“Của tốt” sao “nhà” không dùng?
05/11/2010 8:52:00 SATin trong nước

Cách đây ít lâu, chuyên mục “Góc nhìn Đại Đoàn kết” từng nêu ra chuyện nghịch lý nhập khẩu tăm tre. Ở một đất nước ngay cả trong “chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh”, lại bỏ ra cả đống ngoại tệ để nhập khẩu về những cây tăm tre nhỏ xíu. Ai dám bảo không... ngược đời?

Chưa hết, còn có “cả núi” những chuyện... ngược đời như thế, ở lĩnh vực xuất nhập khẩu hiện nay của chúng ta. Một cường quốc về xuất khẩu gạo, lại vẫn nhập gạo từ Thái Lan “về xài”. Một đất nước nông nghiệp ngàn đời và chính hiệu, lại nhập khẩu cả mấy triệu tấn ngô mỗi năm, thậm chí năm sau cao hơn năm trước gần nửa triệu tấn như hai năm 2009 và 2010. Hoặc 250.000 diêm dân với những tiềm năng cụ thể và những cánh đồng muối bất tận, theo cách tính toán của các chuyên gia kinh tế và trên thực tế, thừa sức lo đủ lượng muối phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước mà lại bỏ ngoại tệ mà đi nhập trung bình hơn 200.000 tấn muối công nghiệp mỗi năm khiến cho ngành muối và đời sống diêm dân thêm phần quặt quẹo, thoi thóp. Hay mới đây nhất là chuyện tồn kho hàng trăm ngàn tấn xăng dầu ở Nhà máy lọc dầu Dung Quất trong khi vẫn tiếp tục bỏ ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu!

Các phương tiện truyền thông báo chí, đặc biệt là truyền hình đã từng quay và phát sóng “hàng tá” cái cảnh hàng nông sản thực phẩm, thủy sản tươi sống của Việt Nam bị dồn ứ, tồn đọng đến hư hỏng phải đổ bỏ chất thành núi cao nơi nhiều cửa khẩu biên giới, thì cùng với đó cũng có hàng đoàn xe đầy ăm ắp rau quả thực phẩm từ bên kia biên giới lại nối đuôi nhau vào thị trường trong nước rồi tỏa đi các địa phương.

Rồi than đá - tài nguyên không tái tạo này cùng với nhiều loại khoáng sản khác, bấy lâu, khi thì âm thầm lén lút, có lúc lại ào ào... vượt biên, ngay cả khi chúng ta đã có quyết sách bảo vệ nghiêm ngặt và thậm chí phải nhập khẩu để cân đối tiêu dùng và đảm bảo an ninh năng lượng. Rồi câu chuyện về xuất khẩu gỗ ồ ạt và giá thấp trong những năm cuối của thế kỷ 20, đến bây giờ lại “méo mặt” đi nhập khẩu với giá cao ngất ngưởng từ Lào, Malaysia, Châu Phi... chẳng lẽ không là bài học còn nguyên tính thời sự “nhãn tiền”?

“Chở củi về rừng” chưa hẳn đã không đúng, thậm chí là cực đoan, khi nói về nhập khẩu một số mặt hàng của nước ta hiện nay. Nhưng nếu nói về “cây đũa” của “dàn nhạc” điều hành xuất nhập khẩu, thì rõ ràng có vấn đề. Vì vào mỗi kỳ sơ kết tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, một trong những chỉ tiêu được đông đảo các nhà quản lý và nhân dân quan tâm là mức nhập khẩu và tỷ lệ nhập siêu. Lâu nay, mức nhập khẩu và tỷ lệ nhập siêu luôn là số liệu ám ảnh, tiềm ẩn về một sự phát triển thiếu ổn định, mạnh ai nấy làm, “sống chết mặc bay...” ?

Quy luật cung cầu đã chỉ ra rằng, hàng hóa có tiêu thụ được thì doanh nghiệp mới nhập khẩu. Xét về hiệu quả kinh doanh, các nhà doanh nghiệp không hề có lỗi khi nhập khẩu hàng hóa. Xét về nhu cầu tiêu dùng, thì người dân cũng không hề có lỗi. Khi hàng hóa trên thị trường phong phú, đa dạng, người tiêu dùng có quyền lựa chọn hàng hóa phù hợp với nhu cầu của mình, trong đó có nhu cầu tiêu dùng hàng nhập khẩu. Nhưng nếu ai nhập cứ nhập, ai xuất cứ xuất, bất biết hậu quả sẽ ra sao đối với nền kinh tế và đời sống dân sinh về mặt chiến lược lâu dài, trong khi đó “cây đũa” điều hành còn bất cập, thì không chỉ thuần tuý là chúng ta sẽ bị “chảy máu ngoại tệ” mà còn làm cho “bản đồ” kinh tế thêm phần phức tạp, rối ren, thậm chí sẽ trả giá đắt!

Nhìn gần thực tại hơn, xin đừng để hàng hoá sản xuất trong nước, đạt tiêu chuẩn và đẳng cấp không kém gì nhập khẩu (có loại còn cao hơn), bị chất đống ngoài đồng và bị ứ đọng đến mục nát trong kho, trong bãi. Như thế, cũng được coi là có tội với nhân dân, là lạnh lùng và vô cảm với nền kinh tế đất nước!

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
20.300
Xăng RON 95 - III
19.760
Xăng E5 RON 92 - II
18.940
Dầu DO 0,05S 17.040
Dầu DO 0,001S - V 17.470

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 19/9/2024

Giá dầu thô Brent