|
Cây xăng Ngọc Bảo ở huyện Mộc Hóa (Long An) đóng cửa không bán (ảnh chụp chiều 28-12) - Ảnh: C.T.V.
|
Ông Nguyễn Văn Minh, chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Long An, thừa nhận số cây xăng ngưng bán chủ yếu trên địa bàn các huyện vùng sâu vùng xa của tỉnh.
Đóng cửa do... hết tiền
Kiểm tra toàn bộ hệ thống cây xăng
Theo chỉ thị của Thủ tướng về tăng cường các biện pháp bình ổn giá, hiện nay lực lượng quản lý thị trường trên cả nước đang tung lực lượng kiểm tra toàn bộ hệ thống xăng dầu để tránh hiện tượng găm hàng, đầu cơ. Trong công văn gửi các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ngày 27-12, Cục Quản lý giá đã lưu ý các doanh nghiệp tiếp tục trích và sử dụng quỹ bình ổn nghiêm túc. Trường hợp thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp sẽ có biện pháp thích hợp theo chỉ đạo của Thủ tướng.
|
Theo Đội quản lý thị trường số 3 (Mộc Hóa), kiểm tra năm cây xăng đóng cửa ở huyện Thạnh Hóa đều đưa ra một nguyên nhân là hết xăng. Cơ quan quản lý thị trường cho biết khi kiểm tra, chủ các cây xăng này nói do họ hết tiền không vay được vốn ngân hàng nên không thể mua về bán(!?). Ngoài nguyên nhân hết xăng, các cán bộ quản lý thị trường cho biết một số cây xăng bị hư trụ bơm.
Chủ cây xăng Hoài Dũng (quốc lộ 62) thừa nhận phải đóng cửa cây xăng vì đang chờ giấy phép mới do cây xăng này không đáp ứng những điều kiện kinh doanh theo quy định mới. Vì không được kinh doanh nên chủ doanh nghiệp tư nhân này không nhập hàng về bán.
Tuy nhiên trả lời Tuổi Trẻ, chủ doanh nghiệp này khẳng định sau khi có giấy phép mới sẽ hoạt động trở lại bình thường vì hợp đồng mua hàng với Công ty Xăng dầu Long An, thành viên của Petrolimex, vẫn còn hiệu lực. Ông Đoàn Tá Văn, giám đốc Công ty Xăng dầu Long An, xác nhận thông tin này và khẳng định cung cấp hàng đầy đủ cho các đại lý đã ký hợp đồng.
Đối với việc các cây xăng Ngọc Bảo đóng cửa, lãnh đạo công ty đầu mối cung cấp hàng cho đại lý này là Petro Mekong xác nhận đơn vị này đã ngưng mua hàng từ tháng 5 do khó khăn về tài chính. Cả ông Đoàn Tá Văn lẫn một lãnh đạo của Petro Mekong đều cho biết chủ cây xăng Ngọc Bảo đang đàm phán bán các cây xăng này. Chúng tôi đã liên lạc với chủ hệ thống đại lý này nhưng không nhận được phản hồi.
Đảm bảo nguồn cung
Trong khi đó các đầu mối như Petrolimex, Saigon Petro, Petimex, Petro Mekong đều khẳng định đảm bảo nguồn cung cho hệ thống bán hàng của mình. Ông Vương Thái Dũng, phó tổng giám đốc Petrolimex, khẳng định không hề thiếu hàng trong hệ thống do mình sở hữu. “Ngoài ra, đối với các cửa hàng có ký hợp đồng, Petrolimex sẽ đảm bảo cung ứng đủ số lượng và đúng tiến độ giao hàng” - ông Dũng khẳng định.
Đại diện Saigon Petro cho biết gần đây có hiện tượng một số đại lý đăng ký mua hàng tăng thêm 20-30%, nhưng công ty dứt khoát chỉ bán đúng kế hoạch để tránh hiện tượng đầu cơ.
Hiện nay, do giá thế giới tăng cao, doanh nghiệp xăng dầu không tăng giá, đổi lại được bù đắp từ quỹ bình ổn giá.
Những đơn vị tuân thủ đúng quy định trích và sử dụng quỹ bình ổn giá, tình hình lỗ không quá căng thẳng. Một đầu mối xăng dầu cho biết hiện mức lỗ sau khi đã được giảm thuế nhập khẩu và sử dụng quỹ còn khoảng 200 đồng/lít xăng dầu.
Sau đợt kiểm tra các đầu mối vừa qua, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) thừa nhận có một số doanh nghiệp đầu mối chưa thực hiện đúng việc trích và sử dụng quỹ bình ổn. Thậm chí một số doanh nghiệp còn sử dụng tiền từ quỹ bình ổn này không đúng mục đích theo quy định của thông tư 234.