Trung Quốc bất ngờ dẫn đầu về năng lượng sạch
Theo một nghiên cứu công bố hôm 19/10, quốc gia ô nhiễm nhất trên thế giới là Trung Quốc lại bất ngờ là nước đi đầu trong các nỗ lực về năng lượng sạch, trong khi Mỹ và Nhật, Úc bị bỏ lại khá xa.
Báo cáo Vivid Economics report - được sự ủy nhiệm của nhóm chuyên gia cố vấn thuộc Học viên Khí hậu của Úc, đã cho thấy Trung Quốc đứng thứ hai, chỉ sau nước Anh về giá trị của các sáng kiến giảm ô nhiễm của việc phát điện.
Các nỗ lực của Anh ước tính vào khoảng 29.30 USD trên mỗi tấn carbon, còn Trung Quốc là 14.20 USD/ tấn carbon, Mỹ là 5.10, Nhật là 3.10 và Úc là 1.70, còn Hàn Quốc chỉ đạt 70 xu Mỹ. Đây là sáu quốc gia chiếm gần một nửa lượng khí thải toàn cầu.
"Lãnh đạo Trung Quốc đã đưa ra một quyết định chiến lược mà họ đã bỏ sót trong hai cuộc cách mạng công nghiệp gần đây, và họ không muốn bỏ lỡ điều này trong cuộc cách mạng thứ ba" - Erwin Jackson, Giám đốc của Học viện Khí hậu , nói về sự thống trị "đầy bất ngờ" của Trung Quốc.
"Giờ đây họ đang thống trị thị phần lớn nhất trên thị trường đầu tư năng lượng sạch ở cấp độ toàn cầu" - ông Jackson cho biết thêm.
Đầu tư của Trung Quốc vào năng lượng sạch đã đạt 35 tỷ USD trong năm 2009, so với 11 tỷ USD của Anh và 18 tỷ USD của Mỹ. Ông Jackson cho rằng khoản đầu tư này còn tăng lên 10 lần nữa trong thập kỷ tới.
Động lực chính cho quá trình đầu tư vào năng lượng sạch của Trung Quốc đó là họ đã cam kết đóng cửa hơn 100 nhà máy điện nhỏ sản xuất từ than để trở thành nơi sản xuất than sạch vào năm 2011. Báo cáo này cho biết việc làm này sẽ giúp giảm bớt 15% lượng phát thải.
Ngoài ra, nó cũng mang lại nguồn hỗ trợ trị giá hàng tỉ Nhân dân tệ cho các dự án năng lượng xanh, nhằm hòa lưới 15% tổng năng lượng của quốc gia từ các nguồn tái tạo vào năm 2020.
Tại Nhật, 10 nhà sản xuất năng lượng lớn đã tham gia một kế hoạch tự nguyện nhằm cắt giảm lượng phát thải ở mức 20% từ mức của năm 1990 cho tới năm 2012. Đây là một sáng kiến chủ đạo chiếm hơn một nửa tỉ lệ năng lượng sạch của Nhật.
Nghiên cứu này cũng cho thấy có rất ít các chính sách được áp dụng trực tiếp đối với than đá, bất chấp thực tế rằng đây là nguồn gây ô nhiễm chính cho sáu quốc gia trên.
Nghiên cứu cũng cho biết thêm rằng các quốc gia đang trên đà đáp ứng các mục tiêu giảm ô nhiễm đã thống nhất tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu diễn ra tại Copenhagen năm ngoái, chỉ riêng Nhật Bản bị tụt hậu nhất trong các điều khoản liên quan.
Trong khi đó, châu Âu và Trung Quốc lại dẫn đầu cuộc chơi về đầu tư cho việc giảm ô nhiễm, vượt xa hơn nhiều so với các quốc gia như Úc - quốc gia ô nhiễm nhất trên thế giới tính trên đầu người do quá phụ thuộc vào than đá.