, KTNN quyết định xem xét việc trích lập, sử dụng và quản lý quỹ bình ổn giá xăng dầu. Khi thực hiện, KTNN sẽ kiểm toán tại tất cả các đầu mối nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu để đánh giá việc trích lập thực tế sử dụng quỹ có đúng mục tiêu hay không, tác dụng của quỹ này với việc thực hiện lộ trình giá xăng dầu theo cơ chế thị trường, để từ đó có kiến nghị với Chính phủ.
- Bên cạnh giá xăng dầu, việc điều chỉnh giá than, giá điện cũng là những vấn đề "nóng" được dư luận quan tâm. Việc kiểm toán hai tập đoàn lớn là Điện lực Việt Nam (EVN) và Than khoáng sản Việt Nam (TKV) sẽ tập trung vào những lĩnh vực nào, thưa ông?
- Có hai tiêu chí để kiểm toán ở các đơn vị nói trên. Thứ nhất, chu kỳ kiểm toán của các đơn vị là 3 đến 5 năm. Thứ 2, do những yêu cầu bức thiết của nền kinh tế. Với EVN và TKV, chu kỳ kiểm toán của 2 tập đoàn này mới được 3 năm (kiểm toán từ năm 2008). Song, trên thực tế việc minh bạch hóa các yếu tố hình thành giá điện, giá than sẽ tạo được sự đồng thuận của xã hội. Đây cũng là căn cứ quan trọng để Chính phủ quyết định mức giá phù hợp nhằm vận hành các loại giá theo cơ chế thị trường. Vì vậy, chu kỳ kiểm toán EVN và TKV đã được rút ngắn.
Công tác kiểm toán sẽ làm rõ các yếu tố để tăng giá điện và than. Chẳng hạn, với điện, các yếu tố tạo nên giá thành cao là phải mua điện ở những đầu mối ngoài EVN, kể cả nước ngoài; hay bản thân các loại hình điện chạy bằng nhiệt điện, than thì giá thành đắt; yếu tố về tiền lương... Những yếu tố giảm giá thành là tổn thất điện năng, các khoản chi phí không cần thiết có thể tiết giảm được, kể cả chi phí trực tiếp liên quan đến giá thành và chi phí gián tiếp... Tất cả những khía cạnh nêu trên sẽ được KTNN làm minh bạch, xem yếu tố nào tăng, hay yếu tố nào có thể tiết giảm được chi phí...
- Ngoài các đầu mối nêu trên, lĩnh vực nào sẽ được KTNN tập trung kiểm toán trong năm nay?
- Năm 2011, sẽ kiểm toán tại 151 đầu mối, trong đó 55 đầu mối thuộc các lĩnh vực như ngân sách nhà nước; 39 dự án đầu tư xây dựng, trong đó có dự án lọc dầu số 1 Dung Quất, xây dựng cầu Cần Thơ; 8 chương trình mục tiêu, dự án quốc gia; 5 cuộc kiểm toán chuyên đề. Đặc biệt, sẽ kiểm toán tại 27 tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại, trong đó có Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Ngoài ra, KTNN cũng sẽ phối hợp với cơ
quan Kiểm toán Nga kiểm toán Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro và Công ty TNHH Rusvietsovpetro.
- Xin cảm ơn ông!