|
Đó là thông tin được bàn luận nhiều tại Hội thảo sử dụng và phát triển nhiên liệu sinh học tại Việt Nam, vừa diễn ra sáng nay (9/12) tại Hà Nội.
Xăng E5 sản xuất từ nguyên liệu rẻ…
Theo giới thiệu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), xăng sinh học E5 là hỗn hợp của 95% xăng không chì A92 với 5% ethanol, nồng độ 99,7%, được sử dụng làm nhiên liệu cho các loại động cơ đốt trong như xe gắn máy, ô tô. Trong đó, thành phần 5% Etanol có trong xăng sinh học thực chất là cồn công nghiệp, nhưng nó khác với cồn thực phẩm. Loại Etanol này chủ yếu được chiết xuất từ các sản phẩm sinh học như ngô, sắn… Sau quá trình sản xuất sẽ thu được Etanol 99,5% trở lên (gần được coi là cồn nguyên chất).
Theo ông Lê Minh Đức, trưởng phòng Môi trường và Phát triển bền vững (IPSI), nguyên liệu sản xuất Etanol được dùng rất đa dạng. Trên thế giới mỗi nước lại lựa chọn một nguyên liệu khách nhau, điển hình như Braxin là mía, Mỹ lại chọn ngô, EU là chọn ngũ cốc, củ cải đường… Việc Việt Nam chọn lựa sắn là do hiện nước ta đang là nước đứng thứ 2 trong khu vực về xuất khẩu sắn, mỗi năm xuất khẩu 4 - 4,5 triệu tấn và năng suất, sản lượng sắn cũng tăng rất nhanh. Quan trọng hơn, cây sắn thích hợp với các vùng đất của Việt Nam, cho thu nhập cao ở những vùng đất nông nghiệp mà không cây nào có được.
Cùng với đó, Việt Nam có những lợi thế tự nhiên về nông nghiệp, cho phép sản xuất Ethanol quy mô lớn với giá cả cạnh tranh. Vì vậy, trước mắt trong vòng 5 - 10 năm nữa việc sản xuất Ethanol ở trong nước chưa có nguyên liệu nào có thể thay thế sắn, ông Đức cho biết.
Theo bảng giá so sánh giá cả đầu vào của Viện nguyên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp, đầu vào của sắn chỉ rẻ bằng ½ so với mía, bằng 2/3 so với lúa. Cụ thể, chi phí nguyên liệu trên 1lít Ethanol là 11.428 đồng/lít đối với mía, lúa là 8.900 đồng/lít, trong khi đó sắn chỉ là 4.812 đồng/lít.
…nhưng ảnh hưởng đến môi trường
Theo TS. Nguyễn Anh Phong, giám đốc Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) (cơ sở phía Nam), việc dùng sắn để sản xuất Ethanol sẽ gây ra tác động môi trường từ canh tác vì sắn thường trồng không tập trung, quy mô nhỏ, phân tán tái các khu vực xa, vùng cao, vùng dân tộc. Người trồng sắn thường nghèo nên canh tác quảng canh, tự phát, thiếu vốn đầu tư canh tác thâm canh về bền vững. Điều đó sẽ làm năng suất thấp, đất nhanh chóng bạc màu và nguy cơ nghèo đói cao sau khi đất bị khai thác cạn kiệt.
Còn theo ông Hoàng Tuấn Hiệp, Trung tâm phân vùng kinh tế nông nghiệp, việc dùng sắn để dùng làm nguyên liệu sản xuất E5 là một chính sách tốt. Tuy nhiên, đi song hành với việc này chúng ta lại phải đối mặt việc xuống cấp của môi trường. Vì khi chúng ta tích cực thu mua sắn của nông dân với giá cao, sẽ tạo sự tạo động lực cho nghề này được phát triển mạnh, người dân sẽ phá rừng để canh tác sắn (vì sắn thường trồng ở Tây Nguyên, nơi rừng núi).
Đồng tình với quan điểm trên, ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng IPSARD cho biết, sắn chiếm tỷ lệ khá lớn trong chăn nuôi gia súc, nếu chúng ta chuyển một lượng lớn sắn sang sản xuất xăng E5 thì có thể tác động đến giá thức ăn chăn nuôi.
Ngoài ra, sắn cũng là cây của người nghèo, việc thu mua cây sắn làm nguyên liệu sản xuất xăng E5 sẽ giúp cho những hộ nghèo có thêm thu nhập, vì cây sắn thu hoạch rất nhanh và chi phí thu mua giống lại thấp. Tuy nhiên cây sắn lấy dinh dưỡng từ đất rất mạnh, nếu chúng ta canh tác không tốt sẽ gây ra xói mòn đất và không thể duy trì được sản xuất lâu dài, ông Sơn nói.
Hiện nay các nhà khoa học ở viện nghiên cứu nông nghiệp đã có những giải pháp và những quy trình công nghệ khá tốt để trồng sắn vững biền như luân canh, bón phân, trồng bậc thang… Tuy nhiên, biện pháp này có phù hợp với đồng bào dân tộc hay không, có phù hợp với trình độ canh tác và với điều kiện đầu tư thấp hay không thì là một câu hỏi chúng ta phải đặt ra với khuyến nông và các tổ chức sản xuất cơ sở, ông Sơn kết luận.