|
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 1/2011 có thời điểm đã leo lên 92,86 USD/thùng - mức cao nhất kể từ tháng 10/2008, song đến cuối phiên đã quay đầu giảm 6 xu so với phiên 6/12 xuống 91,39 USD/thùng.
Tại New York, giá dầu ngọt nhẹ cùng kỳ hạn cũng rời mức cao 90,76 USD/thùng đạt được lúc đầu phiên xuống đóng cửa ở mức 88,69 USD/thùng, giảm 69 xu so với phiên trước đó.
Đến chiều 8/12 tại Sàn giao dịch điện tử Singapore, dầu thô tiếp tục đà trượt giá. Cụ thể, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 1/2011 giảm 95 xu xuống 87,74 USD/thùng; còn giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ giảm 1,05 USD xuống 90,34 USD/thùng.
Một số nhà giao dịch nhận định trong các phiên trước, giá dầu được hỗ trợ bởi dự đoán nhu cầu tiêu thụ loại nhiên liệu này sẽ tăng lên, do thời tiết lạnh giá trong thời gian gần đây tại châu Âu.
Bên cạnh đó, Myrto Sokou, nhà phân tích của hãng Sucden brokers, cũng cho rằng giá dầu bị đẩy lên cao là do đồng USD yếu đi, khiến "vàng đen" trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư, một nguyên nhân khác là nhu cầu sử dụng dầu mỏ cho việc sưởi ấm tại những vùng lạnh giá như Bắc Âu và Mỹ tăng cao.
Tuy nhiên, theo ông Lind-Waldock, nhà phân tích thuộc công ty Rich Ilczyszyn, thị trường đã bị đuối sức sau 4 phiên tăng mạnh.
Trong khi đó, Ben Westmore, nhà kinh tế của Ngân hàng Quốc gia Australia, có trụ sở tại Melbourne, đánh giá hoạt động bán chốt lời tăng mạnh của giới đầu tư, cộng thêm mối lo ngại về vấn đề nợ tại khu vực đồng euro (Eurozone) cũng là hai nhân tố góp phần làm "nguội bớt" thị trường dầu mỏ tại châu Á.
Mới đây, các Bộ trưởng Tài chính của Eurozone đã từ chối yêu cầu gia tăng quy mô của Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu, do sự phản đối quyết liệt của một số nền kinh tế tăng trưởng tích cực nhất hiện nay tại Eurozone.
Trong hai tuần qua, giá dầu đã tăng khoảng 10 USD, nhiều nhà phân tích dự đoán giá dầu sẽ tăng lên 100 USD/thùng vào năm 2011./.