Bài học từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất
23/11/2010 7:56:00 SATin trong nước

Tại kỳ họp Quốc hội lần này, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết kết thúc công trình Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với đề nghị đó, nhưng cho rằng cần rút ra những bài học kinh nghiệm từ dự án quan trọng này để các công trình khác tránh được các khiếm khuyết như đã xảy ra. Báo Đầu tư chuyển đến bạn đọc bài viết của GS.TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, Phó chủ tịch Hội đồng Thẩm định dự án của nhà nước, một trong những người tham gia tuyển chọn nhà thầu và thẩm định dự án này.

Vào giữa thập niên 80, nước ta đã phát hiện dầu khí ở thềm lục địa phía Nam có khả năng khai thác thương mại. Liên doanh Vietsovpetro, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên đã ra đời theo thoả thuận giữa hai Chính phủ Liên Xô và Việt Nam.

Sau một thời gian khai thác dầu thô, Đảng và Nhà nước chủ trương xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên. Thành Tuy Hạ, tỉnh Đồng Nai được chọn làm địa điểm của dự án. Ban quản lý dự án đã được thành lập, công việc san lấp mặt bằng đã được triển khai. Dự kiến công suất của nhà máy là 3 triệu tấn/năm.

Như vậy là chủ trương xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên đã được Đảng và Nhà nước đề ra từ cách đây hơn ¼ thế kỷ; nhưng việc xây dựng nhà máy đã bị đình lại, vì Việt Nam không còn nhận được viện trợ của Liên Xô nữa.

Đầu năm 1993 dự án nhà máy lọc dầu được khởi động lại và đã thu hút được 17 nhà đầu tư nước ngoài nộp đơn để thực hiện dự án. Chính phủ giao Hội đồng Thẩm định dự án của nhà nước do Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước làm Chủ tịch, Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư làm Phó chủ tịch, các Ủy viên của Hội đồng là đại diện lãnh đạo của nhiều Bộ có liên quan, tiến hành các công việc cần thiết để tuyển chọn nhà đầu tư nước ngoài liên doanh với Petro Việt Nam.

Vì đây là lần đầu tiên nước ta thực hiện một dự án lớn, lại chưa có kinh nghiệm, nên Chính phủ đã cho phép Hội đồng Thẩm định thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài. Hoạt động của nhóm chuyên gia này được tổ chức chu đáo, chỉ giữ quan hệ với một số thành viên chủ chốt của Hội đồng và của Petro Việt Nam, không được tiếp xúc với các nhà thầu nước ngoài nhằm bảo đảm tính độc lập trong việc đánh giá các phương án của nhà thầu.

Dựa trên ý kiến tư vấn của chuyên gia quốc tế và kiến nghị của Hội đồng Thẩm định, Thủ tướng Chính phủ đã có hai quyết định quan trọng:

Một là, thay đổi địa điểm xây dựng nhà máy, không sử dụng địa điểm Thành Tuy Hạ, bên bờ sông Thị Vải, mặc dù đã tốn khá nhiều tiền để san lấp mặt bằng ở đó, do không bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quá trình vận chuyển và khi có sự cố tràn dầu; chọn địa điểm mới ở các đảo, hoặc trên bờ biển có cảng nước sâu.

Ban đầu một hòn đảo ngoài khơi Vũng Tàu đã được chọn làm địa điểm để xây dựng nhà máy. Đó là địa điểm thích hợp nhất, vừa đảm bảo yêu cầu về môi trường, vừa có hiệu quả kinh tế vì gần vùng nguyên liệu và gần nơi tiêu thụ.

Tuy vậy, vào thời điểm này một vấn đề được các nhà lãnh đạo đất nước quan tâm là tình trạng chênh lệch về trình độ phát triển và thu nhập dân cư giữa TP.HCM, Đặc khu Vũng Tàu với khu vực phía Bắc và miền Trung đất nước. Để từng bước khắc phục nhược điểm đó, chủ trương hình thành “ba tam giác phát triển” ở ba vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc, miền Trung và miền Nam đã được đề ra. Do vậy, Chính phủ quyết định không chọn địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên tại Vũng Tàu, mà tìm một địa điểm khác. Sau một thời gian khảo sát, nhà thầu nước ngoài và Petro Việt Nam đã kiến nghị chọn vịnh Văn Phong thuộc tỉnh Khánh Hoà làm địa điểm xây dựng nhà máy.

Thông tin về việc chọn địa điểm mới đã nhận được sự phản ứng khác nhau: một số cơ quan báo chí và chuyên gia lên tiếng phản đối, vì cho rằng, vịnh Văn Phong để dành phát triển du lịch thì có lợi hơn về kinh tế và về môi trường. Sau khi cân nhắc, Chính phủ đã chọn Dung Quất.

Hai là, thay đổi công suất nhà máy. Nhà máy lọc dầu do Liên Xô giúp ta xây dựng có công suất 3 triệu tấn/năm. Theo tính toán của chuyên gia tư vấn, với công suất đó thì Việt Nam xuất khẩu dầu thô và nhập khẩu dầu tinh có lợi hơn là tự xây dựng nhà máy lọc dầu. Do vậy, công suất nhà máy được nâng lên 6 - 6,5 triệu tấn/năm, là công suất tối ưu vào giai đoạn đó.

Từ hai quyết định trên đây của Chính phủ dựa trên ý kiến tư vấn của chuyên gia, cần rút ra bài học kinh nghiệm đối với việc đề ra chủ trương và phê chuẩn các dự án đầu tư quan trọng của quốc gia: thứ nhất, phải chọn địa điểm thích ứng với đặc điểm của từng ngành, từng lĩnh vực, không chỉ chú ý đến yếu tố kinh tế, mà còn phải coi trọng yếu tố môi trường; thứ hai, cần tính công suất tối ưu để bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư từng dự án.

Vì sao từ dự án đầu tư nước ngoài trở thành dự án do Petro Việt Nam tự làm (?).

Hội đồng Thẩm định đã tiến hành ba vòng tuyển chọn; vòng thứ nhất có 17 nhà thầu nước ngoài nộp hồ sơ dự tuyển, 11 nhà thầu bị loại; vòng thứ hai có thêm 4 nhà thầu bị loại, chỉ còn lại hai tập đoàn dầu khí lớn của Châu Âu là Shell và Total; vòng thứ ba đã chọn được Total làm đối tác liên doanh với Petro Việt Nam.

Nếu dự án này được xây dựng ở Vũng Tàu thì liên doanh Total- Petro Việt Nam đã khởi công vào năm 1995 và hoàn thành vào năm 1998; tiếp đó xây dựng khu công nghiệp hóa dầu vào những năm đầu thế kỷ XXI, vì lúc đó đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài kiến nghị các dự án quy mô lớn về hóa dầu, và có lẽ câu chuyện về nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp gắn với nhập siêu đã có giải pháp hữu hiệu (!).

Việc chọn Dung Quất làm địa điểm xây dựng dự án xét về nhân tố chính trị - xã hội thì hợp lý, nhưng trên góc độ hiệu quả kinh tế thì không có lợi, do dầu thô của nước ta được khai thác chủ yếu ở thềm lục địa ngoài khơi Vũng Tàu và phải nhập khẩu từ Trung Đông một số lượng nhất định để trộn với dầu của Việt Nam, vừa xa thị trường tiêu thụ vì miền Nam là thị trường lớn nhất về xăng dầu.

Do vậy, mặc dù đã tốn khá nhiều chi phí khảo sát, chuẩn bị xây dựng nhà máy, nhưng vì không có hiệu quả kinh tế nên Tập đoàn dầu khí Total đã rút khỏi liên doanh. Cũng cần nhắc lại rằng, theo luận chứng kinh tế của liên doanh Total - Petro Việt Nam trình Hội đồng Thẩm định, thì dự toán chi phí xây dựng nhà máy là 1,5 tỷ USD, mà hệ số thu hồi vốn đã rất thấp - 6,8%.

Sau đó một liên doanh mới giữa Petro Việt Nam với Công ty dầu khí Nga được thành lập để thực hiện dự án này, nhưng vì nhiều lý do, nên chỉ sau một thời gian ngắn liên doanh này đã giải thể. Petro Việt Nam tự đảm nhiệm việc xây dựng và vận hành nhà máy.

Tình trạng chậm trễ trong việc xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên trực tiếp tác động tiêu cực đến hoạt động lọc dầu, làm cho vốn đầu tư tăng lên gấp đôi so với dự toán ban đầu, hiệu quả kinh tế của dự án khá thấp. Sự chậm trễ này cũng làm thay đổi kế hoạch xây dựng ngành công nghiêp dầu khí, theo đó, nhà máy lọc dầu thứ nhất được đưa vào vận hành trong giai đoạn 1996- 2000, nhà máy lọc dầu thứ hai được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XXI, khi sản lượng dầu thô vượt qua ngưỡng 10 triệu tấn/năm và phát triển nhanh chóng công nghiệp hóa dầu để sản xuất ra nhiều loại sản phẩm cho công nghiệp và các ngành kinh tế khác. Hậu quả là, Việt Nam chậm thoát khỏi tình trạng gia công cho nước ngoài, giá trị gia tăng rất thấp, năng lực cạnh tranh chậm được nâng cao, tình trạng nhập siêu kéo dài, cán cân thanh toán quốc tế không được cân bằng…

Nước ta đã khai thác dầu thô hơn 20 năm, mặc dù tỷ trọng xuất khẩu dầu khí chiếm gần 16% tổng kim ngạch xuất khẩu và chiếm 21,31% tổng thu ngân sách năm 2008, nhưng xét về phương diện sử dụng tài nguyên thiên nhiên thì việc chậm trễ trong việc xây dựng nhà máy lọc dầu, kéo theo chưa hình thành được công nghiệp hóa dầu gây ra tổn thất lớn đối với đất nước, trong khi nước ta không thuộc loại giàu tài nguyên về dầu khí. Đó là chưa bàn đến việc bảo đảm an toàn năng lượng quốc gia, đòi hỏi phải có tầm nhìn chiến lược trong việc khai thác tài nguyên, kể cả dầu khí, cũng như tính đến yêu cầu phát triển bền vững, môi trường sinh thái gắn với biến đổi khí hậu toàn cầu mà Việt Nam là một nước sẽ chịu hậu quả nặng nề khi mực nước biên dâng lên trong vài thập niên sắp đến.

Bài học từ một công trình nhà máy lọc dầu bị chậm trễ cần được nhìn từ nhiều góc cạnh, để rút ra kinh nghiệm từ khi đề ra chủ trương cho đến khi triển khai thực hiện các dự án đầu tư có tầm quan trọng của quốc gia.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.080
Xăng RON 95 - III
20.520
Xăng E5 RON 92 - II
19.340
Dầu DO 0,05S 18.500
Dầu DO 0,001S - V 18.610

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 21/11/2024

Giá dầu thô Brent