Sau vụ gian lận ở cây xăng số 47 đường Phạm Văn Ðồng (Hà Nội) bị cơ quan chức năng phát hiện sử dụng hệ thống chip được đấu nối tinh vi bằng dây dẫn chôn ngầm dưới mặt đất, dẫn vào phòng điều hành phía trong cây xăng. Theo đó cứ 10 lít xăng bán ra, người mua bị hụt đi 0,75 lít, 'vô tình' người tiêu dùng bị 'móc túi' khoảng 1.200 đồng/lít và bình quân một ngày chủ cây xăng thu lợi bất chính hơn bốn triệu đồng, 120 triệu đồng mỗi tháng. Theo phản ánh, chuyện bơm thiếu xăng có từ lâu nên nhiều người dân khu vực này đành phải đi xa, không dám mua xăng ở đây.
Thượng tá Ðinh Cao Thành, Phó Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội cho rằng, trong việc mua bán xăng, dầu, khách hàng rất khó phát hiện được gian lận nhưng chúng tôi cũng lưu ý khách hàng khi mua hàng đối với các cửa hàng xăng, dầu nói chung ở khu vực TP Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận thì mình cũng phải cảnh giác xem xét việc đó, trên cơ sở đó giúp các cơ quan chức năng làm công tác phòng ngừa cho tốt. Ðối với cơ quan chức năng tôi nghĩ rằng phải thường xuyên kiểm tra, kể cả kiểm tra đột xuất để ngăn ngừa các vụ việc.
Theo quy định của Tổng cục Tiêu chuẩn và Ðo lường chất lượng, dung sai cho phép đối với đồng hồ đo dung tích trên cột bơm xăng nằm trong khoảng 0,5%, nhưng tại cây xăng số 47 đường Phạm Văn Ðồng sai số tăng gấp 15 lần quy định cho phép. Thống kê sơ bộ, Hà Nội hiện có hơn 400 cây xăng, mỗi năm Thanh tra Sở Khoa học công nghệ chỉ kiểm tra được một lần trong năm, ngoài việc kiểm tra đột xuất. Trong khi đó, mức phạt tối đa hành vi vi phạm về đo lường chất lượng hàng hóa là 30 triệu đồng, chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn hành vi gian lận.
Hành vi gian lận ở các cây xăng ngày một tinh vi, trong khi đó, lực lượng thanh tra khoa học công nghệ quá mỏng, chỉ có tám người kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau. Qua vụ việc gian lận ở cây xăng 47 Phạm Văn Ðồng, và một số nơi khác, Thanh tra khoa học công nghệ và các cơ quan liên quan cần rút kinh nghiệm và xử lý nghiêm khắc.
Ðể ngăn chặn tình trạng gian lận xăng dầu, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra hoạt động của các cây xăng, dầu và việc kiểm tra phải tiến hành đột xuất để ngăn ngừa, phát hiện hành vi gian lận. Ðồng thời rất cần sự hợp tác của người dân phát hiện, tố giác và các cơ quan chức năng cần có số điện thoại nóng để người tiêu dùng có thể gọi đến thông báo về gian lận xăng, dầu.
Qua những vụ, hành vi gian lận xăng, dầu vừa qua, người tiêu dùng Hà Nội cũng như các địa phương khác vẫn chưa thể yên tâm. Vì vậy, ngoài các biện pháp kiểm tra của các cơ quan chức năng thì người tiêu dùng cũng tự bảo vệ mình khi mua xăng, dầu bằng các cách như mua xăng theo dung tích, hoặc nên mua ở những nơi có uy tín, và so sánh giữa các lần mua xăng, không mua xăng khi có hai người cùng thao tác và phải yêu cầu nhân viên chuyển đồng hồ về không trước khi bơm...