Theo quy định của Nghị định 107/2009/NĐ-CP, các thương nhân đầu mối kinh doanh gas phải quyết định giá bán gas trong hệ thống phân phối.
“Quy định này sẽ giúp ổn định giá gas, người tiêu dùng không bị thiệt khi các đại lý tùy tiện nâng giá bán lẻ như thời gian trước đây. Ngoài ra, các thương nhân đầu mối sẽ phải chịu trách nhiệm phát triển và quản lý hệ thống phân phối, nhằm đảm bảo ổn định nguồn cung cho thị trường”, ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) lý giải.
Song song với việc góp phần quản lý giá bán gas, Nghị định 107/2009/NĐ-CP còn giải quyết tình trạng chiếm đoạt vỏ bình gas giữa các doanh nghiệp (DN). “Nghị định 107/2009/NĐ-CP quy định những điều kiện tối thiểu để thương nhân đầu mối tham gia kinh doanh mặt hàng gas. Đơn cử, muốn tham gia xuất nhập khẩu gas, thương nhân đầu mối phải có tối thiểu 300.000 bình gas (không tính bình mini), có tối thiểu 40 đại lý kinh doanh đủ tiêu chuẩn quy định tại Nghị định, có trạm nạp gas đủ tiêu chuẩn”, ông Xuân bổ sung.
Nghị định 107/2009/NĐ-CP cũng quy định các điều kiện liên quan tới thương nhân sản xuất, chế biến gas, như phải có giấy chứng nhận, kho chứa tối thiểu 5.000 m3... Thương nhân phân phối cấp 1 phải có giấy chứng nhận, kho chứa tối thiểu 800 m3, có tối thiểu 300.000 bình gas, có hệ thống phân phối trực thuộc bao gồm tối thiểu 20 đại lý...
Những quy định trên, theo phân tích của Bộ Công thương, đã căn cứ trên những tính toán liên quan tới khả năng cung ứng hàng hoá của thương nhân, dung lượng tiêu thụ của thị trường trong khoảng thời gian ổn định.
Nghị định 107/2009/NĐ-CP cũng quy định các vấn đề liên tới trạm nạp gas, phân phối gas trên thị trường, nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định cho việc cung cấp mặt hàng gas từ khâu nhập khẩu, nạp gas tới các đại lý bán buôn, bán lẻ và tới người tiêu dùng.
Trên thực tế, thị trường gas trong suốt thời gian dài qua chưa có đủ hệ thống văn bản pháp quy để quản lý, nên đã dẫn tới tình trạng gian lận thương mại, tranh chấp giữa các DN, hệ thống phân phối không ổn định...
Theo ông Nguyễn Sĩ Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, từ cơ sở của Nghị định, việc tổ chức giám sát các vấn đề nói trên của thị trường gas sẽ tốt hơn và tạo một thị trường gas minh bạch hơn trong thời gian tới.
Tuy nhiên, quy định của Nghị định 107/2009/NĐ-CP cũng đang đặt các cơ quan quản lý vào thế phải đẩy nhanh việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện để tạo cơ sở cho DN hoạt động tốt hơn, quản lý hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho rằng, nếu Bộ Công thương và các bộ, ngành khác không triển khai việc hướng dẫn, thì địa phương sẽ rất khó khăn trong việc cấp phép. “Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/1, cho phép các DN chưa đủ điều kiện được hoạt động đến ngày 30/9. Chỉ riêng việc tổ chức đào tạo cho DN có mong muốn học nghiệp vụ liên quan tới kinh doanh gas cũng đòi hỏi nhiều thời gian. Do vậy, Bộ Công thương phải chủ trì cùng với các bộ, ngành có liên quan sớm ban hành nội dung cụ thể để chúng tôi triển khai. Nếu quá ngày 30/9 mà chưa làm được việc này, thì nhiều DN có khả năng phải đóng cửa và thị trường gas sẽ bị ảnh hưởng rất mạnh”, bà Mai nêu vấn đề.
Lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội cũng cho biết thêm, việc quy định các đại lý phải treo biển có tên các thương nhân cung cấp gas dù là vấn đề nhỏ, nhưng cũng khá khó thực hiện. “Mỗi đại lý thường có biển hiệu khá nhỏ. Nếu quy định họ phải treo cả tên của 3 thương nhân cung cấp gas, thì liệu có khả thi? Từ những vấn đề nhỏ này mong Bộ Công thương có hướng dẫn chi tiết để các địa phương thực hiện”, bà Mai bổ sung.
Các DN kinh doanh trong lĩnh vực này cũng lo ngại việc quy định khắt khe của Nghị định 107/2009/NĐ-CP gây ra hiện tượng “sàng lọc” DN và thu hẹp lượng DN tham gia thị trường.
Ông Hoàng Thọ Xuân lý giải, suy nghĩ trên của DN là không đúng, bởi mục đích chính của Nghị định 107/2009/NĐ-CP là tạo ra sự tham gia đông đảo của các DN đủ điều kiện kinh doanh mặt hàng này. Từ đó, tạo môi trường kinh doanh ổn định và an toàn, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cho biết, sẽ tích cực phối hợp cùng các cơ quan chức năng sớm có những quy định cụ thể, để các địa phương triển khai công tác quản lý một cách hiệu quả, tạo điều kiện tốt nhất cho các DN tham gia thị trường.