Có nên sửa lại cách tính CPI?
06/01/2011 9:29:00 SATin trong nước

Chính phủ đang có đề xuất loại bỏ chỉ số xăng dầu nhiên liệu và thực phẩm khỏi chỉ số CPI vì đây là 2 nhóm hàng khó kiểm soát nhất và thường kéo theo tâm lý tăng giá cho các nhóm hàng khác.

Chỉ số CPI hiện đang áp dụng ở Việt Nam được Tổng cục Thống kê công bố theo phương án đã cập nhật và dùng cho giai đoạn 2006 - 2010. Trong đó, danh mục hàng hoá, dịch vụ (còn gọi là “rổ hàng hoá” gồm 494 loại hàng hoá, dịch vụ phổ biến tiêu dùng của cá nhân và hộ gia đình – PV) được phân tích biến động từng tháng, qua đó hiệu chỉnh quản lý và nguồn cung nhằm điều tiết ổn định thị trường.

Hàng năm, số lượng các sản phẩm hàng hóa này được điều chỉnh tăng thêm hoặc bớt đi tùy nhu cầu sử dụng thực tế hoặc thị trường cân đối. Thực tế, thời gian qua trong rổ hàng hóa đó, Việt Nam đã bổ sung thêm khá nhiều mặt hàng xa xỉ phẩm (ô tô, rượu, bia, thuốc lá nhập ngoại…) thuộc dạng không khuyến khích sử dụng, hoặc những nhóm hàng mới có thị phần tăng nhanh như điện thoại di động, các dịch vụ truyền hình số, truyền hình cáp, Internet…

Tuy nhiên, việc loại khỏi "rổ hàng hoá" 2 nhóm hàng xăng dầu và thực phẩm vốn được coi là “cầu cứng” thì chưa có tiền lệ ở Việt Nam, và trên thế giới cũng ít nước sử dụng…

Trao đổi xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá phân tích: có rất nhiều cách để tính CPI, mỗi quốc gia lại sử dụng nhiều phương pháp tính CPI khác nhau. Tiền lệ bỏ thực phẩm và xăng dầu nhiên liệu ra khỏi rổ hàng hóa thiết yếu tính CPI đã được áp dụng ở một số nước trên thế giới, trong ASEAN có Thái Lan đã làm.

Không nói rõ đơn vị nào đề xuất vấn đề này, nhưng ông Thỏa phân tích, mỗi quốc gia có cách tính CPI theo những mục đích khác nhau. Việc loại bỏ thực phẩm và xăng dầu nhiên liệu ra khỏi danh mục hàng hóa tính lạm phát mặc dù sẽ không phản ánh đúng đời sống dân sinh, song lại giúp giá cả không tăng theo phản ứng dây chuyền.

Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Văn Trường, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính đã từng trao đổi: Mỗi lần giá cả hàng hóa tăng (nhất là nhóm hàng có nguồn gốc nhập khẩu) thì chỉ vài ngày sau các Hiệp hội và doanh nghiệp đã có công văn xin giảm thuế nhập khẩu để giảm giá hàng hóa. Năm 2010 , chuyện này đã liên tiếp xảy ra đối với các mặt hàng xăng dầu, gas, phân bón, đường…

Hiện chưa rõ Chính phỉ sẽ lựa chọn phương án tính CPI mới hay vẫn giữ nguyên như hiện nay. Tuy nhiên, nếu loại bỏ chỉ số xăng dầu và thực phẩm thì cũng cần có lộ trình. Ngoài ra, hai chỉ số này vẫn cần được tính toán độc lập song song với chỉ số CPI để Chính phủ nhìn nhận tổng quát và có những hiệu chỉnh phù hợp.

Ông Võ Trí Thành, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phân tích: Cần định rõ lạm phát mục tiêu (mức lạm phát mà một quốc gia đặt ra/kì vọng trong năm - PV) và lạm phát thực tế. Nếu lạm phát cơ bản giúp Ngân hàng Nhà nước có thể chủ động tiến hành lượng hóa mục tiêu ổn định lạm phát gắn liền với việc hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ thì lạm phát thực tế (được biểu thị bằng chỉ số giá đối với người tiêu dùng, bao gồm cả giá thực phẩm và nhiên liệu, xăng dầu) mới phản ánh sát đời sống người dân…

Năm 2010, lạm phát của Việt Nam ở mức 11,75% cao hơn lạm phát mục tiêu (Quốc hội đề ra đầu năm khoảng 8%, đã được Chính phủ điều chỉnh – PV). Nếu loại xăng dầu và thực phẩm khỏi “rổ hàng hóa dịch vụ”, thì chỉ số CPI năm 2010 chỉ khoảng 9,19% so với năm 2009. Điều căn bản là cần chỉ số CPI theo mục đích gì. Có nhất thiết cần phải có những chỉ số đẹp???

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.080
Xăng RON 95 - III
20.520
Xăng E5 RON 92 - II
19.340
Dầu DO 0,05S 18.500
Dầu DO 0,001S - V 18.610

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 21/11/2024

Giá dầu thô Brent