|
Hình minh họa. Nguồn ảnh: Internet |
Tổng cộng đã có 2.676 giếng khí trên mỏ được đưa vào sản xuất từ đầu năm nay, với sản lượng 31 triệu m3/ngày, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mỏ Sulige được phát hiện từ năm 2006, nằm ở vùng bồn trũng Ordos, khu tự trị Nội Mông, có trữ lượng đã được kiểm chứng trên 700 tỷ m3 khí. Mỏ khí Sulige là một phần của mỏ dầu Changquing. Theo kế hoạch của CNPC, sản lượng dự kiến của mỏ Changquing sẽ đạt 35 triệu tấn dầu và khí tự nhiên trong năm nay và 50 triệu tấn dầu và khí tự nhiên vào năm 2015.
Nga có thể sẽ xóa bỏ thuế xuất khẩu dầu thô đối với Belarus từ năm 2012
Hãng tin RIA dẫn lời Thứ trưởng Bộ Tài chính Nga Sergei Shatalov cho biết Nga sẽ xem xét việc xóa bỏ thuế xuất khẩu dầu thô đối với Belarus bắt đầu từ năm 2012, đổi lại, sẽ thu các loại thuế xuất khẩu sản phẩm dầu mỏ mà Belarus nhận được từ nước này.
Theo thỏa thuận hồi tháng 1/2010 giữa Nga và Belarus, hàng năm, Belarus nhận được dầu mà không phải thanh toán phí xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu cần thiết trong nước. Năm nay nước này cũng được nhận 6,3 triệu tấn dầu miễn thuế.
Thuế xuất khẩu dầu đã được áp dụng đối với Belarus, vì khi nhà máy lọc dầu Belarus mua dầu theo giá thị trường trong nước của Nga, sau đó lại bán các sản phẩm dầu tinh chế vào châu Âu. Vì vậy, Nga sẽ áp thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm dầu mỏ được nhập vào Belarus.
Trước đó, hồi tháng 6 vừa qua, Belarus đã đề nghị Nga dỡ bỏ thuế xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu khí.
Ba Lan hoãn thông qua thỏa thuận khí đốt với Nga
Tờ Rzeczpospolita của Ba Lan dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế Ba Lan - ông Valdemar Pavlyak hôm 20/10 cho biết chính phủ nước này sẽ thông qua thỏa thuận với Nga về cung cấp khí đốt với điều kiện nhận được mức giảm giá 10% cho lượng khí đốt bổ sung mà Nga sẽ cung cấp cho Ba Lan theo dự thảo thỏa thuận
Theo dự thảo thỏa thuận kéo dài đến năm 2022 giữa Nga - Ba Lan, được thống nhất ngày 17/10 tại Moscow trên cơ sở đàm phán ba bên: đại diện Chính phủ Nga, Chính phủ Ba Lan và đại diện Ủy ban châu Âu, việc gia hạn hợp đồng sẽ xem xét khả năng tăng lượng cung cấp khí đốt của Nga cho Ba Lan từ 9 tỷ m3 lên 11 tỷ m3/năm. Tuy nhiên, để có hiệu lực, hợp đồng mới cần phải được ký kết ở cấp chính phủ cũng như giữa hai công ty Gazprom-Export của Nga và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ba Lan (PGNiG).
Cũng theo Bộ trưởng Pavlyak, thỏa thuận này cần được ký trước chuyến thăm Ba Lan của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev vào tháng 12 tới.
Chevron công bố dự án nước sâu tại vịnh Mexico
Chỉ vài ngày sau khi Chính phủ Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm khoan thăm dò dầu khí ở vùng nước sâu đã áp đặt tạm thời sau vụ tràn dầu ở vịnh Mexico, gã khổng lồ năng lượng của nước này - Chevron đã công bố một dự án nước sâu nhiều tỷ USD tại vịnh Mexico.
Chevron cho biết sẽ đầu tư 7,5 tỷ USD để phát triển các dự án Jack và St Malo ở độ sâu 7.000 feet, khoảng 280 dặm về phía nam của các bang New Orleans, Louisiana. Các dự án dự kiến sẽ khởi động vào năm 2014, bao gồm 3 giàn khoan được kết nối với một giàn trung tâm có công suất sản xuất 170 nghìn thùng dầu và 42,5 triệu feet khối khí tự nhiên mỗi ngày. Chevron ước tính, các mỏ có trữ lượng thu hồi tổng cộng 500 triệu thùng.
Chính phủ Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm khoan thăm dò dầu khí ở vùng nước sâu vào hôm 12/10 mặc dù chưa hết thời gian hiệu lực của lệnh là 30/11. Các công ty dầu lớn khác như Hãng dầu Hoàng gia Hà Lan Shell, cũng đã thể hiện rõ ý định sẽ tiếp tục khoan nước sâu ở Vịnh ngay khi được Chính phủ Mỹ sẽ cấp giấy phép.
Nga sẽ bán 15% cổ phần trong Rosneft trong kế hoạch cân bằng thâm hụt ngân sách
Nga có kế hoạch bán 15% cổ phần trong Rosneft - Công ty dầu mỏ lớn nhất nước trong kế hoạch tư nhân hóa gần 900 doanh nghiệp trong vòng 5 năm tới đã được Chính phủ phê duyệt, nhằm nhận được khoảng 1,8 nghìn tỷ ruble (tương đương 59 tỷ USD) từ việc bán vốn đầu tư để cân bằng thâm hụt ngân sách, Phó Thủ tướng thứ nhất của Nga - ông Igor Shuvalov cho biết.
Trong giai đoạn 2013 - 2015, Nhà nước sẽ giảm 50% cố phần tại công ty này. Sau đó, Chính phủ dự định sẽ hoàn toàn từ bỏ kiểm soát Rosneft. Trong khi đó, một số doanh nghiệp nhà nước, bao gồm Tập đoàn ống dẫn dầu Transneft, Tập đoàn Dầu khí Zarubezhneft và HMLA vẫn chưa có trong danh sách tư nhân hóa.
CNOOC xây dựng trạm nạp LNG thứ 4 ở phía Nam Trung Quốc
Tân Hoa xã đưa tin hôm 21/10 cho biết, Công ty TNHH Dầu khí ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC) đã bắt đầu xây dựng trạm nạp LNG thứ 4 ở thành phố Chu Hải, phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).
Trạm nạp LNG này sẽ nhận được 3,5 triệu tấn LNG một năm sau khi các hạng mục đợt đầu của dự án bao gồm 3 bồn chứa LNG, một cầu tàu và 291 km đường ống dẫn với tổng vốn đầu tư 11,3 tỷ yuan (tương đương 1,7 tỷ USD) được đưa vào hoạt động vào tháng 9/2013. Trạm sẽ cung cấp cung cấp khí đốt tới các thành phố Quảng Châu, Phật Sơn, Trung Sơn, Chu Hải và Giang Môn ở khu vực đồng bằng châu thổ sông Pearl.
Công suất xử lý của trạm nạp sẽ được tăng 7 triệu tấn khi các hạng mục của giai đoạn II của dự án hoàn thành và cuối cùng là mở rộng lên 12 triệu tấn.
CNOOC đã đưa vào hoạt động 3 trạm nạp LNG tại Thượng Hải, Quảng Đông và Phúc Kiến. Công ty cũng có kế hoạch xây dựng 9 trạm nạp LNG khác tại các vùng ven biển Trung Quốc với tổng công suất xử lý hàng năm lên tới hơn 30 triệu tấn.
Kuwait có thêm 12 tỷ thùng dầu nhờ gia tăng trữ lượng tại mỏ Greater Burgan
Tờ Al-Jarida của Kuwait mới đây đã dẫn một báo cáo nghiên cứu về việc gia tăng trữ lượng tại mỏ dầu lớn nhất Kuwait - Greater Burgan. Theo đó, trữ lượng dầu tại mỏ Greater Burgan lớn hơn nhiều con số trước kia đã công bố và sẽ bổ sung vào dự trữ dầu của quốc gia OPEC này 12 tỷ thùng dầu.
Đại diện Công ty Dầu mỏ Kuwait (KOC) từ chối bình luận về báo cáo này. Tuy nhiên, trước đó, ông Sami Al-Rushaid - Chủ tịch KOC đã cho Reuters biết hôm 19/10 tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Đông rằng Kuwait hy vọng trữ lượng dầu mỏ của nước này sẽ được bổ sung một lượng lớn vào tháng 3/2011 và con số bổ sung này sẽ đến từ Greater Burgan.
Greater Burgan là khu mỏ dầu lớn thứ 2 thế giới, bao gồm các mỏ Burgan, Magwa và Ahmadi. Theo số liệu của Mỹ, khu mỏ có trữ lượng 70 tỷ thùng dầu và chiếm khoảng 70% trong tổng số 101,5 tỷ thùng dầu dự trữ của Kuwait. Đây là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ tư thế giới và đang có kế hoạch tăng công suất sản lượng dầu lên 4 triệu thùng/ ngày vào năm 2020.
Gazprom có thể tham gia vào dự án đường ống dẫn khí đốt TAPI
Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga có thể sẽ tham gia dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Turkmenistan đến Pakistan và Ấn Độ thông qua Afghanistan, Phó Thủ tướng Nga Igor Sechin cho biết hôm 22/10/2010.
Turkmenistan - quốc gia sở hữu nguồn dự trữ khí đốt tự nhiên lớn thứ tư của thế giới và là nhà sản xuất khí đốt lớn nhất Trung Á đang tìm cách nối lại kế hoạch xây dựng các đường ống TAPI (Turkmenistan - Afghanistan - Pakistan - Ấn Độ) đã bị trì hoãn bởi cuộc chiến ở Afghanistan. Đây là nỗ lực của Turkmenistan nhằm đa dạng hoá các tuyến đường xuất khẩu và giảm bớt sự phụ thuộc vào đối tác truyền thống Nga - một trong những khách hàng mua khí lớn nhất của Turkmenistan.
Ông Igor Sechin cũng cho biết trong chuyến thăm của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tới Turkmenistan, vai trò của Nga trong dự án này đã được đem ra thảo luận. Gazprom có thể tham gia vào dự án trong bất kỳ vai trò nào: xây dựng, thiết kế hay góp vốn…
Trước đó, hôm 20/9, hiệp định khung về dự án đường ống dẫn khí đốt TAPI đã được 4 nước Turkmenistan, Afghanistan, Pakistan và Ấn Độ ký kết tại Turkmenistan.