Đầu tháng 11/2010, giá dầu thô thế giới đã tăng trở lại lên 85 USD/thùng, trong bối cảnh đồng USD sụt giá mạnh mẽ, sau khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định bơm thêm 600 tỷ USD nhằm hỗ trợ nền kinh tế nước này. Giá dầu tho hiện đang dao động xung quanh mức cao 90 USD/thùng.
Lo ngại gia tăng về khả năng cuộc khủng hoảng nợ tại Khu vực đồng euro (Eurozone) có thể sẽ kìm hãm tăng trưởng của các nền kinh tế châu Âu trong năm 2010 đã khiến cho các nhà đầu tư chuyển việc giao dịch bằng đồng euro sang một số loại tiền tệ an toàn hơn như USD và vàng. Một đồng USD mạnh thường kiềm chế được sự tăng giá dầu, bởi nó làm tăng giá trị của đồng tiền trả cho nhà sản xuất, trong khi lại làm cho dầu trở nên đắt đỏ đối với những người tiêu dùng đang sử dụng các đồng tiền khác.
Giám đốc chiến lược thị trường Matt Zeman của Tập đoàn LaSalle Futures nhận định: "Nếu tiếp tục tăng giá, đồng USD chắc sẽ ảnh hưởng tới thị trường dầu". Theo ông, đợt nới lỏng định lượng lần 2 (QE2) của FED "là một con dao hai lưỡi": Một mặt, nó được tạo ra để tăng cường hoạt động kinh tế, mà chắc chắn là mang lại lợi ích cho lĩnh vực sản xuất dầu. Mặt khác, QE2 cũng là một trong những nguyên nhân gây nên đồng USD yếu. Phó chủ tịch sàn giao dịch Vantage tại Niu Yoóc, ông Peter Donovan, cho rằng việc đồng USD tăng giá trong thời gian gần đây là sự phản ánh cho tình trạng bất ổn của nền kinh tế châu Âu, và đồng USD mạnh chỉ là tạm thời. Theo ông, dầu thô đã trở thành một công cụ tài chính và nó là một "vịnh tránh bão" rất tốt cho thị trường chứng khoán, đồng USD và những bất ổn trong nền kinh tế toàn cầu.
Ông Zeman cho biết: "Các nhà đầu cơ đóng một vai trò lớn trong các thị trường. Họ sẽ đổ tiền vào thị trường dầu thô, đặc biệt là khi thấy nhiều nhà phân tích của các ngân hàng đầu tư lớn xuất hiện trên truyền hình và nói về các lý do khiến họ nhận định giá dầu sẽ tăng cao hơn. Trong thời gian gần đây, ngày càng nhiều ngân hàng lớn (trong đó có JP Morgan và Deutsche Bank) đã nâng mức dự báo về giá dầu thô. Các ngân hàng này dự đoán dầu thô sẽ vượt ngưỡng 100 USD/thùng ngay trong 6 tháng đầu năm 2011 và sẽ tăng lên 120 USD/thùng trước khi khép lại năm 2012, do nguồn cung hạn hẹp trong khi nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ tại các thị trường mới nổi vẫn tiếp tục xu hướng gia tăng. Giám đốc kinh tế của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Fatih Birol, cũng nhận định rằng thời kỳ dầu giá rẻ đã vĩnh viễn trôi qua.
Chuyên gia Phil Flynn, phó chủ tịch PFGBEST, chỉ ra rằng các yếu tố chính đằng sau tình trạng tăng giá dầu trong năm nay chính là việc thực hiện 4 gói cứu trợ kinh tế lớn dành cho Dubai, Hy Lạp, Ireland và QE2.
Theo AFP, quyết định giữ nguyên sản lượng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tại hội nghị cuối tuần trước ở thủ đô Quito của Ecuador đã thể hiện rõ sự lo ngại về đà hồi phục của kinh tế toàn cầu trong năm tới. Mười hai nước thành viên OPEC đã nhất trí giữ nguyên sản lượng khai thác của cả khối ở mức 24,8 triệu thùng/ngày, bất chấp việc giá dầu thô trong tuần qua đôi lúc vượt ngưỡng 90 USD/thùng.
Trong tuyên bố kết thúc hội nghị, OPEC khẳng định tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể sẽ chậm lại trong năm 2011. Chính điều này và những thách thức đối với quá trình hồi phục của kinh tế thế giới sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 sẽ tác động tiêu cực đến nhu cầu dầu mỏ toàn cầu. Những thách thức đó là nguy cơ "chiến tranh" tiền tệ và khủng hoảng ngân hàng lần hai ở châu Âu cùng với sản lượng công nghiệp sa sút ở các nước phát triển, tỷ lệ thất nghiệp cao và công suất dư thừa trong khâu cung ứng dầu mỏ.
Chủ tịch luân phiên của OPEC (Bộ trưởng Năng lượng Ecuador) Wilson Pastor-Morris một lần nữa tái khẳng định giá dầu ở mức hiện nay là phù hợp đối với cả nhà sản xuất và người tiêu dùng. Ông cho rằng nhu cầu về năng lượng gia tăng tại các nước châu Âu và Bắc Mỹ trong mùa Đông giá lạnh và tình trạng đầu cơ là những nguyên nhân đẩy giá dầu lên cao trong năm nay.
Chỉ có điều, các nền kinh tế trên thế giới hiện còn quá mỏng manh để có thể chịu đựng giá dầu tăng lên mức hơn 100 USD/thùng. Nhiều doanh nghiệp, thậm chí một số nước xuất khẩu dầu mỏ cũng cho rằng giá dầu dao động từ 70-90 USD là tốt nhất cho kinh tế thế giới.