Tiếp tục ngày làm việc, hôm nay Quốc hội thảo luận ở tổ về việc thực hiện công trình quan trọng quốc gia dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất, thảo luận 2 dự án luật gồm: dự án Luật tố cáo và dự án Luật đo lường.
Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 12/1997. Ban đầu dự án dự kiến xây dựng trong 4 năm, từ 1997 đến 2001. Tuy nhiên, đến cuối tháng 5/2010, sau 13 năm đầu tư, xây dựng, nhà máy mới chính thức hoàn thành và bàn giao cho chủ đầu tư là Petro Vietnam. Tính đến cuối tháng 9/2010, nhà máy đã tiếp nhận 6,4 triệu tấn dầu thô, sản xuất được 5,5 triệu tấn sản phẩm đạt chất lượng, bán ra thị trường 5,3 triệu tấn; doanh thu đạt trên 25.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước khoảng 3.000 tỷ đồng. Năng lực sản xuất hiện nay của nhà máy đáp ứng được 30% nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu trong nước.
Thảo luận ở tổ về dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất, đa số các đại biểu đều thống nhất cho rằng, đây là một công trình có ý nghĩa quan trọng đối với đất nước, đánh dấu sự phát triển của ngành công nghiệp hóa dầu Việt nam. Đặc biệt, từ năm 2005 đến nay, với sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, sự chỉ đạo sát sao của chính phủ, tiến độ dự án cơ bản được đáp ứng.
So với các công trình quan trọng quốc gia khác thì dự án này có tốc độ quyết toán vào loại nhanh. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị Quốc hội cần làm rõ những nguyên nhân khiến công trình kéo dài 13 năm, chậm tiến độ đến 9 năm và vốn cho công trình đã tăng từ 1,5 tỷ đô la Mỹ lên hơn 3 tỷ đô la Mỹ.
“Chính phủ cần giải trình rõ hơn vì sao dự án kéo dài tới 13 năm. Có phải vì nguyên nhân chủ quan về chỉ đạo điều hành, về vấn đề nhân lực hay chọn nhà đầu tư thiết bị công nghệ”, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đặt câu hỏi.
Cũng vì đây là một công trình quan trọng quốc gia nên các đại biểu tập trung thảo luận những bài học kinh nghiệm rút ra từ việc xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất, như việc lựa chọn vị trí, lựa chọn đối tác, vốn đầu tư…
Các đại biểu đề nghị cần tính toán cho kỹ, nhu cầu xăng dầu trong nước bao nhiêu là phù hợp để tránh tính trạng khủng hoảng thừa như đã xảy ra với xi măng, đường, đặc biệt cần khắc phục triệt để tư duy vùng miền. Trong công tác giải phóng mặt bằng, các đại biểu cho rằng, cần có sự đền bù thỏa đáng cho người dân, tạo mối quan hệ tốt đẹp giữa chủ công trình với những người dân địa phương.
Một số đại biểu cũng đề nghị Chính phủ làm rõ, bao giờ xăng dầu của Dung Quất có thể xuất khẩu được. “Hiện nay dầu của nhà máy Dung Quất mới chỉ tiêu thụ trong nước, chưa xuất khẩu được. Nguyên nhân là trong nước còn thiếu dầu hay vì lý do chất lượng, giá thành cao hơn. Vấn đề này trong báo cáo của Chính phủ phải đánh giá được để cử tri biết; đồng thời tính toán để hiệu quả nhà máy được tốt hơn”, đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) kiến nghị.
Về hai dự án Luật Tố cáo và Luật Đo lường, dự án Luật Tố cáo được thảo luận rất sôi nổi bởi lẽ đây là vấn đề đang được đông đảo cử tri quan tâm. Các đại biểu nhất trí cho rằng, việc xây dựng Luật Tố cáo đã tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tố cáo, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc giải quyết tố cáo, quy định rõ trình tự, thủ tục giải quyết các loại tố cáo, có cơ chế hữu hiệu bảo vệ người tố cáo.
Các đại biểu tán thành với quy định “người tố cáo phải nêu rõ họ tên, địa chỉ của mình; trình bày trung thực nội dung tố cáo; cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được”. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) tán thành với dự thảo luật là không thụ lý giải quyết những đơn tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo. Theo bà Thúy, việc ghi rõ tên, địa chỉ người tố cáo thể hiện trách nhiệm của công dân trước pháp luật, đồng thời giúp việc điều tra xác minh thuận tiện cho nên phải có tên, địa chỉ. “Những trường hợp nặc danh, mạo danh, những trường hợp lợi dụng ném đá dấu tay gây rối ren tình hình thì xử lý với tố cáo sai cũng rất khó. Nếu ta không làm tốt việc xử lý đó, lần sau người ta lại tiếp tục lợi dụng việc tố cáo để gây rối”, bà Thúy giải thích.
Đồng tình với những quy định cụ thể về việc giữ bí mật và bảo vệ người tố cáo, các đại biểu cũng nhấn mạnh trách nhiệm công dân của người tố cáo, tránh tình trạng lợi dụng tố cáo để hạ thấp uy tín người khác, nhất là vào những thời điểm nhạy cảm hoặc lợi dụng tố cáo để gây rối…
Thảo luận về dự án Luật đo lường, các đại biểu khẳng định, hoạt dộng đo lường giữ vai trò quan trọng đối với đời sống, sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khóa học, an ninh và quốc phòng. Vì vậy, việc ban hành Luật đo lường là cần thiết, nhất là trong điều kiện hội nhập hiện nay. Các đại biểu cũng đề nghị làm rõ một số nội dung của dự án Luật sao cho phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành như: pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, về khiếu nại, tố cáo, về hình sự và về xử lý vi phạm hành chính.