|
Hình minh họa. Nguồn ảnh: internet |
Khu công nghiệp tại TP. Đông Phương dự kiến bắt đầu sản xuất khí hóa lỏng và các sản phẩm hóa chất trong tháng 12/2012.
Giai đoạn 1 của dự án có tổng đầu tư 4,3 tỷ yuan (tương đương 648 triệu USD). CNOOC dự kiến sẽ đầu tư 3,9 tỷ yuan trong giai đoạn 2 của dự án - giai đoạn sản xuất các sản phẩm nhự vào tháng 4/2013.
Là nhà sản xuất dầu khí lớn nhất Trung Quốc, năm 2009, CNOOC đã đạt doanh thu 209,6 tỷ yuan, sản xuất dầu mỏ và khí đốt đạt 47,66 triệu tấn dầu quy đổi và sản lượng lọc hóa dầu đạt 32 triệu tấn.
Gazprom Neft mua 30% cổ phần dự án dầu mỏ Bắc Cuba
Công ty dầu mỏ Gazprom Neft (Nga) đã ký kết 1 thỏa thuận mua lại 30% cổ phần trong 1 dự án được điều hành bởi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Malaysia (Petronas) để tham gia phát triển 4 lô: 44, 45, 50, 51 ngoài khơi cách Havana (Cuba) 100 - 200 dặm.
Gazprom Neft cho biết: "Khả năng làm việc trên các thềm lục địa của Cuba bước đầu đã được xem xét bởi HĐQT và Ban Giám đốc Gazprom Neft hồi đầu tháng 10/2010 khi những người đứng đầu Gazprom Neft nhận thấy triển vọng tích cực cho các hoạt động lâu dài của công ty trong khu vực này”. Cũng theo Gazprom Neft, thỏa thuận sẽ có hiệu lực sau khi được các nhà chức trách Cuba phê duyệt.
Phần biển của Cuba trong Vịnh Mexico được chia thành 59 lô, trong đó 21 lô đã được ký hợp đồng với các công ty dầu khí, bao gồm Tập đoàn Repsol (Tây Ban Nha), Petronas, Petrobras (Brasil), PDVSA (Venezuela) và Petrovietnam (Việt Nam). Chính phủ Cuba đã ký thỏa thuận phân chia sản phẩm (PSA) trên các lô 44, 45, 50, 51 với Petronas vào năm 2007. Theo thỏa thuận, Petronas nắm 70% lợi ích tại đây. Petronas đã thu nổ địa chấn 2D trên các lô này và dự kiến thăm dò giếng đầu tiên vào năm 2011.
Gazprom Neft là nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ 5 của Nga, đang tìm cách tăng sản lượng dầu thô từ khoảng 70 triệu tấn/năm hiện nay lên 100 triệu tấn/ năm vào năm 2020.
Gazprom sẽ mua các mỏ khí ngoài khơi Israel
Trưởng bộ phận hoạt động kinh tế nước ngoài của Tập đoàn Khí đốt Gazprom (Nga) - ông Stanislav Tsygankov cho biết Gazprom có kế hoạch mua cổ phần trong 1 dự án khí đốt ngoài khơi bờ biển của Isarel.
Theo kế hoạch, Gazprom sẽ mua 50% cổ phần trong 1 công ty tư nhân của Israel - đang nắm giữ giấy phép thăm dò khai thác các mỏ ngoài khơi nước này, dưới hình thức liên doanh, để cùng tham gia thăm dò và khoan trong năm tới, hãng thông tấn Interfax dẫn lời ông Tsygankov sau cuộc họp giữa chính phủ Nga - Isarel tại Jerusalem. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng thứ nhất Nga Viktor Zubkov cho biết, sự hợp tác này sẽ không kết thúc đàm phán về việc cung cấp khí đốt của Nga cho Israel.
Iran sẵn sàng bán khí đốt cho châu Âu
Hãng thống tấn Reuters dẫn lời Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad hôm 19/11 cho biết Iran sẵn sàng bán khí đốt cho châu Âu, đồng thời dấy lên triển vọng cung cấp khí đốt thông qua đường ống khí đốt Nabucco - dự án do Liên minh châu Âu hậu thuẫn.
“Châu Âu cần khí đốt của Iran và chúng tôi sẵn sàng bán khí đốt cho họ với một mức giá chấp nhận được nếu họ muốn”, ông Ahmadinejad phát biểu tại một cuộc họp báo ở Baku trong chuyến thăm Azerbaijan.
Dự án đường ống dẫn khí Nabucco được đầu tư 7,9 tỷ Euro (11 tỷ USD), dài 3.300 km là một phần trong nỗ lực đa dạng hóa các nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên và đảm bảo an ninh năng lượng của EU. Đường ống nhằm vận chuyển 31 tỷ m3 khí mỗi năm năm từ khu vực Caspian qua Thổ Nhĩ Kỳ, các nước Balkan tới Áo và tiếp đó sẽ tới Trung và Tây Âu.
Iran công bố phát hiện mỏ dầu khổng lồ
Tờ Tehran Times hôm 21/11dẫn lời Giám đốc điều hành Công ty Dầu khí Pars (POGC) Vakili Ali cho biết, Iran vừa phát hiện một vỉa dầu mới với trữ lượng được đánh giá tại chỗ là 34 tỷ thùng dầu tại mỏ khí Ferdowsi, ngoài khơi Vịnh Persian.
Hiện POGC đang tiến hành khoan giếng để đánh giá chính xác trữ lượng dầu. Trước đó, hồi tháng 10, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran cho biết, mỏ dầu mới phát hiện ở vùng biển phía Nam Iran với trữ lượng 70 tỷ m3, đã nâng tổng trữ lượng dầu được kiểm chứng của nước này lên trên 150,31 tỷ thùng.
Ông cũng công bố phát hiện 1 mỏ khí đốt mới, được đặt tên là Sefid, nằm ở tỉnh Hormozgan, phía Nam Iran, có trữ lượng 70 tỷ m3 khí và 72% trong số đó có thể được khai thác. Ngoài ra, ông này cũng cho biết thêm, Iran sẽ tiếp tục tìm kiếm thêm các giếng dầu mới, và dự báo sản lượng dầu của Iran sẽ tăng mạnh từ nay cho đến tháng 3/2011.
Iran là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ 3 thế giới. Trong năm 2009, sản xuất dầu thô của Iran đã đạt mức 3,8 triệu thùng/ngày. Các nước vùng Vịnh Persian cũng đang sở hữu trữ lượng khí đốt lớn thứ 2 thế giới.
Qatar - Bulgaria đàm phán về việc vận chuyển LNG
Công ty khí đốt quốc gia Bulgargaz của Bulgaria cho biết nước này và Qatar đã ký một thỏa thuận bí mật, mở đường cho cuộc đàm phán về việc vận chuyển khí đốt hóa lỏng ( LNG) từ các quốc gia vùng Vịnh khi mà Sofia đang tìm cách cắt giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Các cuộc hội đàm sẽ xác định khối lượng vận chuyển và thời điểm giao hàng. Qatar hiện là quốc gia sản xuất khí đốt hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới.
Bulgaria đã tăng cường nỗ lực cắt giảm sự phụ thuộc gần như hoàn toàn vào khí đốt của Nga bằng cách đa dạng hóa các tuyến đường vận chuyển và nguồn cung cấp sau một vụ tranh chấp giữa Nga và Ukraine năm 2009 đã khiến cho nhiều vùng của Bulgaria bị thiếu khí đốt trong nhiều tuần trong điều kiện thời tiết giá băng.
Thiếu liên kết khí đốt riêng biệt với các nước láng giềng và không có khả năng đảo ngược dòng chảy trong đường ống dẫn khí đốt từ Nga đến Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã gây khủng hoảng năng lượng trầm trọng ở quốc gia vùng Balkan này.
Điều đó đã thúc đẩy Sofia công bố một kế hoạch liên kết mạng lưới dẫn khí đốt của mình với Hy Lạp, Romania, Serbia và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời ký 1 biên bản ghi nhớ về việc mua khí đốt của Azerbaijan mà theo đó, khí đốt của Azerbaijan sẽ được vận chuyển qua đường ống tới Georgia, sau đó được nén và vận chuyển bằng tàu tới Cảng Varna bên bờ Biển Đen của Bulgaria.
CNPC sẽ cắt giảm kế hoạch đầu tư ở nước ngoài giai đoạn 2011 - 2015
Trong giai đoạn 2011 - 2015, hằng năm, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) sẽ cắt giảm kế hoạch đầu tư trong lĩnh vực dầu khí ở nước ngoài nhằm tập trung vào lợi nhuận thay vì sản lượng.
Chỉ riêng trong năm 2009, CNPC đã ký 9 thỏa thuận dầu khí, 4 trong số đó có năng lực sản xuất hơn 10 triệu tấn dầu quy đổi/năm. Hiện hãng đang điều hành 81 dự án dầu khí tại 29 quốc gia, trong khi con số năm 2005 là 58 dự án tại 22 quốc gia. Ngoài ra, CNPC cũng có 595 dịch vụ và đơn vị kỹ thuật đang hoạt động ở thị trường ngoài nước.
Sản lượng dầu thô từ các dự án ở nước ngoài đã gia tăng với tốc độ hằng năm hơn 15% trong 5 năm qua. Trong năm 2009, CNPC đã đạt mức sản lượng kỷ lục với 69,62 triệu tấn (1,39 triệu thùng/ngày) dầu được khai thác từ các dự án ở nước ngoài sau khi đã chia sẻ sản phẩm với các đối tác nước ngoài trong các dự án.
Các chi nhánh của CNPC tại Kazakhstan và Turkmenistan sẽ phát triển các dự án mới trong 5 năm tới sẽ thúc đẩy sản xuất của hãng tại Trung Á, trong khi vẫn duy trì sản lượng ổn định trong các dự án hiện có.
Nga - Trung thảo luận giải quyết bất đồng về giá khí đốt
Trong khuôn khổ chuyến thăm Nga kéo dài hai ngày 23 và 24/11, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã gặp gỡ người đồng cấp Vladimir Putin để thảo luận về các chủ đề chính trị và hợp tác kinh tế, trong đó tập trung vào giải quyết những bất đồng về giá khí đốt - vấn đề đã khiến kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí đốt quan trọng nối 2 nước bị trì hoãn.
Dự kiến, Nga sẽ bắt đầu xuất khẩu dầu thô sang Trung Quốc năm 2011 thông qua tuyến đường ống dẫn Đông Siberia - Thái Bình Dương, song vẫn chưa có tuyến đường ống dẫn khí đốt riêng từ Nga sang Trung Quốc, cho dù Tập đoàn khí đốt độc quyền của Nga - Gazprom đã ký thỏa thuận sơ bộ xây dựng tuyến đường ống Altai từ Siberia tới biên giới miền Tây Trung Quốc hồi năm 2006.
Theo thỏa thuận đã ký hồi tháng 9/2010 giữa Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), Gazprom sẽ bán 30 tỷ m3 khí đốt/năm sang Trung Quốc từ năm 2015 và kéo dài trong vòng 30 năm. Phát ngôn viên của Thủ tướng Putin cho biết, tổng cộng có 11 thỏa thuận, từ cung cấp dầu mỏ và lọc dầu cho đến sở hữu trí tuệ sẽ được ký kết trong chuyến thăm Nga của Thủ tướng Ôn Gia Bảo.
Eni và PDVSA ký thỏa thuận trị giá 17 tỷ USD
Tập đoàn dầu khí lớn nhất Italy - Eni hôm 22/11 đã ký một thỏa thuận trị giá 17 tỷ USD với Công ty Dầu khí Quốc gia Venezuela (PDVSA) nhằm xây dựng 1 nhà máy lọc dầu phát triển các mỏ dầu thô thuộc vành đai dầu nặng Orinoco (Venezuela).
Trong thỏa thuận kéo dài 25 năm, Eni hy vọng 2 bên sẽ cùng khai thác 240 nghìn thùng dầu/ngày ở phía đông vành đai dầu nặng Orinoco và sẽ xây dựng nhà máy lọc dầu vào năm 2016. Hai bên sẽ đầu tư 8 tỷ USD để phát triển lô Junin-5, trong đó Eni nắm 40% cổ phần và PDVSA nắm 60% cổ phần lại. Ngoài ra, hai bên còn chi thêm một khoản 9 tỷ USD cho nhà máy lọc dầu có công suất xử lý 240 nghìn thùng/ngày và có thể mở rộng lên tới 350 nghìn thùng/ngày này.
PDVSA và Eni hy vọng sẽ sớm đạt được giai đoạn sản lượng 75 nghìn thùng/ngày và đón dòng dầu đầu tiên vào năm 2013 và đi vào giai đoạn sản xuất ổn định với công suất 240 nghìn thùng/ngày vào năm 2018.