Bộ Công thương: Quỹ bình ổn xăng dầu rất minh bạch
rả lời những băn khoăn về minh bạch cũng như đánh giá về hiệu quả của Quỹ bình ổn xăng dầu, Phó Vụ trưởng Nguyễn Lộc An, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) trả lời dứt khoát: “Chúng tôi khẳng định tính minh bạch của quỹ bình ổn giá xăng dầu vì hàng năm đều có Kiểm toán Nhà nước”.
Sau hơn một năm thành lập Quỹ bình ổn xăng dầu, nhiều ý kiến cho rằng việc sử dụng Quỹ chưa rõ ràng, phân bổ thiếu minh bạch, người tiêu dùng chưa được hưởng lợi nhiều. Trước câu hỏi về tính minh bạch cũng như đánh giá về quỹ bình ổn giá xăng dầu tại cuộc họp báo về bình ổn giá thị trường tiêu dùng những tháng cuối năm diễn ra ngày 30/11 vừa qua, Phó Vụ trưởng Nguyễn Lộc An, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) trả lời dứt khoát: “Chúng tôi khẳng định tính minh bạch của Quỹ bình ổn giá xăng dầu vì hàng năm đều có kiểm toán nhà nước. Kiểm toán lại quỹ bình ổn từ chi tiêu và mức bình ổn, căn cứ vào lượng nhập khẩu và lượng thực tế bán ra của doanh nghiệp để phù hợp với đợt bình ổn giá”.
|
Phó Vụ trưởng Nguyễn Lộc An, Vụ Thị trường trong nước khẳng định: Quỹ bình ổn giá xăng dầu hoàn toàn minh bạch (Ảnh: K.Nguyên).
|
Trước đó, sau cuộc họp với Bộ Công thương hôm 8/11, báo chí cũng đã đưa tin những ý kiến trái chiều về việc quản lý, sử dụng, hạch toán Quỹ.
Việc DN có thể tuyên bố không trích lập Quỹ do bị lỗ làm dư luận băn khoăn liệu có phải công tác điều hành, giám sát hoạt động này của cơ quan quản lý nhà nước còn lỏng lẻo? Sự nghi ngờ càng có cơ sở khi một số DN đầu mối nói thẳng đây chỉ là quỹ ảo.
Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu VN (Petrolimex) đã cho rằng: “Mọi chuyện trên thị trường xăng dầu có vẻ đang bình thường vì mọi người nghĩ đã có quỹ bình ổn để đề phòng trường hợp giá dầu thế giới biến động mạnh. Nhưng giả sử khi cơ quan chức năng phát lệnh xả quỹ thì DN cũng không thể xả, bởi chỉ có quỹ ảo. Lý do là DN đã lỗ trong thời gian rất dài, nên không trích được tiền trên thực tế”.
Thậm chí, trong Quốc hội, một số cử tri đã lên tiếng kiến nghị nên bỏ Quỹ bình ổn này bởi lẽ tiền trong quỹ là của dân. Bất chấp DN lời hay lỗ, giá xăng dầu tăng hay giảm, khi mua mỗi lít xăng dầu, người tiêu dùng phải chi thêm ít nhất 300 đồng, coi như một khoản tiền trả trước phòng khi cần bình ổn giá trong nước lúc giá thế giới biến động. Trong khi đó, việc quản lý, sử dụng quỹ cũng như việc khách hàng được hưởng lợi từ quỹ này như thế nào thì NTD đều không rõ.
Một số doanh nghiệp lại nhận xét: Việc trích lập quỹ chưa giải quyết bình ổn giá nhưng lại tác động tạo lợi thế cho các doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi tích tụ một số vốn từ Quỹ này để giảm vốn vay và từ đó lại tạo ra lợi thế cạnh tranh giá dẫn đến độc quyền - tiêu diệt cạnh tranh trong kinh doanh xăng dầu.
Đánh giá về tính hiệu quả của quỹ này, Bộ Công Thương vẫn khẳng định tác dụng của Quỹ bình ổn giá xăng dầu là không thể chối bỏ. Phó Vụ trưởng Nguyễn Lộc An đưa ra ví dụ trong đợt “sốt” giá vừa qua khi giá xăng dầu tăng cao, giá dầu thô có lúc tăng tới 85 USD/thùng để chứng minh cho tính hiệu quả ấy.
Ông An cho biết: Trước dịp Đại lễ Nghìn năm Thăng Long – Hà Nội, tổ liên ngành định họp để tăng giá xăng dầu, vì giá lúc đó có lúc tăng đến mức 84,7 USD/thùng. Nhưng sau đó, Quỹ bình ổn đã tạm thời xả để giữ giá trong dịp Đại lễ.
“Cứ thử nghĩ, nếu tăng giá lúc đó thì không biết giá cả sẽ đi về đâu, trong khi khách nước ngoài rất nhiều, khách thập phương nô nức đổ về, kéo theo giá cả leo thang. Giá xăng dầu nếu tăng sẽ kéo theo hệ lụy tăng giá rất nhiều hàng hóa, trong đó có các mặt hàng thiết yếu” - Đó là tác dụng của Quỹ bình ổn giá xăng dầu, ông An nhấn mạnh.
Do Quỹ được trích lập hằng ngày qua mỗi lít xăng dầu bán ra, chính vì vậy, không ít dư luận băn khoăn về con số tiêu thụ xăng dầu cụ thể của từng ngày: Bán ra được bao nhiêu, số tiền sử dụng để bình ổn bao nhiêu, còn lại bao nhiêu? Xung quanh về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa chỉ hé mở một chút thông tin với tiết lộ: “Hiện nay, lượng xăng dầu một ngày dự kiến tiêu thụ xấp xỉ khoảng 40 triệu lít…”.
“Chúng tôi (Bộ Công thương – pv) có trách nhiệm quản lý cung – cầu để không gây thiếu hàng, sốt giá” còn những vấn đề liên quan tới giá cả, cách vận hành và quản lý hoạt động của Quỹ bình ổn giá xăng dầu thuộc về Bộ Tài chính và Cục Quản lý giá, bà Thoa kết luận.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến ngày 30/7 Quỹ bình ổn đã góp được trên 3.619 tỉ đồng, trong đó đã được sử dụng gần 1.050 tỉ đồng, hiện còn hơn 2.569 tỉ đồng tồn trong tài khoản của các DN.
Gần đây nhất ngày 13/11, Bộ Tài chính đã quyết định xả quỹ lần thứ hai (kể từ đầu năm đến nay) để giữ giá bán lẻ trong nước trước bối cảnh giá xăng dầu nhập khẩu vượt mức 90 USD/thùng. Từ giữa năm đến nay, giá xăng dầu thế giới đã hai lần tăng cao dẫn đến khả năng tăng giá trong nước, nhưng nhờ có Quỹ bình ổn giá trong nước đã được kiềm giữ. |