Tranh cãi việc lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Cử tri kiến nghị xem xét, bãi bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy việc lập Quỹ này chưa phù hợp với quy định của Pháp lệnh giá. Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn kiên trì quan điểm có đầy đủ căn cứ để lập quỹ...
Trước đó trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã đạt được mục tiêu và hoạt động theo tiêu chí “cũng vì lợi ích chung”. Ông Vũ Văn Ninh cũng cho biết thêm: “Nếu bình thường để giá thả nổi thì xăng dầu cứ lên xuống tùy theo giá thị trường. Như các nước, họ coi chuyện đó là bình thường, có khi một ngày mấy giá, hoặc mỗi ngày một giá. Nhưng ở mình thì không muốn để biến động thường xuyên như vậy mà phải có thời hạn nhất định nên lập ra Quỹ”.
Trong khi đó, kết quả giám sát của Ban Dân nguyện cho thấy không có căn cứ để lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Bởi Điều 6 của Pháp lệnh Giá quy định cụ thể về các biện pháp bình ổn giá thì không có biện pháp lập Quỹ bình ổn giá.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã giải trình việc lập quỹ căn cứ vào Điều 5 Pháp lệnh Giá. Nhưng Điều 5 quy định về mục tiêu bình ổn giá trong đó có quy định: “Nhà nước thực hiện các chính sách, biện pháp cần thiết tác động vào quan hệ cung cầu để bình ổn giá thị trường…”. Những biện pháp cần thiết được áp dụng để bình ổn giá được đề cập tại điều này đã được cụ thể hóa tại Điều 6 của Pháp lệnh mà không giao cho Chính phủ quy định.
Nhưng cử tri đã kiến nghị xem xét, bãi bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, vì cho rằng dù khi giá xăng dầu tăng hay giảm thì khách hàng vẫn phải trả thêm từ 300 - 500 đồng/lít để đưa vào Quỹ. Mặt khác, việc doanh nghiệp trích 300 đồng/lít xăng vào Quỹ bình ổn nhưng đã tính vào giá bán khiến nhiều người dân cho rằng "tay trái doanh nghiệp bỏ vào Quỹ nhưng tay phải lại lấy ra". Vậy người tiêu dùng được hưởng lợi gì từ Quỹ này?