Wednesday, 30/10/2024
Xung quanh việc tăng giá xăng: Doanh nghiệp khẳng định thực hiện đúng quy định
2/25/2010 3:40:00 PMTin trong nước

Câu hỏi đặt ra, trong lúc xăng giá thế giới chỉ tăng 400 đồng/lít, nhưng giá xăng bán lẻ trong nước tăng thêm từ 550 đến 590 đồng/lít vào ngày 21/2? Vì thế có ý kiến còn đổ lỗi do giá xăng tăng nên giá các mặt hàng tăng theo, dù mọi năm, thời điểm sau Tết Nguyên đán, giá xăng không tăng nhưng giá cả thực phẩm vẫn leo thang.

CôngThương - Doanh nghiệp: Khẳng định không làm sai

Giải thích lý do tăng giá bán lẻ xăng dầu, hầu hết các công ty kinh doanh xăng dầu đều cho rằng nguyên nhân chính là giá nhập khẩu leo thang cộng với tỉ giá USD/VND trong nước thời gian qua tăng. Ông Vương Đình Dung- Tổng Giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Quân đội- cho biết: Giá xăng dầu trên thế giới và tỉ giá USD tác động rất lớn đến giá xăng dầu trong nước. Trong khi đó, thời gian qua giá xăng dầu thế giới vẫn ở mức cao. “Kể cả khi đã điều chỉnh giá các mặt hàng xăng lên 590 đồng/lít, doanh nghiệp vẫn lỗ” - ông Dung nói.

Trả lời phóng viên Báo Công Thương, ông Vương Thái Dũng- Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)- khẳng định: Petrolimex thực hiện rất nghiêm túc việc tăng giá theo đúng quy định của Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Chỉ tính riêng mặt hàng xăng, tại thời điểm tăng giá chúng tôi vẫn chưa có lợi nhuận. Nguyên nhân trước hết là giá thành phẩm xăng dầu thế giới tăng, bình quân 30 ngày qua của mặt hàng xăng thành phẩm giao dịch tại thị trường Singapore đối với mặt hàng xăng A92 là trên 85 USD/thùng, dầu diesel trên dưới 83 USD/thùng. Thứ hai là từ trước Tết Nguyên đán, tỷ giá USD/VNĐ đã tăng lên khoảng 3%, tăng khoảng 600 đồng. Với mức giá này, sau khi cộng thêm các khoản chi phí xăng dầu, thuế nhập khẩu, kho bãi... theo tính toán giá tính đúng, tính đủ khi đến tay người tiêu dùng, doanh nghiệp lỗ 700- 800 đồng/lít xăng chứ không phải 590 đồng/lít như trong lần điều chỉnh mới nhất này. Đúng ra, việc điều chỉnh giá xăng dầu sẽ diễn ra trước Tết Nguyên đán nhưng đây là thời điểm “nhạy cảm”, việc tăng giá xăng dầu có thể tác động đến đời sống, vì thế việc điều chỉnh giá xăng dầu cũng được lùi lại".

Một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu còn cho biết, theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP, mặc dù DN được phép quyết định giá bán nhưng nếu làm sai quy định sẽ bị cơ quan quản lý huýt còi, phải trích trả lại, phải bù… lúc đó trách nhiệm còn lớn hơn nhiều. Vì thế doanh nghiệp chẳng dại mà làm sai, nhất là Petrolimex- một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.

Nhà quản lý: Chưa kiểm đã kết

Trước những thắc mắc về giá xăng, bà Nguyễn Thanh Hương- Cục phó Cục Quản lý giá Bộ Tài chính- trả lời báo chí và khẳng định mức tăng vừa qua là hợp lý, đúng quy định. Bà Hương cũng cho biết: Giá xăng trung bình trong 30 ngày qua cho thấy giá đã tăng khoảng 595đ/lít, các doanh nghiệp điều chỉnh tăng khoảng 590đ/lít là hợp lý, từng doanh nghiệp có mức tăng khác nhau không đáng kể. Lẽ ra ngày 2/2 doanh nghiệp đã có thể tăng giá, tuy nhiên đó là thời điểm ngay sát Tết, có thể ảnh hưởng không tốt đến tâm lý người dân và giá cả hàng hóa dịp tết nên đã không tăng giá và thực tế có DN lỗ. Đến ngày 8/2 thì giá thế giới lại giảm. Đợt này doanh nghiệp không thể giảm vì khi giá thế giới tăng họ đã không tăng.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Võ Văn Quyền- Tổ phó Tổ giám sát giá xăng dầu Liên bộ Công Thương- Tài chính, Vụ phó Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương)- cho biết: Bộ đang chỉ đạo kiểm tra lại sự việc, nếu các doanh nghiệp làm đúng quy định của Nghị định 84/2009/NĐ-CP, tăng giá sau 10 ngày và tăng không quá 7% thì không có gì sai.

Mặc dù các cơ quan chưa tiến hành kiểm tra, nhưng ngày 24/2, ông Nguyễn Tiến Thỏa- Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính)- đã trả lời VTV1: Hiện nay kinh doanh xăng đang lãi 300 đồng/lít.

Dù chưa khẳng định đúng sai, nhưng việc trả lời đó đã gián tiếp cho rằng việc tăng giá xăng của doanh nghiệp vừa qua là bất hợp lý, bởi trong khi DN nói mình lỗ, nhưng cơ quan quản lý lại bảo họ lãi (?)

Hai cách trả lời trái ngược nhau giữa bà Nguyễn Thanh Hương và ông Nguyễn Tiến Thỏa -đều là đại diện của Cục Quản lý Giá - khiến dư luận càng khó hiểu. Có ý kiến phản đối cho rằng, trong khi lĩnh vực kinh doanh xăng dầu khá nhạy cảm, dễ kích động tâm lý người tiêu dùng, mỗi lời phát biểu của đại diện cơ quan quản lý Nhà nước càng phải thận trọng thì lẽ ra để kết luận đúng sai cơ quan quản lý phải vào cuộc, kiểm tra rồi mới đưa ra kết luận.

Cơ chế: không thể quay ngược… như cũ

Hai tháng đầu năm 2010, khi chỉ số giá tiêu dùng tăng cao (tăng 3,35%) trong khi mục tiêu kiềm chế CPI năm 2020 là 7%, vì thế có ý kiến lo ngại, việc tăng giá xăng vừa qua, tăng giá điện, giá than, nước sinh hoạt ở Hà Nội… sắp tới sẽ làm tăng yếu đố đầu vào của sản xuất. Thậm chí có ý kiến “kết tội” cho rằng, việc chọn thời điểm này để tăng giá bán lẻ xăng như vừa qua là sai lầm, thậm chí nguy hiểm cho cả nền kinh tế. Vì thế đòi hỏi Nhà nước phải có sự can thiệp vào việc định giá xăng dầu.

Nhiều năm qua, để kiềm chế tăng giá tiêu dùng, ổn định đời sống nhân dân, mỗi năm nhà nước phải bỏ ra hàng chục nghìn tỷ đồng để bù lỗ xăng dầu. Bên cạnh việc Nhà nước mất tiền bù lỗ, doanh nghiệp 7-8 năm kinh doanh không có lãi, không có tích lũy để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phát triển doanh nghiệp; hơn nữa, người tiêu dùng và các DN luôn có ý thức ỷ lại vào sự trợ giá của nhà nước, tiêu dùng lãng phí.... Một năm qua, khi giá xăng dầu thực hiện theo cơ chế thị trường, ngoài cái lợi Nhà nước không còn phải bù giá nữa mà ngược lại, năm 2009, các DN còn đóng góp hàng ngàn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Điều đó minh chứng cho việc thị trường hóa xăng dầu là hướng đi đúng, tác động tích cực cho kinh tế Nhà nước cũng như kinh tế của doanh nghiệp. Có thể khẳng định, Nghị định 84/2009/NĐ-CP là một “cuộc cách mạng” trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu mà sau nhiều năm mới đạt được.

Hơn nữa, nhiều lần Quốc hội và Chính phủ đã khẳng định, sẽ tiếp tục áp dụng cơ chế thị trường đối với hàng loạt các mặt hàng thiết yếu khác như điện, nước, than… Như ông Nguyễn Đức Kiên- Ủy viên Ủy ban kinh tế Quốc hội- phát biểu: “Chúng ta thường nói với nhau là xây dựng một nền kinh tế thị trường, tôn trọng quy luật của thị trường, vậy thì giá điện hay giá mặt hàng nào đó tăng hay giảm đều phải chấp nhận nếu nó đúng.

Vì thế, ý kiến áp đặt cho rằng, Nhà nước phải can thiệp vào giá xăng dầu, giữ ở mức này, tăng ở mức nào, vào thời điểm nào… vẫn là lối tư duy quá cũ, muốn áp đặt theo lối hành chính, quay lại cơ chế xin- cho khó có thể chấp nhận.

Tuy nhiên, qua phản ứng với việc tăng giá xăng dầu vừa qua cho thấy, người tiêu dùng vẫn chưa quen với cơ chế giá thị trường, luôn có mong muốn hưởng bù giá. Ngược lại, cũng cho thấy, dù kinh doanh theo cơ chế thị trường, doanh nghiệp không thể tự ý tăng giá bất hợp lý, bởi còn có sự giám sát của dư luận xã hội.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.410
Xăng RON 95 - III
20.890
Xăng E5 RON 92 - II
19.690
Dầu DO 0,05S 18.050
Dầu DO 0,001S - V 18.310

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 24/10/2024

Giá dầu thô Brent