|
Cử tri cho rằng, thu phí xăng dầu là quá vô lý. |
Hàng loạt vấn đề được cử tri nêu ra trên đây đã được hồi đáp tại tập hợp trả lời kiến nghị của cử tri, vừa được gửi đến từng đại biểu Quốc hội.
Giá xăng dầu vận động theo xu thế bình ổn
Theo Bộ Tài chính, xăng dầu tiêu thụ trong nước hiện nay chủ yếu phải nhập khẩu nên giá trong nước phụ thuộc và chịu sự tác động trực tiếp của giá thị trường thế giới.
Để tránh tác động tâm lý và góp phần kiềm chế lạm phát ngay từ những tháng đầu năm 2010 nhằm đạt được mục tiêu về chỉ số giá tiêu dùng năm 2010 (không vượt quá 7%) như mục tiêu được Quốc hội thông qua, liên bộ Tài chính - Công Thương đã báo cáo Chính phủ sử dụng linh hoạt các biện pháp bình ổn giá.
Với chủ trương và thực tiễn điều hành như thời gian qua, giá xăng, dầu trong nước cơ bản vận động theo xu thế bình ổn (chứ không phải giữ ổn định giá bất chấp sự biến động tăng của giá thị trường thế giới và quay lại cơ chế bù giá, bù lỗ như trước đây). Trong các lần điều chỉnh giá thì giá xăng, dầu trong nước luôn ở mức thấp hơn các nước trong khu vực từ 678 - 8.180 đồng/lít, Bộ Tài chính so sánh.
Cụ thể, như xăng 92R, khi giá ở Việt Nam là 16.400 đồng/lít thì Lào đã là 19.414 đồng/lít, Trung Quốc 19.143 đồng/lít, Campuchia là 20.055 đồng/lít … và Singapore tới 24.580 đồng/lít.
Bộ nêu rõ quan điểm “thời gian tới cần điều hành giá xăng dầu sát với diễn biến giá xăng, dầu thế giới và các nước trong khu vực (Lào, Campuchia, Trung Quốc) để góp phần chống buôn lậu xăng dầu qua biên giới”.
Về ý kiến của cử tri thành phố Cần Thơ về việc thu phí qua xăng dầu (300 đồng/lít) là "quá vô lý" và cử tri Gia Lai “đề nghị Thủ tướng xem xét, bãi bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu”…, Bộ Tài chính cho biết khoản tiền quy định trong giá xăng dầu 300 đồng/lít hiện nay là để trích lập quỹ bình ổn giá chứ không phải Nhà nước thu phí xăng dầu 300 đồng/lít.
Rồi khẳng định: “việc trích quỹ bình ổn giá như trên là nhằm tạo ra một nguồn lực tài chính để bình ổn giá và chỉ phục vụ mục tiêu bình ổn giá thị trường trong nước khi giá thế giới tăng cao, không sử dụng vào mục đích nào khác”.
Giá sữa cao một phần do tâm lý sính ngoại
Bên cạnh giá xăng, Bộ Tài chính cũng trả lời những bức xúc của cử trên 30 tỉnh, thành về giá cả một số mặt hàng thiết yếu tăng cao những tháng đầu năm, đặc biệt là giá sữa.
Cử tri tỉnh Phú Thọ kiến nghị Chính phủ có biện pháp hữu hiệu, đồng thời kiểm tra và áp dụng các biện pháp yêu cầu giảm giá đối với các đơn vị tăng giá bán sữa một cách vô lý.
Bộ Tài chính lý giải: ngoài nguyên nhân khách quan từ giá nguyên liệu sữa bột nhập khẩu, biến động của tỷ giá ngoại tệ thì nguyên nhân chủ quan là do được cấp phép độc quyền nhập khẩu và phân phối một loại mặt hàng sữa nào đó vào thị trường Việt Nam.
Hơn nữa, còn do tâm lý thích dùng sữa ngoại của người tiêu dùng Việt Nam và giá sữa đội lên do chi phí quảng cáo của doanh nghiệp kinh doanh sữa vượt quá mức khống chế 10% theo quy định của Nhà nước.
Trước thực trạng này, Bộ Tài chính cho biết đã có một loạt động thái để tăng cường quản lý giá sữa như gửi công văn đề nghị UBND các địa phương tăng cường việc kiểm tra, giám sát xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá; yêu cầu tất cả các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mặt hàng sữa pha chế theo công thức dạng bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đều phải thực hiện đăng ký giá với cơ quan quản lý.
Bên cạnh đó còn phối hợp với Bộ Công Thương thanh tra, kiểm tra một số doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sữa. Qua kiểm tra đã xử lý, yêu cầu doanh nghiệp tiết giảm hợp lý các khoản chi phí quảng cáo, tiếp thị.., theo quy định.
Cũng theo Bộ Tài chính, Thủ tướng đã giao UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo kiểm tra, thanh tra các đơn vị sản xuất kinh doanh sữa thực hiện nghiêm túc quy định về đăng ký, niêm yết giá...; kiểm tra các yếu tố hình thành giá để loại trừ các khoản chi phí (hoa hồng, quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi...) doanh nghiệp thực hiện không đúng quy định ra khỏi cơ cấu giá; đồng thời tiếp tục thành lập các đoàn kiểm tra về thực hiện Pháp lệnh Giá, pháp luật về thuế, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.