Đủ xăng dầu nhưng cửa hàng vẫn đóng cửa: Vì sao?
2/21/2011 8:38:00 AMTin trong nước

Trong khi những DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu khẳng định không thiếu xăng, vậy nhưng, tại nhiều địa phương trên cả nước, hàng loạt cửa hàng xăng dầu (CHXD) vẫn ngừng hoặc hạn chế bán xăng dầu. Vì sao vậy?

Không thiếu hàng

Sáng qua (20/2), trao đổi với báo chí, ông Vương Thái Dũng- Phó TGĐ TCty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cho biết, do phải giữ giá bán trong nhiều tháng nay nên kinh doanh xăng dầu gặp rất nhiều khó khăn, các mặt hàng xăng dầu đều lỗ nặng. Hiện nay, xăng Mogas 92 lỗ trên 2.800 đồng/lít; diezel lỗ 3.700 đồng/lít; dầu hỏa lỗ 3.600 đồng/lít; mazut lỗ gần 2.700 đồng/kg. Trong khi đó, để NK xăng dầu, Petrolimex phải vay ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại. “Đợt điều chỉnh tăng tỷ giá ngoại tệ vừa qua, chúng tôi đã thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng, điều đó cũng có nghĩa là làm tăng chi phí trong việc tính giá cơ sở xăng dầu”, ông Dũng nói.

Tuy nhiên, ông Dũng khẳng định, Petrolimex đã hết sức nỗ lực để đảm bảo lo đủ nguồn hàng. Trong tháng 1 và nửa đầu tháng 2/2011, Petrolimex đã nhập hơn 1,5 triệu m3, tấn xăng dầu, cao hơn so với cùng kỳ năm trước 22%, vượt tiến độ so với hạn mức Bộ Công thương giao năm 2011 là 20%. Trên thị trường nội địa, trong tháng 1/2011, Petrolimex bán ra trên 807.000 tấn, cao hơn 18% so với sản lượng thực hiện cùng kỳ, trong đó, riêng thị trường miền Nam, sản lượng bán lẻ vượt 24%.

Hiện nay, trong hệ thống Petrolimex có trên 6.000 CHXD thuộc 2 kênh phân phối: kênh thứ nhất gồm các CHXD trực thuộc Petrolimex (có 2.016 cửa hàng trên toàn quốc) và kênh thứ hai là các CHXD thuộc các đại lý, tổng đại lý cho Petrolimex (khoảng 4.000 cửa hàng). 

1 cây xăng tư nhân vẫn mở cửa nhưng khi khách hàng đến đổ thì nhân viên kêu trụ bơm đang hư nên không bán

Ông Dũng cho biết, trong tình hình hiện nay giá xăng dầu Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với giá xăng dầu các nước trong khu vực, để hạn chế thẩm lậu xăng dầu qua biên giới, Petrolimex quy định các cửa hàng của mình không được phép bán cho các trường hợp mang can, phuy; nghiêm cấm nhân viên các cửa hàng tiếp tay cho buôn lậu, nếu vi phạm sẽ xử lý với mức độ cao nhất.

Ông Dũng khẳng định, đối với các cửa hàng trực thuộc Petrolimex luôn luôn được bảo đảm đủ mọi nhu cầu xăng dầu để bán và bán đúng giá niêm yết, bán đủ thời gian theo công bố tại cửa hàng. Đối với kênh CHXD thuộc các đại lý và tổng đại lý, Petrolimex đảm bảo giao đủ hàng theo đúng cam kết trong hợp đồng với các đại lý, tổng đại lý (về số lượng, thời gian, tiến độ giao hàng…). Như vậy, hệ thống CHXD Petrolimex không thiếu hàng!

Theo vị lãnh đạo Petrolimex, nguồn xăng dầu được NK về vẫn cung cấp cho thị trường. “Nếu khách hàng phát hiện CHXD thuộc Petrolimex ngừng bán hoặc có dấu hiệu vi phạm các quy định về kinh doanh, có thể liên lạc trực tiếp đến số điện thoại nóng của các DN trực thuộc Petrolimex đóng trên địa bàn tỉnh, TP, Petrolimex sẽ xem xét và xử lý nghiêm khắc.

Vẫn đóng cửa

Trao đổi với PV về thông tin nên trên, chủ nhiều cây xăng tư nhân khẳng định, các cửa hàng xăng, dầu thuộc hệ thống DNNN còn phục vụ người tiêu dùng vì nếu lỗ “có chỗ bù”, còn DN kinh doanh xăng dầu tư nhân thì thời gian tới, họ sẽ vẫn đóng cửa hoặc cùng lắm là mở cửa nhưng chỉ để...đối phó.

Cũng phải nói thêm, không chỉ khu vực nông thôn mà tại nhiều địa bàn thành thị, việc cung ứng, bán lẻ xăng dầu, các DN tư nhân đang nắm giữ thị phần khá lớn.

Ông Trần Văn Đạt, Chủ DNTN xăng dầu Thái An có 1 cây xăng gồm 2 trụ bơm xăng, 1 trụ bơm dầu với dung tích chứa 40.000 lít nằm trên đường QL 13, xã Vĩnh Phú, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương cho biết, thời điểm cực thịnh của các cây xăng tư nhân là vào thời điểm tháng 2 năm ngoái, lúc đó bán 1 lít xăng, DN đầu mối là công ty XNK Thanh Lễ cho “ăn” lãi ( gọi nôm na là chiết khấu) tới 810 đ/lít!. Bình quân 1 ngày, cây xăng của ông bán ra khoảng 1.000 lít, cầm lãi trong tay 810 ngàn đồng. Sau khi trừ chi phí điện, nước, trả công bơm, mỗi ngày ông lãi ròng trên 500 ngàn. “ Có đâu như bây giờ, bắt đầu ngày 1/2/2011 (tức 29 Tết vừa qua), mấy ổng “ép” lãi xuống còn có 60 đồng và mới đây ngày 12/2 lại hạ tiếp mức chiết khấu còn có 30 đ/lít xăng, tức thấp hơn gần 300 lần so trước đây. Rõ ràng, trong 1 ngày nếu tôi mở cửa từ sáng đến tối bán được 1.000 lít thì tiền lãi vỏn vẹn 40 ngàn. Với số tiền này không đủ trả tiền công lao động, vậy nên phải tìm cách để nghỉ bán chờ nhà nước tăng giá mới thôi..”- Ông Đạt nói.

Tương tự, khi đọc thông tin ông Đặng Vinh Sang, TGĐ Saigon Petro trả lời phỏng vấn trên mạng báo L.Đ ngày 18/2 cho rằng “ Họ (cây xăng) chỉ được chiết khấu 200đ/lít xăng, quá nhỏ so với chi phí nên không có nguồn bù lỗ” thì bà Lê Thị S., Chủ DNTN xăng dầu Thành Đạt (Hàm Tân, Bình Thuận) bức xúc nói, cây xăng của bà lấy xăng từ DN đầu mối là công ty vật tư Bình Thuận, là một tổng đại lý của Sài Gòn Petro, nếu được chiết khấu 200 đ như ông Sang nói vẫn còn may, đằng này sau Tết đến nay tiền chiết khấu của DN đầu mối cho mỗi cây xăng tư nhân chỉ có từ 50-60 đồng/lít xăng, còn dầu “hẻo” hơn, từ 100 đ/lít vào tháng 1/2011 nhưng đến ngày 17/2/2011 hạ còn 30 đ/lít!. Trong khi đó, chi phí mặt bằng, nhân công, điện cho cây xăng đã chiếm từ 300-400 đồng/lít.

“Tôi có 3 trụ bơm xăng, 1 trụ dầu với 4 bồn chứa, mỗi bồn là 12 ngàn lít. Do vị trí cây xăng nằm gần khu dân cư nên mỗi ngày tôi bán ra chừng 2.000 lít xăng mà thu lãi có 100 ngàn ( tiền chiết khấu 50 đ/lít), còn bán dầu được 600 lít cho các chủ trại tôm chỉ có 18 ngàn. Với số tiền lãi mỗi ngày cả xăng và dầu cộng lại được hơn 100 ngàn, tôi phải trả tiền công bơm cho 2 lao động là 60 ngàn/người/ngày cùng các khoản chi khác như thuế, điện nước, ăn uống.. Như vậy, làm không lời thì làm cái gì?”- bà S., lý giải. Chính vì vậy, cây xăng của bà S., cứ “vật vờ” thích bán thì mở cửa, không thích thì thông báo “cúp điện”, “hết hàng”.

Thật ra, hiện tượng các cây xăng “vật vờ” không muốn bán như của bà S., không phải là ít. Những ngày qua, tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai.. cũng đã xuất hiện nhiều cây xăng nghỉ bán vì các lý do nói trên. Sáng hôm qua ( 20/2), chúng tôi đi thị sát từ QL 13 xuyên qua đại lộ Bình Dương đi huyện Bến Cát cũng không quá khó khi phát hiện nhiều cây xăng tuy vẫn mở cửa đàng hoàng nhằm đối phó với cơ quan chức năng, nhưng khi khách hàng đưa xe vào đổ đều nhận cái lắc đầu “hết xăng” vì đang nhập hàng. Thậm chí, có cây xăng nằm ở trên đường QL13, huyện Thuận An lấy lý do trụ bơm đang “hư” phải sữa chữa để khách hàng khỏi phải thắc mắc, nài nỉ.

Chưa bao giờ mà thông tin xăng, dầu chuẩn bị tăng giá lại quá “lộ liễu” và kéo dài như hiện nay. Vậy nên, các cửa hàng xăng dầu tư nhân thấp thỏm, cố tình găm hàng chờ giá mới để thu lợi chênh lệch là điều không khó hiểu. Thậm chí, các đại gia ngành bất động sản, cao su.. cũng mau chóng nhập cuộc để chơi trò “đầu cơ” để thu lợi. Anh T., một “đại gia” ngành bất động sản trong ngày 23/1/2011 đã tự tin tới mức dám bỏ ra 1,6 tỷ mua 100 ngàn lít xăng A92 của Cty Thương mại và Kỹ thuật đầu tư Petec (quận 1, TPHCM) với giá 16.360 đ/lít. “Nếu tới đây xăng tăng giá 1.500 đ/lít, tôi có lãi ngay 150 triệu!”- Anh T., hồ hởi nói.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.020
Xăng RON 95 - III
20.500
Xăng E5 RON 92 - II
19.400
Dầu DO 0,05S 18.140
Dầu DO 0,001S - V 18.360

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 31/10/2024

Giá dầu thô Brent