Sức nóng của nạn xuất lậu xăng dầu lậu ở An Giang lại càng thêm nóng khi trùng khớp với thời điểm nhu cầu xăng dầu phục vụ cho vụ lúa đông xuân bên kia biên giới đang gia tăng.
|
Xăng dầu tại điểm tập kết lộ thiên ven kênh Vĩnh Tế - thuộc xóm Chùa (thị trấn Tịnh Biên). Ảnh: Lục Tùng |
Sau dư luận, càng nóng hơn
Chúng tôi trở lại biên giới huyện Tịnh Biên sau những ngày dư luận xôn xao về nạn buôn lậu xăng dầu công khai như chỗ không người. Không chỉ có vỏ lãi, xe gắn máy mà gần như nhiều phương tiện vận tải lớn nơi đây đều được các đầu nậu huy động cho “đại cuộc” chuyển xăng dầu lậu. Chỉ hơn nửa giờ đồng hồ có mặt tại bờ kênh Tư Mèo (khóm Xuân Biên, thị trấn Tịnh Biên), chúng tôi đếm được hơn 30 vỏ lãi (mỗi vỏ chở trên 30 can, mỗi can 30 lít xăng, dầu) chuyển xăng dầu từ nội địa sang Campuchia. Dân buôn lậu lấy xăng ở bất kỳ cây, bè xăng ven biên giới huyện Tịnh Biên, rồi tập kết bằng xe gắn máy đến bờ kênh Vĩnh Tế.
Từ đây, dân chuyển hàng lậu thuê dùng vỏ lãi, đưa hàng ra điểm tập kết giáp ranh giới An Giang - Tà Keo. Rảo quanh mấy điểm bán xăng dầu dọc tuyến biên giới nơi đây, chúng tôi vẫn ghi nhận được nhiều hình ảnh bán buôn tấp nập. Ở bè xăng Minh Quang bên bờ kênh Vĩnh Tế thuộc thị trấn Tịnh Biên, lúc nào cũng có hai - ba vỏ lãi chờ lấy hàng. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, đêm xuống bức tranh xuất lậu xăng dầu ở Tịnh Biên mới thật sự nóng bỏng. “Đêm trước, mệt trong mình khó ngủ, lại thêm tiếng vỏ lãi chở xăng dầu lậu “hành”, tôi ra mé kênh Vĩnh Tế xem thử, thấy ghe chở xăng dầu chạy vào kênh Tư Mèo đông như hội” - một người dân nhà gần bè xăng Minh Quang (một trong những điểm cung ứng xăng dầu lậu lớn ở huyện Tịnh Biên) bức xúc.
Buôn lậu thách thức các lực lượng thực thi pháp luật
Bằng biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi tiếp cận và được một thành viên thuộc bè xăng Minh Quang cho biết, với giá bán từ 4.200 riel (đơn vị tiền tệ Campuchia)/lít dầu và 4.700 riel/lít xăng và tỉ lệ hối đoái như hiện nay 10 riel bằng 5.200đ, giá mỗi lít xăng A92 ở Việt Nam thấp hơn Campuchia khoảng 8.000 đồng/lít, còn dầu thì khoảng 7.000 đồng/lít. Tuy nhiên, theo lời người này thì trên thực tế chủ bè chỉ còn lời thu lời được 3.000đ/can. Bởi ngoài chi phí công vận chuyển mỗi can từ 7.000 – 8.000 đồng, chủ bè còn phải chi phí “làm luật” cho lực lượng làm nhiệm vụ.
Tuy chưa có điều kiện kiểm chứng độ chính xác của thông tin (và cũng rất khó để kiểm chứng), nhưng thực tế sinh động tại vùng biên giới này đã đặt ra dấu hỏi lớn. Không chỉ xăng dầu ùn ùn “xuất ra”, mỗi ngày có hàng chục mặt hàng từ đường cát Thái Lan, thuốc lá, điện thoại di động... “nhập vào”, chẳng lẽ lực lượng chống buôn lậu, lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới lại không biết? Không phải vô cớ mà thời gian qua dư luận đang râm ran: Buôn lậu xăng dầu đã và đang rầm rộ hoạt động một cách công khai và thách thức các lực lượng thực thi pháp luật, lực lượng bảo vệ biên giới.