Tổng quan về nhà máy lọc dầu Dung Quất
25/10/2010 8:52:00 SATin trong nước

Trên dải đất miền trung còn nghèo và nhiều gian khó, những năm trước đây, Quảng Ngãi chỉ mới được biết đến như là quê hương cách mạng, kiên cường, anh dũng trong chống thực dân Pháp với những chiến công của Ðội du kích Ba Tơ, của chiến thắng Vạn Tường trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Kinh tế của tỉnh dựa hẳn vào sản xuất nông nghiệp, đánh bắt thủy sản ven bờ. Nhưng vài ba năm gần đây, Quảng Ngãi trở thành điểm nhấn về phát triển kinh tế của cả nước với cụm công nghiệp lọc hóa dầu Dung Quất đặt tại huyện Bình Sơn.

Công trình trọng điểm quốc gia

Nhà máy lọc dầu Dung Quất là công trình trọng điểm quốc gia, được Chính phủ giao cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) triển khai thực hiện tại Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi với số vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD, có công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, khi đi vào vận hành sẽ đáp ứng hơn 30% nhu cầu sử dụng xăng dầu trong cả nước.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất - công trình trọng điểm quốc gia (Ảnh: Báo Quãng Ngãi)

Năm 1997, dự án được triển khai theo Quyết định 514/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Giai đoạn từ cuối năm 1998 đến 2003, chúng ta hợp tác với Nga để xây dựng nhà máy theo tỷ lệ góp vốn 50/50. Tháng 2-2003, dự án chính thức do Việt Nam tự đầu tư 100% vốn, khẳng định tinh thần tự chủ dám làm của cán bộ, công nhân viên ngành dầu khí.

Tháng 6-2005, hợp đồng EPC (thiết kế, mua sắm, xây dựng và chạy thử) gói 1+4 do PetroVietnam ký với Tổ hợp nhà thầu Technip có hiệu lực, tiến độ tổng thể của dự án là 44 tháng. Ngày 28-11-2005, lễ khởi công các gói thầu EPC 1+2+3+4 được Tổ hợp nhà thầu Technip phối hợp với PetroVietnam tổ chức tại công trường xây dựng nhà máy.

Ðể bảo đảm tiến độ xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, bắt đầu từ giữa năm 2005, công tác thiết kế được tiến hành đồng bộ tại bốn trung tâm lớn của Tổ hợp nhà thầu TPC: Pa-ri (Pháp), Y-ô-kô-ha-ma (Nhật Bản), Ma-đrit (Tây Ban Nha) và Cu-a-la-lăm-pơ (Ma-lai-xi-a). Việc đặt hàng các hạng mục thiết bị quan trọng, cần có thời gian chế tạo dài ngày cũng đã được tiến hành.

Cũng trong thời gian này, việc xử lý mặt bằng nhà máy và khởi công xây dựng các hạng mục phụ trợ, kết cấu hạ tầng phục vụ công tác thi công được Tổ hợp nhà thầu TPC và các nhà thầu phụ tiến hành khẩn trương. Quá trình thực hiện dự án từ năm 2005 đến thời điểm nhận bàn giao nhà máy đã gặp nhiều khó khăn, thử thách liên quan đến thiết kế kỹ thuật, thời tiết, điều kiện địa chất, thị trường và nguồn nhân lực. Ðây cũng là lần đầu chúng ta xây dựng một nhà máy lọc hóa dầu với công nghệ hiện đại, tổng mức đầu tư lớn nhất so với các dự án trọng điểm quốc gia khác tại thời điểm đó.

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ðảng và Chính phủ, các bộ, ngành và cơ quan Trung ương, sự phối hợp chặt chẽ của tỉnh Quảng Ngãi, cộng với những nỗ lực vượt bậc của chủ đầu tư cùng hàng vạn cán bộ, kỹ sư, chuyên gia, công nhân thuộc các nhà thầu trong nước và quốc tế, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã được hoàn thành và đưa vào vận hành đúng tiến độ, cho ra dòng sản phẩm thương mại đầu tiên vào ngày 22-2-2009. Từ tháng 2-2009 đến 30-5-2010, chủ đầu tư và nhà thầu tập trung cho công tác chạy thử, chạy nghiệm thu và bàn giao nhà máy.

Ðể chuẩn bị cho việc vận hành nhà máy, ngành dầu khí đã triển khai và hoàn thành kế hoạch đào tạo và chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu vận hành nhà máy. Sau 5 năm, các chương trình đào tạo chuyên sâu cho kỹ sư vận hành tại Công ty UOP (Mỹ), Nhà máy lọc dầu Melaka (Ma-lai-xi-a), In-đô-nê-xi-a và Liên bang Nga đã cơ bản kết thúc. Công tác đào tạo vận hành tại nhà máy do nhà thầu Petroconsult (Ru-ma-ni) thực hiện đã hoàn thành vào tháng 11-2009.

Chương trình đào tạo theo hợp đồng EPC do Technip đảm nhận cũng đã được hoàn thành trong quá trình chạy thử và chạy nghiệm thu nhà máy. Tổng số CBCNV hiện nay là 1.346 người, trong đó kỹ sư vận hành và công nhân kỹ thuật trực tiếp là 869 người, còn lại 477 CBCNV thuộc các phòng chuyên môn nghiệp vụ gián tiếp. CBCNV là người Quảng Ngãi chiếm 48,3% tổng số CBCNV của Công ty TNHH một thành viên lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).

Ðồng chí Nguyễn Hoài Giang, Tổng Giám đốc Công ty BSR cho biết: 'Cán bộ, công nhân viên của nhà máy đã vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu vận hành, bảo dưỡng, quản lý nhà máy'.

Ðạt chất lượng và hiệu quả cao

Ban quản lý dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Công ty TNHH một thành viên lọc hóa dầu Bình Sơn đã cùng với Tổ hợp nhà thầu TPC và Tư vấn quản lý dự án hoàn thành chạy thử và chạy nghiệm thu nhà máy. Các phân xưởng của nhà máy đã được đưa vào hoạt động ổn định ở 100% công suất thiết kế. Nhà máy đã sản xuất được toàn bộ các chủng loại sản phẩm theo thiết kế.

Các sự cố kỹ thuật phát sinh trong quá trình vận hành đã được các bên kiểm tra, kết luận nguyên nhân và xử lý khắc phục theo đúng quy trình, bảo đảm cho việc chạy nghiệm thu an toàn. Toàn bộ 901 quy trình vận hành, 76 quy trình bảo dưỡng, 90 quy trình an toàn đã được ban hành, bảo đảm nhà máy vận hành chính xác an toàn đạt hiệu quả cao.

Kết quả sản xuất, kinh doanh của nhà máy từ ngày 1-1-2010 đến 20-10-2010: Nhập khoảng 4,7 triệu tấn dầu thô; sản xuất 4,4 triệu tấn sản phẩm các loại đạt chất lượng. Dự kiến đến hết năm 2010, nhà máy sẽ nhập hơn 6,1 triệu tấn dầu thô và sản xuất khoảng 5,7 triệu tấn sản phẩm các loại, ước đạt doanh thu 86 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước và các khoản thuế hơn 10 nghìn tỷ đồng; cao hơn nhiều so với chỉ tiêu chính của kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2010 là sản xuất 4,76 triệu tấn sản phẩm các loại, đạt doanh số hơn 62 nghìn tỷ đồng.

Ðồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Nguyễn Hòa Bình cho biết: 'Dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang là hạt nhân công nghiệp tại khu vực miền trung, tạo đà cho phát triển toàn diện các ngành công nghiệp và kinh tế không chỉ của tỉnh Quảng Ngãi mà còn của khu vực, bảo đảm cho sự phát triển kinh tế cân đối giữa các vùng, miền của đất nước. Ðây là minh chứng hết sức sinh động cho một chủ trương đúng đắn của Ðảng, Quốc hội, Chính phủ trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế đất nước.

Công tác an sinh xã hội

Trong 12 năm qua kể từ năm 1998, năm triển khai dự án, cán bộ, công nhân viên ngành dầu khí đã luôn quan tâm, đồng hành cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi trong công tác giải phóng mặt bằng triển khai xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Theo thỏa thuận tại cuộc họp ngày 21-7-2009 giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi, Tập đoàn sẽ dành kinh phí hỗ trợ bao gồm: Hỗ trợ nhằm ổn định đời sống 1.400 hộ dân trong diện di dời để làm NMLD Dung Quất: 70 tỷ đồng. Ðầu tư nâng cấp đường sá, trạm y tế và hạ tầng phục vụ dân sinh tại hai khu tái định cư là Gò Ðường (Bình Thanh Tây) và Ðông Hòa (Tịnh Hòa): 40 tỷ đồng. Ðầu tư xây dựng đường giao thông, trụ sở thôn, trường học tại khu tái định cư phía tây sông Trà Bồng: 20 tỷ đồng. Ðầu tư xây dựng các khu dịch vụ, thương mại, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất nông lâm ngư nghiệp, đào tạo và giải quyết việc làm... cho các hộ dân trong diện thu hồi đất trên địa bàn khu Kinh tế Dung Quất: 30 tỷ đồng và có thể đến 70 tỷ đồng. Hỗ trợ xây dựng 12.744 căn nhà đại đoàn kết cho sáu huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi: hơn 89 tỷ đồng. Hỗ trợ 2.300 áo ấm cho người cao tuổi tại sáu huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi (do Công đoàn DKVN thực hiện). Hỗ trợ xây dựng bể nước ngọt tại xã An Bình, huyện đảo Lý Sơn: 2 tỷ đồng (dự kiến do Ðoàn Thanh niên Tập đoàn thực hiện).

Với gần 300 tỷ đồng mà Tập đoàn Dầu khí đã hỗ trợ thực hiện công tác an sinh xã hội, bộ mặt kinh tế - xã hội ở các địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi đã đổi thay. Các khu đô thị mới đang mọc lên, đời sống nhân dân được cải thiện, cơ bản thoát nghèo, vươn lên làm giàu bằng việc cung cấp các dịch vụ cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Dấu ấn của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Dự án xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất là hoạch định chiến lược cực kỳ quan trọng của Ðảng và Chính phủ đối với việc hình thành ngành công nghiệp lọc hóa dầu của Việt Nam cũng như chính sách đầu tư phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền trung và của tỉnh Quảng Ngãi. Việc xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã và đang tạo nên động lực hết sức quan trọng thúc đẩy các nhà đầu tư trong nước và quốc tế triển khai các dự án thuộc các lĩnh vực công nghiệp chế tạo máy, hóa chất, cơ khí, đóng sửa tàu biển, luyện cán thép, vận tải, du lịch và dịch vụ…

Khu kinh tế Dung Quất với hệ thống cảng biển nước sâu và vịnh kín gió với quy hoạch đầu tư như hiện nay đã tạo nên một địa thế chiến lược, bảo đảm cho việc hình thành hệ thống phòng thủ ven biển, bảo vệ các khu vực đặc quyền kinh tế và hỗ trợ các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam. Việc bàn giao, nghiệm thu và đưa Nhà máy lọc dầu Dung Quất vào vận hành có ý nghĩa rất to lớn, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Ðảng và Chính phủ, giữ đúng lời hứa với Quốc hội, với Ðảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi cũng như nhân dân cả nước.

Ðồng chí Ðinh La Thăng, Ủy viên T.Ư Ðảng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, khẳng định: 'Việc Nhà máy lọc dầu Dung Quất có sản phẩm thương mại đầu tiên từ tháng 2-2009 đã đánh dấu một mốc son quan trọng trong lịch sử của ngành dầu khí, là nền móng đầu tiên cho sự phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu, đáp ứng mục tiêu của chiến lược phát triển ngành dầu khí giai đoạn 2005 - 2015, tầm nhìn 2025 đã được Bộ Chính trị kết luận và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng của quốc gia, đồng thời hoàn chỉnh đồng bộ các hoạt động dầu khí, từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí đến chế biến lọc - hóa dầu, chế biến khí và các dịch vụ dầu khí liên quan khác'.

Sắp tới đây, bên cạnh Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ có thêm các nhà máy phụ trợ, tận thu các phụ phẩm từ dầu để sản xuất các sản phẩm phục vụ sản xuất công nghiệp và xuất khẩu. Toàn ngành dầu khí đang chuẩn bị giai đoạn II mở rộng, nâng công suất Nhà máy lọc dầu Dung Quất lên đến 10 triệu tấn/năm.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
20.300
Xăng RON 95 - III
19.760
Xăng E5 RON 92 - II
18.940
Dầu DO 0,05S 17.040
Dầu DO 0,001S - V 17.470

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 19/9/2024

Giá dầu thô Brent