Quốc hội tiếp tục giám sát nhà máy lọc dầu Dung Quất
26/11/2010 3:01:00 CHTin trong nước

Với tỷ lệ tán thành hơn 86%, sáng nay các đại biểu Quốc hội đã bấm nút thông qua Nghị quyết về Dự án công trình Nhà máy Lọc dầu số một Dung Quất.

Nghị quyết Quốc hội thông qua sáng nay ghi nhận dự án đã cơ bản hoàn thành xây dựng đi vào vận hành thương mại, ghi nhận những kết quả bước đầu đạt được, những bài học thành công và chưa thành công và chỉ ra những công việc cần tiếp tục thực hiện của dự án thời gian tới.

Với Nghị quyết này, Quốc hội yêu cầu Chính phủ khẩn trương giải quyết những công việc còn lại của dự án, đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy vận hành ổn định, lâu dài; chỉ đạo để sớm hoàn thành công tác di dân, tái định cư và đặc biệt là khẩn trương hoàn thành việc thanh quyết toán dự án, thực hiện kiểm toán toàn bộ công trình theo quy định.

Kết thúc công việc hằng năm Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội tình hình thực hiện việc xây dựng Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất; cáo cáo với Quốc hội sau khi hoàn thành các công việc của Dự án tại kỳ họp gần nhất.

Bồn chứa dầu tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ảnh: Hồng Anh.

Từng bấm nút thông qua chủ trương xây dựng nhiều công trình quan trọng quốc gia, nhưng đây là lần đầu tiên Quốc hội ra nghị quyết ghi nhận việc kết thúc một công trình trong số đó. Tại kỳ họp này, Quốc hội chỉ bố trí duy nhất một buổi họp tổ để các đại biểu cho ý kiến. Một số đại biểu thống nhất với đề nghị của Chính phủ về việc xem xét ban hành ngay tại kỳ họp này nghị quyết về việc hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành thương mại Nhà máy lọc dầu số một Dung Quất.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị chưa nên ban hành vì nhà máy mới đưa vào vận hành thương mại sáu tháng, cần có thêm thời gian hợp lý thì mới đủ điều kiện đánh giá đầy đủ, chính xác hiệu quả kinh tế của dự án. Hơn nữa, công tác quyết toán dự án chưa được kiểm toán, báo cáo chính thức, công tác tái định cư chưa được thực hiện đúng theo kế hoạch. Các đại biểu đề nghị Chính phủ báo cáo phân tích sâu hơn về hiệu quả tổng hợp kinh tế, xã hội và môi trường, tác động của nhà máy đối với kinh tế khu vực miền Trung, về thời điểm thu hồi vốn, về hiệu suất sinh lời, về khả năng tiếp nhận và làm chủ công nghệ của nhà máy.

Tại phiên bế mạc sáng nay, Quốc hội vẫn đưa ra nghị quyết, nhưng chỉ ghi nhận nhà máy cơ bản hoàn thành xây dựng, đưa vào vận hành thương mại và những kết quả bước đầu, chứ không phải sự công nhận hoàn công và kết thúc vai trò giám sát của mình đối với công trình.

Trao đổi với VnExpress.net ngay sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết, ông Nguyễn Hoài Giang, Tổng giám đốc Công ty Bình Sơn - đơn vị tiếp nhận khai thác và kinh doanh dự án Dung Quất, cho biết đây là sự động viên khích lệ rất lớn đối với những người đang ngày đêm làm việc trên công trình. Công ty sẽ tiếp thu ý kiến để đẩy mạnh việc nghiên cứu, tiếp thu các kỹ thuật tiên tiến để nhà máy hoạt động có hiệu quả.

"Quốc hội thông qua hay không thông qua, chúng tôi vẫn tiếp tục phải vận hành nhà máy, sản xuất, cho ra sản phẩm và khắc phục các lỗi kỹ thuật. Anh em làm việc ở đây vẫn phải ngày đêm vật lộn với thời tiết, khí hậu khắc nghiệt để nhà máy hoạt động hiệu quả", ông Giang nói thêm.

Cũng theo ông Giang, Quốc hội có toàn quyền phán xét việc dự án hiệu quả hay không hiểu quả, cái gì làm được hay chưa làm được, và việc xét lại quá khứ nhằm giúp thúc đẩy dự án tốt, hiệu quả hơn.

Dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư xây dựng tại kỳ họp thứ 2 khóa X (tháng 12/1997). Tập đoàn Dầu khí VN (PetroVietnam) được giao làm chủ đầu tư dự án. Sốt ruột với tiến độ dự án, gần 8 năm sau, tại kỳ họp thứ 7 khóa XI (tháng 6/2005), Quốc hội ra nghị quyết yêu cầu tập trung chỉ đạo xây dựng nhà máy. Và đến nay, tới gần cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, công trình mới chuẩn bị hoàn tất khâu quyết toán.

Việc bấm nút thông qua dự án Dung Quất chỉ là một số nội dung trong phiên bế mạc Quốc hội khóa XII sáng nay. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đánh giá với tinh thần thẳng thắn, cởi mở các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thiết thực nhằm góp phần vào thành công của kỳ họp và công cuộc phát triển đất nước.

Tiến độ bàn giao nhà máy Lọc dầu Dung Quất chậm khoảng 9 năm so với yêu cầu ban đầu của Quốc hội và theo chủ đầu tư nguyên nhân chủ yếu là do phải nhiều lần chuyển đổi hình thức đầu tư, thay đổi thiết kế, nhà thầu.

Không chỉ chậm tiến độ, dự án Nhà máy Lọc dầu số một Dung Quất còn phải 3 lần điều chỉnh tổng mức đầu tư, từ mức phê duyệt ban đầu 1,5 tỷ USD lên 2,5 tỷ USD và cuối cùng là hơn 3,05 tỷ USD. Trong báo cáo gửi Chính phủ, chủ đầu tư PetroVietnam lý giải do phát sinh khối lượng công việc lớn, phải đầu tư bổ sung nhiều hạng mục, thay đổi công nghệ, chi phí xử lý túi bùn, biến động giá cả trong đó có biến động tỷ giá.

Dẫu vậy, chủ đầu tư vẫn hài lòng vì khi nhà máy đi vào hoạt động từ năm 2009 có hiệu quả kinh tế cao hơn dự tính (hệ số IRR đạt 7,66% trong khi mức tính toán của năm 2005 là 5,87%). Mặt khác, quyết toán sơ bộ cho thấy việc triển khai công trình tốn kém ít hơn so với mức đầu tư được duyệt (giá trị quyết toán chỉ là 43.800 tỷ đồng trong khi mức đầu tư được duyệt quy theo tỷ giá 16.937 đồng là 51.720 tỷ đồng), nhờ chênh lệch giữa doanh thu và chi phí trong giai đoạn chạy thử nhà máy.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
20.300
Xăng RON 95 - III
19.760
Xăng E5 RON 92 - II
18.940
Dầu DO 0,05S 17.040
Dầu DO 0,001S - V 17.470

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 19/9/2024

Giá dầu thô Brent