Đại lý bán lẻ xăng dầu cần cái nhìn thiện cảm
2/22/2011 4:20:00 PMTin trong nước

Không phải đại lý nào cũng găm hàng chờ tăng giá mà đa phần vì không có đủ hàng để bán. Nhà nước yêu cầu đảm bảo nguồn cung nhưng doanh nghiệp bán lẻ bị lỗ lại không được tăng giá hay nhận hỗ trợ.

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Chủ tịch HĐQT Công ty SFC

Tôi đang giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn (SFC). Với bề dày hơn 30 năm kinh doanh bán lẻ xăng dầu, công ty chúng tôi hiểu rõ sự nghiệt ngã của thị trường và cái khổ của giới kinh doanh bán lẻ khi cơ chế quản lý chưa rõ ràng.

Thời gian qua, dư luận luôn bức xúc chuyện giá cả thế giới biến động, giá bán lẻ xăng dầu trong nước được kiến nghị phải tăng. Và hiện nay, câu chuyện căng thẳng nguồn cung, hàng phân phối nhỏ giọt, đã có đại lý cửa hàng bán lẻ treo bảng ngừng bán đang được xới lên trong dư luận.

Đa phần các ý kiến cho rằng đại lý ngừng bán là hiện tượng đầu cơ găm hàng chờ tăng giá để kiếm lời. Họ đâu biết rằng một ngày nghỉ bán, chi phí cũng phát sinh. Một ngày nghỉ bán tức là chừng ấy khoản doanh thu bị giảm đi, vậy thì họ găm hàng có thực sự là hiệu quả khi mà chính họ cũng không biết khi nào Nhà nước mới cho phép điều chỉnh giá?

Trong kinh doanh, bất cứ cửa hàng nào cũng có đối tượng khách hàng trung thành và vãng lai. Họ nghỉ bán tức là từ chối khách hàng của mình và đi kèm với đó, uy tín cũng giảm theo. Trong khi việc găm hàng hay thiếu hàng, cơ quan quản lý thị trường chỉ cần vài thao tác nhỏ kiểm tra là biết.

Tôi chỉ muốn nói điều này để thấy rằng bên cạnh việc chỉ trích, người dân cũng cần có cái nhìn thiện cảm và thấy được rằng mấu chốt vấn đề nằm ở đâu.

Công ty SFC có 18 cửa hàng bán lẻ, là tổng đại lý phân phối của Petec và Saigon Petro. Nói cách khác là chúng tôi là doanh nghiệp cổ phần tư nhân, không trực thuộc các đơn vị kinh doanh xăng dầu đầu mối. Chúng tôi kinh doanh trên nguyên tắc "lời ăn, lỗ chịu" chứ không được Nhà nước hỗ trợ.

Hiện nay, hoa hồng cho các đại lý bán lẻ vào khoảng 50 đồng một lít xăng dầu và có thể sẽ còn giảm hơn nữa trong những ngày sắp tới. Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn hiện nay, giá thế giới tăng cao, doanh nghiệp nhập khẩu lỗ thì hoa hồng cho đại lý cũng bị cắt giảm đến mức thấp nhất trong hơn 30 năm qua là điều dễ hiểu.

Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu chúng tôi không thể trách các công ty đầu mối khi mức thù lao thấp như vậy vì bản thân họ cũng đang lỗ rất nặng và đang “gồng mình” để làm tròn trách nhiệm chính trị. Với mức thù lao này thì tất cả các trạm xăng dầu bán lẻ đều lỗ rất nặng và mức lỗ không thấp hơn 250 đồng mỗi lít. Vậy mà, trong những ngày vừa qua, hệ thống bán lẻ xăng dầu đang nhận được cái nhìn thiếu thiện cảm của xã hội, được chú ý rất kỹ và được xem là chỉ chăm chăm đầu cơ, đợi tăng giá mà không chịu bán hàng.

Sẽ có ý kiến cho rằng, công ty bán lẻ xăng dầu ráng chịu lỗ đi sau này kinh doanh có lãi sẽ bù lại. Nhưng cái tương lai đó không có gì chắc chắn cả. Trong tất cả các ngành nghề kinh doanh khác, nếu quá lỗ thì đóng cửa hoạt động lại là giải pháp có hiệu quả nhất. Kinh doanh xăng dầu bán lẻ cũng vậy. Tại thời điểm này, nếu ngưng kinh doanh với tồn trữ xăng dầu tại trạm bằng 0 (không còn xăng dầu để bán, không đầu cơ), chúng tôi vẫn sẽ ít lỗ hơn là tiếp tục kinh doanh.

Nói lên điều này để mong các cơ quan chức năng, người dân hiểu và thông cảm cho những khó khăn của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu. Theo số liệu thống kê thì có lẽ hơn 40% trạm kinh doanh xăng dầu hiện nay là tư nhân, không trực thuộc 11 công ty xăng dầu đầu mối. Năng lực kinh doanh của mỗi trạm xăng dầu là khác nhau và không phải ai cũng đủ vốn để chịu lỗ kéo dài.

Công ty đang lỗ khi kinh doanh thì cũng sẽ khó khăn để có tiền mua xăng dầu từ công ty đầu mối và bản thân các công ty đầu mối cũng đang hạn chế lượng bán ra để giảm lỗ. Trong khi đó, khách hàng thì xếp hàng rồng rắn trước trạm xăng dầu, không chỉ mua xăng cho phương tiện vận chuyển, họ còn mua bằng can, bằng phuy thì lượng bán chắc chắn sẽ tăng đột biến. Như vậy, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu vừa khó khăn trong việc mua xăng dầu, vừa lỗ nặng khi bán ra nhưng phải mở cửa bình thường, nếu không thì bị rút giấy phép, bị nêu tên trên báo…

Rõ ràng, Nhà Nước không cho phép đóng cửa hay tạm ngưng kinh doanh nhưng cũng không có bất kỳ biện pháp hỗ trợ nào. Trong khi đó, nói gì thì nói, các công ty xăng dầu đầu mối đều là các doanh nghiệp Nhà Nước và trong nhiều năm qua, họ vẫn được xem xét bù lỗ khi thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình. Có thể nói, các cơ quan chức năng đang sử dụng biện pháp hành chánh để giải quyết một vấn đề kinh tế.

Đã đến lúc chúng ta phải xem xét một cách nghiêm túc và toàn diện về việc quản lý thị trường xăng dầu Việt Nam nói chung và bán lẻ xăng dầu nói riêng. Về định hướng, Chính Phủ đã có quy định để thị trường xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường nhưng chúng ta đã không thực hiện đúng. Khi giá cả bị méo mó, tất yếu sẽ xảy ra những hệ lụy có tác động xấu đến nền kinh tế và xã hội.

Nên chăng, Chính Phủ cần điều hành giá xăng dầu linh hoạt hơn, trong đó, việc tăng giảm giá bán lẻ, thuế và chính sách bù lỗ được thực hiện một cách linh hoạt với đối tượng bị chi phối chính là các công ty xăng dầu đầu mối. Đối với các công ty bán lẻ xăng dầu thì nên yêu cầu các công ty đầu mối đảm bảo một mức thù lao hợp lý, ít nhất là đủ cho việc duy trì kinh doanh bình thường, để họ có thể yên tâm trong việc phục vụ nhu cầu xăng dầu cho người dân.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.020
Xăng RON 95 - III
20.500
Xăng E5 RON 92 - II
19.400
Dầu DO 0,05S 18.140
Dầu DO 0,001S - V 18.360

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 31/10/2024

Giá dầu thô Brent