Tính đến 1h chiều nay (20/1), dầu thô kỳ hạn tháng 2 đã giảm 68 xu xuống 78,64 USD/thùng trong giao dịch điện tử trên sàn New York. Dầu thô giao tháng 3 giảm 40 xu xuống 78,92 USD/thùng. Dầu thô Brent biển Bắc trên sàn London giảm 63 xu xuống 77 USD/thùng.
Cũng trên sàn New York, phiên giao dịch hôm nay, dầu sưởi giao tháng 2 giảm 1,18 xu, xuống 2,03 USD/gallon, xăng giảm 0,51 xu xuống 2,05 USD/gallon.
Chốt phiên hôm 19/1, dầu kỳ hạn tháng 2 đã tăng được khoảng 1,02USD, lên 79,02 USD/thùng, do chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,1%. Tuy nhiên, theo Victor Shum, nhà phân tích năng lượng thuộc hãng tư vấn Purvin & Gertz, về cơ bản, lực đẩy thị trường dầu vẫn yếu.
Theo hãng tin Reuters, các nhà chức trách tài chính của Trung Quốc đã yêu cầu một số ngân hàng chủ chốt ngừng cho vay mới trong những ngày còn lại của tháng 1 sau khi tăng trưởng tín dụng tăng mạnh trong những tuần đầu tiên của năm 2010.
“Tôi dự kiến Trung Quốc sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tài chính trong 6 tháng tới”, Clarence Chu, một nhà giao dịch năng lượng thuộc Hudson Capital Energy tại Singapore, nhận định.
Trong khi đó, dự trữ xăng dầu của Mỹ có khả năng sẽ tăng tuần thứ 3 liên tiếp. Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ sẽ công bố số liệu cụ thể vào cuối ngày hôm nay.
Hãng tin Reuters dẫn kết quả điều tra đối với 8 nhà phân tích cho biết, trong tuần kết thúc ngày 15/1, dự trữ dầu của Mỹ có thể đã tăng 2,5 triệu thùng. Dự trữ các sản phẩm tinh chế tăng khoảng 400.000 thùng, trong đó lượng tiêu thụ dầu sưởi giảm. Dự trữ xăng tăng khoảng 1,9 triệu thùng.
Hôm 19/1, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng cho biết, dự trữ dầu vẫn ở mức cao và đủ đáp ứng nhu cầu nếu tăng bất thường.
Thêm vào đó, đồng đôla trở mình cũng gây áp lực lên giá dầu. Phiên giao dịch ngoại hối sáng nay, đồng euro rớt xuống mức thấp nhất trong 5 tháng qua so với đồng bảng Anh và thấp nhất trong 4 tháng so với đôla Mỹ.
Nhà phân tích Victor Shum dự báo, giá dầu có khả năng dao động trong khoảng từ 77 đến 83USD/thùng trong thời gian tới.