Tại New York, kết thúc phiên 11/1, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 2/2011 tăng 1,86 USD lên 91,11 USD/thùng; còn tại London, giá dầu Brent Biển Bắc cùng kỳ hạn tăng 1,91 USD lên 97,61 USD/thùng, sau khi có lúc chạm 97,82 USD/thùng - mức cao nhất kể từ ngày 1/10/2008.
Sang ngày 12/1, tại Sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 2/2011 tiếp tục tăng 21 xu lên 91,32 USD/thùng, còn giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ giảm 2 xu xuống 97,59 USD/thùng.
Ong Yi Ling - nhà phân tích đầu tư thuộc công ty Phillip Futures ở Singapore cho biết, giá dầu tiếp tục đà đi lên sau khi công ty Statoil của Na Uy thông báo tạm ngừng khai thác tại các giếng dầu ngoài khơi Biển Bắc là Snorre và Vigdis, chiếm tổng cộng khoảng 157.000 thùng sản lượng mỗi ngày của công ty, do hiện tượng rò rỉ khí đốt và chưa rõ khi nào sẽ đưa vào hoạt động trở lại.
Trong năm 2010, Snorre sản xuất khoảng 116.000 thùng dầu mỗi ngày, trong khi Vigdis cho sản lượng 41.000 thùng/ngày.
Trong khi đó, việc tuyến đường ống Alaska tiếp tục bị
đóng cửa ngày thứ tư cũng là một trong những tin chính chi phối thị trường. Matt Smith thuộc công ty Summit Energy, cho biết, hiện vẫn còn nhiều điều không chắc chắn về tình trạng rò rỉ của tuyến đường dẫn dầu ở Alaska.
Theo ông Smith, nguồn cung dầu của Mỹ nhìn chung vẫn lớn, nhưng việc thiếu thông tin về việc tuyến đường vận chuyển này sẽ bị đóng cửa trong bao lâu tiếp tục là nhân tố tác động lên giá dầu.
Bên cạnh đó, thị trường còn nhận được hỗ trợ từ những dự báo cho biết, nhu cầu sưởi ấm sẽ tăng mạnh hơn trong tuần này, do khu vực Đông Bắc nước Mỹ, thị trường dầu sưởi ấm lớn nhất thế giới, đang chuẩn bị phải hứng chịu một trận bão tuyết nữa.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo, giá trung bình của dầu West Texas Intermediate (WTI) trong năm 2011 sẽ đứng ở mức 93 USD/thùng, tăng 14 USD so với mức giá của năm ngoái. Đối với năm 2012, EIA cho rằng giá dầu WTI sẽ tiếp tục xu hướng đi lên, với mức giá trong quý IV trung bình khoảng 99 USD/thùng./.