Cần Thơ: Ngư dân đau đầu vì xăng, dầu
3/3/2011 3:42:00 PMTin trong nước

Trước thời điểm công bố điều chỉnh giá xăng, dầu, nhiều tàu đánh bắt ở các tỉnh ven biển khu vực ĐBSCL phải nằm bờ, vì chạy khắp nơi vẫn không mua được dầu. Rồi ngày 24-2, công bố điều chỉnh giá xăng dầu, theo đó, dầu diezel điều chỉnh tăng thêm 3.550 đồng/lít lên mức 18.300 đồng/lít, ngư dân lại đau đầu với bài toán lời- lỗ cho mỗi chuyến ra khơi.

Hàng chục tàu khai thác ở Sông Đốc phải đậu tàu vì không có dầu ra khơi.

Gánh nặng chi phí

Trước ngày 24-2, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, đã ngưng bán hàng cho các phương tiện đánh bắt thủy sản. Nhiều tàu cá phải nằm bờ vì không đủ dầu ra khơi, nhiều doanh nghiệp thu mua thủy sản có đội tàu làm dịch vụ hậu cần nghề biển cũng khốn đốn. Trong khi đây là thời điểm chuẩn bị cho chuyến đi biển mới, tàu nằm bờ, gây thất thu không nhỏ cho ngư dân, chủ tàu. Rồi ngày 24-2, áp lực thiếu dầu được giải tỏa khi Chính phủ công bố điều chỉnh tăng giá bán từ 10 giờ sáng, nhưng nỗi lo khác lại ập đến cho chủ tàu, chi phí ra biển đội lên đáng kể. Những chuyến tàu ra khơi ở các tỉnh ven biển khu vực ĐBSCL như: Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bến Tre... càng nặng nề thêm khi giá dầu tăng ở mức cao.

Ông Tô Duy Đại, Chủ tịch Hội Nghề cá TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), cho biết: “Đến ngày ra khơi, nhưng nhiều chủ tàu không mua được nhiên liệu. Ngày thường, chủ tàu có thể mua thiếu nhiên liệu và trả sau mỗi chuyến biển nhưng trước ngày 24-2, có tiền vẫn không mua được! Một số cây xăng chịu bán ra với số lượng lớn cho chủ tàu nhưng chỉ bán cho tàu mối quen”. Rồi giá dầu tăng thêm 3.550 đồng/lít làm tăng một khoản chi phí rất lớn cho mỗi chuyến biển. Ngư trường ở tỉnh Kiên Giang lớn, thu hút đội tàu đánh bắt nhiều tỉnh miền Trung và ĐBSCL vào khai thác. Riêng đội tàu khai thác hải sản của tỉnh Kiên Giang hiện đã vượt con số 10.000 chiếc. Trong đó, có trên 2.000 chiếc có công suất lớn từ 250-450 CV. “Giá dầu tăng thêm, mỗi chuyến biển không dưới 100 triệu đồng. Đó là chưa kể giá một số nhiên liệu cần thiết khác cho mỗi chuyến đi cũng tăng theo, tạo thêm gánh nặng cho mỗi chuyến biển”- ông Đoàn Văn Hùng, chủ một cặp cào đôi ở huyện Châu Thành (tỉnh Kiên Giang) than thở.

Anh Tư Xếp, một ngư dân có nhiều kinh nghiệm ở Kinh Ba, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, thở dài: “Đầu năm, đang làm ăn ngon trớn, đùng một cái giá dầu diezel nhảy vọt lên thêm 3.550 đồng/lít. Nhiều tàu bây giờ muốn ra khơi phải tính toán thật kỹ lưỡng, nếu không sẽ mang nợ khi về”. Ông Trương Văn Nguyên, chủ một cặp cào đôi, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, nói: “Giá dầu lên là nghề cào chết trước. Một cặp cào đôi nếu đi một tháng ít gì cũng khoảng 30.000 lít dầu. Với giá dầu tăng lên mới đây, mỗi chuyến chi phí đội lên thêm 100 triệu đồng. Mà hễ cứ xăng dầu lên là những thứ khác như nước đá cũng sẽ tăng theo. Lúc này mà đi biển cầm lỗ là cái chắc”. Nhiều chủ cào đôi ở Kinh Ba cho rằng, hiện nghề khai thác biển không còn lời nữa vì vật giá tăng quá nhanh, trong khi sản lượng và giá cả sản phẩm không theo kịp, ngư dân khó mà bám nghề. Với đà này, chắc chắn sẽ có nhiều tàu “nằm ụ” vì càng đi càng lỗ.

Cần Thơ: Ngư dân đau đầu vì xăng, dầu, Thị trường - Tiêu dùng, gia xang, xang dau, gia ca tra, thuy san, doanh nghiep, kinh te

Giá thủy hải sản nguyên liệu ở ĐBSCL có nhích lên. (Ảnh minh họa).

Nguy cơ mất dần lao động nghề cá

Thời điểm sau Tết, giá thủy hải sản nguyên liệu ở ĐBSCL có nhích lên. Tại Cảng cá Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, những ngày sau khi giá xăng dầu tăng, dù vẫn có những con tàu trở về từ biển nặng đầy tôm cá và bán được giá, nhưng chủ tàu không khỏi lo lắng. Ông Phạm Văn Mẫm, chủ 2 chiếc tàu đánh lưới đèn ở Sóc Trăng, băn khoăn: “Nghề lưới tuy ít tốn dầu hơn, nhưng mỗi chuyến cũng ngốn hết 5-7 ngàn lít dầu, chi phí đội lên mười mấy hai chục triệu đồng mỗi chuyến. Mấy năm nay, ngư dân cũng quen với việc giá dầu tăng, nhưng lần này thì khó chịu đựng nổi nếu như sản lượng và giá sản phẩm khai thác không thể tăng tương ứng như giá dầu. Đây mới là điều ngư dân lo nhất nếu như Nhà nước không có chính sách hỗ trợ giá dầu cho ngư dân”... Nếu như trong chuyến biển đầu năm, ngư dân còn hớn hở khi vừa trúng mùa lại trúng giá thì nay họ thật sự lo âu trước viễn cảnh thua lỗ đang hiện ra trước mắt.

Theo ông Phạm Văn Mẫm, bây giờ các tàu ra khơi đều liên kết với nhau thành từng nhóm từ 5-7 chiếc, có khi cả chục chiếc để luân phiên nhau gom hàng vào cảng. Trước đây, mỗi chuyến đi đến 15- 20 ngày, các tàu mới đưa hàng vô cảng, thì nay chỉ khoảng một tuần là có hàng vô cảng. Cách làm này chỉ có thể đối phó một phần với việc giá dầu tăng, nhưng nếu sản lượng khai thác và giá bán hải sản không tăng thì chủ tàu, ngư phủ đều khó. Bởi hầu như chủ tàu nào cũng phải ứng trước tiền xăng dầu, nước đá của chủ vựa thu mua hải sản, dù giá có xuống bao nhiêu cũng phải bán để trả nợ. Đây cũng chính là điểm yếu nhất của hậu cần nghề cá Sóc Trăng khi chưa có nhiều những doanh nghiệp chuyên thu mua, chế biến các mặt hàng khai thác biển.

Chi phí cho mỗi chuyến đi biển tăng không chỉ ảnh hưởng đến các chủ tàu mà còn tác động trực tiếp đến thu nhập của bạn thuyền. “Mấy năm nay, không ít ngư phủ bỏ tàu lên bờ làm thợ hồ, chạy xe ôm. Tôi không có vốn, không có nghề, quen với cái nghề này nên vẫn bám biển. Mỗi chuyến biển 30-45 ngày mà chia được 2,5-3 triệu đồng/người là mừng lắm rồi. Có chuyến đi cả tháng về vẫn trắng tay. Nghe thông tin tăng giá dầu, anh em ngư phủ nản chí lắm” - bạn thuyền Nguyễn Văn Công ở TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, tâm sự. Mỗi ngư phủ thường là trụ cột cho một gia đình 3-5 miệng ăn. Công việc của một người không ổn định sẽ ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người.

Với thực tế này, không ít các chủ tàu lo lắng. Ông Nguyễn Thanh Hải, một chủ tàu ở cửa biển Sông Đốc, tỉnh Cà Mau, nói: “Nguy cơ thua lỗ trong các chuyến khai thác khi giá dầu tăng là rất cao. Nếu các phương tiện phải nằm bờ, do không có tiền mua dầu lại càng khổ hơn. Bởi khi tàu nằm bờ chẳng những chủ tàu thất thu mà còn phải tốn tiền nuôi bạn tàu, nuôi không nổi thì bạn tàu tìm sang chủ ghe khác, chuyến sau muốn ra khơi, phải chạy đôn chạy đáo tìm bạn”. Trong tình hình khó khăn này, hàng loạt ngư phủ sẽ bỏ nghề tìm việc khác. Đến khi nghề biển thuận lợi trở lại sẽ thiếu lao động. Bởi đi biển đòi hỏi ngư phủ phải có nghề, quen với công việc, còn đào tạo mới là rất khó. Vì thế, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ đối với nghề cá, góp phần giảm bớt khó khăn để tiếp tục ổn định và sống được với nghề.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.020
Xăng RON 95 - III
20.500
Xăng E5 RON 92 - II
19.400
Dầu DO 0,05S 18.140
Dầu DO 0,001S - V 18.360

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 31/10/2024

Giá dầu thô Brent