Liên quan đến điện lực, Ủy ban Dân nguyện cho rằng việc đầu tư các nhà máy theo quy hoạch chậm, mới đạt 74%. Do nhu cầu sử dụng ngày càng tăng, trong khi đầu tư phát triển chậm nên sản lượng điện thiếu hụt nghiêm trọng. Cử tri thông cảm và chia sẻ với ngành điện nhưng không đồng tình với việc cắt điện, giảm cung cấp điện không thông báo trước, chưa bảo đảm luân phiên, công bằng giữa các đối tượng sử dụng điện và thiếu thống nhất giữa các địa phương.
Đối với việc lập quỹ bình ổn giá xăng dầu, tính đến tháng 7-2010 đã trích lập hơn 3.619 tỷ đồng, doanh nghiệp sử dụng gần 1.050 tỷ đồng vào việc bình ổn giá, hiện còn hơn 2.569 tỷ đồng tồn trong tài khoản doanh nghiệp. Theo doanh nghiệp, việc lập, quản lý, sử dụng quỹ còn nhiều bất cập. Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam đề nghị quy định mức quỹ bình ổn giá hình thành bắt buộc tính trên doanh thu, được giới hạn phù hợp với yêu cầu bình ổn và bảo đảm tương quan hợp lý với lợi nhuận của doanh nghiệp (quy định hiện hành không giới hạn). Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội cho rằng mục đích hình thành quỹ bình ổn là giúp ổn định giá, nhưng hiện nay, việc trích lập quỹ chưa giải quyết bình ổn giá nhưng lại tác động tạo lợi thế cho các doanh nghiệp có điều kiện tích tụ một số vốn từ quỹ này để giảm vốn vay, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh giá dẫn đến độc quyền, tiêu diệt cạnh tranh trong kinh doanh. Trong khi đó, cử tri kiến nghị bãi bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu vì dù giá xăng dầu tăng hay giảm khách hàng vẫn phải trả thêm 300-500 đồng/lít để đưa vào quỹ nhưng việc quản lý, sử dụng cũng như việc khách hàng hưởng lợi từ quỹ như thế nào thì không rõ. Qua xem xét đối chiếu với quy định của pháp luật, UB TVQH nhận thấy việc lập quỹ chưa phù hợp với quy định của Pháp lệnh Giá.
Về thanh toán bảo hiểm y tế cho người bị tai nạn giao thông, theo quy định của luật hiện hành, trường hợp tổn thương do hành vi vi phạm pháp luật của người đó gây ra không được hưởng bảo hiểm y tế. Bộ Y tế và Bộ Tài chính có thông tư liên tịch hướng dẫn người bị tai nạn giao thông phải có xác nhận không vi phạm pháp luật của "cơ quan có thẩm quyền" nhưng không nói rõ "cơ quan có thẩm quyền" là cơ quan nào nên gây khó khăn cho người dân khi làm thủ tục để được Bảo hiểm Y tế chi trả viện phí. Đây là vấn đề cử tri đã nêu nhưng Bộ Y tế chưa trả lời thỏa đáng. Do còn nhiều ý kiến khác nhau nên đến nay ý kiến này chưa được giải quyết dứt điểm. UB TVQH đề nghị Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo Bộ Y tế và các cơ quan liên quan sớm ban hành hướng dẫn.