Vinapco: Nguy cơ mất tiền vì... làm theo chỉ đạo
02/12/2010 10:47:00 SATin trong nước

Cty TNHH một thành viên xăng dầu Hàng không Việt Nam (Vinapco) đang bị Hãng Hàng không Đông Dương (ICA) “đẩy” cho một khoản nợ khó đòi lên tới 25 tỉ đồng. Lý do là Vinapco buộc phải làm theo chỉ đạo bằng “mệnh lệnh hành chính áp đặt” cho dù phát hiện ICA không có khả năng thanh toán.

Việc cấp nhiên liệu cho chiếc máy bay duy nhất của ICA (ảnh) đang đặt Vinapco trước nguy cơ mất tiền. Ảnh: VNN

Bị ép phải nhận nợ

Vụ việc bắt đầu từ khi Vinapco không được phép ngừng cung cấp nhiên liệu bay cho ICA theo yêu cầu của Cục Hàng không VN. Cụ thể tại công văn hỏa tốc số 2131/CHK-TC ngày 24.6.2009, Cục Hàng không VN yêu cầu Vinapco phải cung cấp nhiên liệu để tránh gây ảnh hưởng đến hành khách và dây chuyền hoạt động chung của ngành hàng không VN. Với nguyên nhân này, Vinapco buộc phải gánh một khoản nợ rất lớn. Được biết cho đến thời điểm hiện tại, số tiền mà ICA nợ mua nhiên liệu bay của Vinapco đã lên tới 25 tỉ đồng. Tình trạng liên tục nợ tiền mua nhiên liệu bay của ICA đối với Vinapco đã diễn ra, ngay từ khi hãng hàng không tư nhân này bắt đầu thực hiện chuyến bay đầu tiên vào đầu năm 2009.

Để đòi số tiền trên, số lượng văn bản mà Vinapco gửi ICA đã dày cộm, nhưng khả năng thu hồi được món nợ này của ICA trong hoàn cảnh Cty này đang bị xem xét rút giấy phép bay, đã làm cho nguy cơ Vinapco mất trắng số tiền này là điều dễ xảy ra. Ông Trần Hữu Phúc - Tổng GĐ Vinapco - cho biết: “Hiện chúng tôi thậm chí còn không liên lạc được với lãnh đạo ICA”.

Được biết trên thực tế, Vinapco chưa lần nào dám “ngừng cung cấp nhiên liệu cho ICA”. Bởi trước đó, chuyện Vinapco tạm dừng cấp nhiên liệu bay trong vòng vài giờ cho Jetstar Pacifics Airlines vào tháng 3.2008 rồi để bị Hội đồng Cạnh tranh quốc gia cáo buộc đã lợi dụng vị thế độc quyền phạt 3 tỉ đồng, vẫn là bài học mà Vinapco phải cảnh giác. Theo ông Trần Hữu Phúc, chính phán quyết nêu trên của Hội đồng trọng tài, cộng với việc xác định “lý do chính đáng” để thay đổi hợp đồng là rất mập mờ, khiến ICA lợi dụng để “ép lại” Vinapco. Điển hình là ngày 23.6.2009, sau khi nắm được điểm yếu của nhà cung cấp, ICA có văn bản số 0908/2009/ICA gửi Vinapco chấp thuận thanh toán tiền dầu hàng ngày dưới hình thức trả trước (khoảng 288 triệu đồng/ngày),  nhưng lại ép Vinapco khoanh nợ 11 tỉ đồng với lời hẹn trả dần(!). Vẫn theo ông Phúc, dù không đồng tình với phán quyết của Hội đồng Cạnh tranh, nhưng trong lúc chờ tòa án hành chính xem xét khiếu nại, Vinapco vẫn phải thực hiện nghiêm các ý kiến chỉ đạo điều hành từ các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Chỉ đạo nửa vời

Điểm nổi cộm trong quá trình xử lý vụ tranh chấp thương mại giữa Vinapco và ICA chính là những hướng dẫn “nước đôi” và “né tránh” của 2 cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành gồm: Cục Hàng không VN và Cục Quản lý cạnh tranh. Tại văn bản số 273/QLCR-HCT, ngày 28.4.2009 của Cục Quản lý cạnh tranh, một mặt cơ quan này thừa nhận việc giải quyết công nợ giữa Vinapco và các khách hàng được thực hiện quy định của pháp luật. Cơ quan này cũng khẳng định việc Vinapco áp dụng biện pháp thu tiền trước khi bơm nhiên liệu cho máy bay của ICA là không trái với quy định hiện hành. Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng nhất mà Vinapco đặt ra  là: Nếu Vinapco dừng cung cấp nhiên liệu cho ICA có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không thì cơ quan này lại né tránh.

Văn bản hướng dẫn số 1369/CHK-TC của Cục Hàng không VN lại đề nghị Vinapco chủ động có các biện pháp hợp lệ để quản lý, thu hồi công nợ nhằm bảo toàn vốn nhà nước. Song, cơ quan này lại yêu cầu nhà cung ứng nhiên liệu không được tự ý ngừng cung cấp nhiên liệu gây ảnh hướng đến hành khách và dây chuyền chung của cả ngành(?). Nói về điều này, Tổng GĐ Vinapco Trần Hữu Phúc cho biết: “Vinapco thực sự bối rối trước những hướng dẫn như vậy. Vinapco không thể đợi Cục Hàng không VN xem xét thu hồi quyền vận chuyển hàng không đối với các hãng vận chuyển không đủ điều kiện, trong khi phải tiếp tục nhìn số nợ dày thêm”.  

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.080
Xăng RON 95 - III
20.520
Xăng E5 RON 92 - II
19.340
Dầu DO 0,05S 18.500
Dầu DO 0,001S - V 18.610

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 21/11/2024

Giá dầu thô Brent