"Ế" xăng dầu made in Việt Nam: Lỗi tại dự báo hay điều hành?
21/10/2010 10:24:00 CHTin trong nước

Tồn kho, không có chỗ chứa, không tiêu thụ được nhưng vẫn phải sản xuất vì không thể dừng nhà máy, đó là thực trạng xăng dầu “Made in Việt Nam” tại nhà máy lọc dầu Dung Quất (NMLD). Theo dự báo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), với tình hình sản xuất và tiêu thụ như hiện nay, lượng tồn kho đến cuối năm vào khoảng 730.000 tấn. Vậy những nguyên nhân nào khiến xăng dầu Dung Quất... nằm kho?

Xăng dầu tồn kho của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ phải xử lý ra sao khi các kho chứa liệu đã đầy và giải pháp tiêu thụ như thế nào đang là một “mớ bòng bong” đối với các bên liên quan trong mấy ngày qua. Điều này một lần nữa cho thấy cả nhà quản lý lẫn các DN trực tiếp làm xăng dầu vẫn còn đang lúng túng trong việc điều hành, xử lý một vấn đề mà theo nhiều người thì nó còn dễ hơn so với việc xây một nhà máy lọc dầu.

Cần minh bạch trong tiêu thụ

Theo nhận định chung của các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối, mặc dù việc cân đối nhập xăng của NMLD Dung Quất và khối lượng nhập khẩu đã được Bộ Công Thương đưa ra cách đây khá lâu, tuy nhiên thời gian đầu, việc sản xuất của nhà máy này đã không ổn định.

Thêm vào đó là thông tin về tiến độ hoàn thành nhà máy không xác định là bao giờ, nên để đảm bảo nhu cầu tiêu thụ xăng trong nước, các Cty đã nhập khẩu xăng dầu trên thế giới. Việc kí kết nhập khẩu thông thường được làm từ đầu năm và kế hoạch nhập hàng là cho cả năm để hạn chế thấp nhất những rủi ro do biến động về giá. Chính vì vậy, không thể đổ lỗi cho các DN kinh doanh xăng dầu được.

Được biết, hiện tại, NMLD Dung Quất đang tồn một lượng lớn xăng và dầu các loại do nhà máy sản xuất. Nguyên nhân là do loại xăng dầu này không bán được tại thị trường VN. PVN cũng đã đưa ra các giải pháp để giải quyết xăng dầu tồn đọng như: cắt giảm sản lượng sản xuất, xây thêm kho để tăng lượng tồn kho...

Tàu đang ăn dầu tại nhà máy Lọc Dầu Dung Quất

Tuy nhiên, theo TGĐ của PVN Phùng Đình Thực để giải bài toán xăng dầu tồn kho cần phải kích cầu tiêu thụ xăng dầu sản xuất trong nước tăng lên. Trong bối cảnh VN đang nhập siêu và PVN luôn phấn đấu để tăng công suất NMLD Dung Quất thì không nên giảm cung từ giảm sản xuất. Cho nên giảm cung bằng cách giảm nhập khẩu là giải pháp nên làm ngay. Và về lâu dài, cần phải tăng diện tích các kho chứa. Nhưng hiện nay, nhiều DN đầu mối vẫn còn diện tích kho chứa trống nên cần phải làm việc với các DN này để tăng sức chứa lên.

Hơn nữa, để tránh hiện tượng tồn kho trong khi vẫn phải nhập khẩu xăng dầu, gây sức ép lên ngoại tệ. Bộ Công Thương đã chỉ đạo, các DN trong nước phải tăng mức tiêu thụ sản phẩm trong nước để giảm nhập khẩu.

Mặc dù PVN đã mời các DN nhập khẩu cùng hợp tác để tiêu thụ sản phẩm xăng dầu Dung Quất, nhưng một số đơn vị như: TCty dầu VN, Công ty thương mại kĩ thuật và đầu tư Petec, TCty xăng dầu Petrolimex cho đến nay cũng chỉ cam kết tiêu thụ một lượng hạn chế xăng dầu Dung Quất.

Tuy nhiên, một chuyên gia kinh tế cho rằng, việc dùng mệnh lệnh hành chính để hạn chế nhập khẩu là điều không thể. Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng cho rằng: “Hãy chỉ rõ cho người dân biết lượng hàng tồn kho có "cân đối" với đầu vào (dầu thô) của nhà máy hay không?”.

Tồn kho vì dự báo kém hay điều hành kém?

Để xăng dầu VN bán được trên thị trường nội địa, PVN cần phải công khai, minh bạch trong việc phân phối sản phẩm, tránh tình trạng độc quyền, một bên cung ứng và chỉ có một bên tiêu thụ, khi xảy ra tình trạng như hiện nay lại đổ lỗi tại cơ chế hay dự báo.

Theo đại diện PVN, việc tồn đọng xăng dầu Dung Quất có nguyên nhân từ việc sản lượng xăng dầu của NMLD Dung Quất tăng 25% so với kế hoạch trong khi nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước năm 2010 lại thấp hơn so với dự báo mức tăng 10% hồi đầu năm nay. Tuy nhiên, đây là tình trạng “bất khả kháng” bởi đến cuối năm 2009, NMLD Dung Quất vẫn chưa vận hành ổn định, chưa được Tổ hợp nhà thầu Technip bàn giao nên PVN chỉ dự báo sản lượng sản xuất của Dung Quất đạt 80% trong năm 2010.

Tuy nhiên, từ khi nhận bàn giao vào ngày 30/5/2010, nhà máy lại hoạt động 100% công suất suốt từ đó đến nay. Cũng theo số liệu báo cáo 9 tháng đầu năm, Tổng công ty dầu VN (PV Oil) đã nhập khẩu 765 nghìn tấn xăng dầu các loại, trong khi đó, NMLD Dung Quất lại tăng sản lượng với xăng và dầu DO.

Qua đây cho thấy, công tác dự báo thị trường cập nhật thông tin còn chậm, nhất là trong việc thay đổi kế hoạch điều hành sản xuất của chính NMLD Dung Quất và kế hoạch nhập khẩu xăng dầu của PV Oil. Cũng theo số liệu báo cáo nêu trên có thể thấy, tình trạng tồn đọng xăng dầu Dung Quất còn xuất phát từ tình trạng phối hợp lỏng lẻo giữa nhà sản xuất và các đầu mối tiêu thụ xăng dầu, nhất là trong giai đoạn chuyển từ vận hành thử nghiệm sang vận hành ổn định.

Câu chuyện tồn kho xăng dầu Dung Quất trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu trong nước nếu đạt 100% công suất thiết kế mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tiêu thụ nội địa, 70% nguồn cung phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu được coi là một nghịch lý. Hơn nữa, việc các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu không tiêu thụ hết nguồn xăng dầu trong nước, trong khi vẫn bỏ ngoại tệ nhập khẩu xăng dầu làm tỷ lệ nhập siêu cao, không phát huy được năng lực đầu tư trong nước. Đây là bài học về quản lí và điều hành thị trường xăng dầu.

Lượng xăng dầu tồn kho lớn của nhà máy lọc dầu Dung Quất là hệ lụy tất yếu từ sự bị động trong kế hoạch sản xuất của Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Thiết nghĩ, điều này cũng cho thấy những hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Công thương. Việc tiêu thụ lượng xăng dầu tồn kho của Nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện nay là rất khó. Nhưng dù khó thế nào thì các nhà quản lý của Bộ Công thương và lãnh đạo Tâp đoàn PVN vẫn phải tìm cách giải quyết cho ổn thỏa.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú:

"2 tác động lớn khiến cho nguồn cung xăng dầu trên thị trường nội địa tương đối dồi dào, thứ nhất là do nhà máy lọc dầu Dung Quất tăng 25% sản lượng so với kế hoạch năm, thứ hai là nhu cầu tiêu thụ cũng thấp hơn từ 8 - 10% so với dự báo hồi đầu năm 2010. Hơn nữa, rút kinh nghiệm từ năm 2009, sản xuất xăng dầu của NMLD Dung Quất không ổn định, thấp hơn dự kiến nên các DN đầu mối ngay từ đầu năm 2010 đã triển khai ký hợp đồng nhập khẩu theo đúng chỉ tiêu đã giao."

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa:

"Yêu cầu Petro Vietnam và Cty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn làm việc cụ thể với từng DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu, đặc biệt là TCty xăng dầu VN (Petrolimex) về kế hoạch sản xuất, phương án tiêu thụ; tận dụng tối đa các kho xăng dầu đầu mối để chứa sản phẩm của nhà máy và báo cáo kết quả về Bộ, chậm nhất là ngày 15/10.

Yêu cầu Petro Vietnam cần sớm có phương án điều chỉnh việc tổ chức tiêu thụ sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất một cách hợp lý, minh bạch, hiệu quả và đảm bảo công bằng cho tất cả các DN."

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường, Bộ Tài chính Vũ Đình Ánh:

"Tình trạng tồn kho lớn của nhà máy lọc dầu Dung Quất là do chưa xử lý được hai vấn đề lớn.

Thứ nhất là kế hoạch sản xuất của nhà máy liên tục bị chậm khiến các doanh nghiệp phải chủ động nhập khẩu xăng dầu.

Thứ hai là giá bán xăng dầu của nhà máy lọc dầu Dung Quất chưa được tính toán chính xác, trong khi đó, chất lượng xăng dầu cũng chưa được kiểm định. Sản phẩm dầu mazút của Dung Quất chưa đạt một số chỉ tiêu chất lượng. Thậm chí, đối với nhiên liệu bay Z A1 thì nhà quản lý còn chưa làm đủ thủ tục đăng ký để tiêu thụ nội địa (dù Vietnam Airlines tuyên bố sẽ ưu tiên mua, sử dụng)."

TS Nguyễn Minh Phong - Viện Kinh tế - xã hội Hà Nội:

"Để xăng dầu VN bán được trên thị trường nội địa, PVN cần phải công khai, minh bạch trong việc phân phối sản phẩm, tránh tình trạng độc quyền, một bên cung ứng và chỉ có một bên tiêu thụ, khi xảy ra tình trạng như hiện nay lại đổ lỗi tại cơ chế hay dự báo.

Vấn đề cấp bách hiện nay là các DN phải cùng hợp sức tiêu thụ sản phẩm trong nước để tránh tồn kho lãng phí. Còn chuyện lỗi do dự báo hay doanh nghiệp trong nước chê sản phẩm do Dung Quất sản xuất để hậu xét. Khi đó không chỉ PVN mà cả các bộ ngành cũng phải xem lại cách quản lý điều hành của mình."

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
20.300
Xăng RON 95 - III
19.760
Xăng E5 RON 92 - II
18.940
Dầu DO 0,05S 17.040
Dầu DO 0,001S - V 17.470

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 19/9/2024

Giá dầu thô Brent