|
Một trong những lý do khiến đại biểu không yên tâm chính là, năm nào cũng bố trí chi đầu tư trở lại cho Petro Vietnam với số tiền rất lớn, nhưng việc chi như thế nào, hiệu quả ra sao thì không có báo cáo Quốc hội. |
Theo nghị trình của kỳ họp Quốc hội thứ tám, ngay tại phiên họp sáng thứ Hai (15/11), Quốc hội sẽ đưa ra quyết định về việc phân bổ ngân sách Trung ương năm 2011. Và, gần như năm nào cũng vậy, số tiền chi trở lại cho Petro Vietnam nói riêng và một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nói chung luôn có ý kiến trái chiều.
Quốc hội quyết nhưng không rõ hiệu quả
Một trong những lý do khiến đại biểu không yên tâm chính là, năm nào cũng bố trí chi đầu tư trở lại cho Petro Vietnam với số tiền rất lớn, nhưng việc chi như thế nào, hiệu quả ra sao thì không có báo cáo Quốc hội.
Ngay từ phiên khai mạc, tại báo cáo thẩm tra về ngân sách Nhà nước, Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng cho biết, có ý kiến ở Ủy ban cho rằng không nên cấp vốn trở lại cho Petro Vietnam vì đây là nguồn thu đặc thù của ngân sách trong khai thác dầu khí.
Quá trình thảo luận và qua phiếu xin ý kiến trước khi Quốc hội “chốt” việc chi ngân sách Trung ương năm sau, đa số các vị đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự nhất trí với ý kiến được coi là thiểu số tại cơ quan thẩm tra. Đồng thời, đề nghị cần làm rõ: bản chất 3.500 tỷ đồng là gì, lợi nhuận doanh nghiệp hay từ nguồn khoáng sản thuộc ngân sách Nhà nước?.
Bên cạnh đó, nhiều đề nghị khác nhau cũng đã được đưa ra về số tiền không nhỏ dự định chi cho tập đoàn này. Có đại biểu nêu quan điểm chỉ đầu tư trở lại 3.000 tỷ đồng, còn 500 tỷ đầu tư kè sạt lở, xâm thực. Và, chỉ đầu tư trở lại trên cơ sở xác định đúng các chi phí và đầu tư thêm các công trình xây dựng cơ bản do Nhà nước đầu tư.
Trong số 198 phiếu đồng ý chi, nhiều ý kiến đề nghị giải trình cụ thể nhất là các khoản đã chi trong các năm trước. Đồng thời, Chính phủ cần báo cáo Quốc hội danh mục dự án đầu tư và hiệu quả đầu tư vào năm 2012 để Quốc hội giám sát.
Đảm bảo bình đẳng
Dù không chiếm đa số song cũng có đến hàng trăm ý kiến không đồng ý với nội dung chi để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể do Nhà nước giao cho các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty thành lập theo Quyết định 91, các ngân hàng thương mại.
Cụ thể, 88 đại biểu nói không với việc chi cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) 215 tỷ đồng để thực hiện chương trình cấp điện các thôn, buôn chưa có điện 5 tỉnh Tây Nguyên; dự án cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện là đồng bào Khơ Me thuộc tỉnh Bạc Liêu; dự án thủy lợi - thủy điện Quảng Trị.
107 ý kiến không tán thành chi cho Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) 50 tỷ đồng để thực hiện dự án Mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, nhà nước; mạng thông tin phục vụ công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai.
Việc Tổng công ty Đường sắt được chi 1.324 tỷ đồng để thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, như hiện đại hoá thông tin, tín hiệu đường sắt; nâng cao an toàn cầu trên các tuyến đường sắt Hà Nội - Tp.HCM; cải tạo nâng cấp một số tuyến đường sắt… cũng có 98 đại biểu không đồng tình.
Có ý kiến đề nghị ngân sách Trung ương dành một khoản từ 215 tỷ đồng định chi cho EVN để hỗ trợ đầu tư điện trung thế cho vùng sản xuất lúa đồng bằng sông Cửu Long. Ý kiến khác chỉ đồng ý chi cho VNPT vì tính chất hoạt động của tập đoàn này là công ích. Các tập đoàn khác đề nghị không chi.
Tương tự như với Petro Vietnam, đồng ý chi cho một số doanh nghiệp khác, song lưu ý là số kinh phí rất lớn, nhiều đại biểu cho rằng Chính phủ cần báo cáo với Quốc hội danh mục dự án đầu tư vào năm 2012 để Quốc hội xem xét.
Với yêu cầu giám sát chặt chẽ nguồn ngân sách cấp cho các đơn vị này, một số vị đại biểu đề nghị báo cáo trở lại theo thời gian 6 tháng, 1 năm đối với ủy ban chuyên môn của Quốc hội về thực trạng chi, hiệu quả chi từ nguồn ngân sách được cấp.
Theo quan điểm của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách, việc Chính phủ ghi vốn đầu tư phát triển cho các tập đoàn, tổng công ty thực chất không phải là nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư hỗ trợ cho các đơn vị này mà chỉ là nguồn vốn để các tập đoàn, tổng công ty thực hiện các nhiệm vụ cụ thể do Nhà nước giao.
Tuy nhiên, đa số ý kiến đề nghị để phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm sự thống nhất trong hạch toán và theo dõi, giám sát, nên ghi vốn các nhiệm vụ trên cho các bộ, ngành để thống nhất điều hành.
Có ý kiến đề nghị cần ghi rõ danh mục, số vốn cho từng dự án, công trình mà Chính phủ giao cho các tập đoàn, tổng công ty thực hiện; đồng thời cần tổ chức đấu thầu công khai, đảm bảo bình đẳng giữa các thành phần kinh tế khác.
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ giải trình các khoản chi cho các tập đoàn kinh tế như: chi trả nợ, viện trợ 2,7 tỷ đồng, chi lương hưu và đảm bảo xã hội 12,5 tỷ đồng, chi sự nghiệp kinh tế 15,92 tỷ đồng...
Tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2009, khi thông qua nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm nay, trước đề nghị của nhiều đại biểu không bố trí vốn đầu tư cho các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại Nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị không bố trí vốn đầu tư cho Tập đoàn Dệt may Việt Nam (10 tỷ đồng) và Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản (28 tỷ đồng) để bổ sung đầu tư cho các chương trình biển Đông, hải đảo.