|
Lễ kí kết hợp tác giữa PVN và JGC (Ảnh: Trần Thủy)
|
Ngay sau khi hoàn thành Dự án nghiên cứu tiền khả thi mở rộng nâng cấp Nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhận được sự chỉ đạo của Chính phủ (ngày 20/7/2010) và Petro Việt Nam, Ban quản lý Dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã triển khai lập Dự án đầu tư nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất và phê duyệt kết quả đấu thầu gói thầu tư vấn.
Nhà thầu JGC được cho là đã tuân thủ hoàn toàn các yêu cầu được chủ đầu tư đưa ra trong hồ sơ thầu và 2 bên đã tiến hành Lễ ký kết hợp đồng tư vấn lập Dự án đầu tư nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Hợp đồng tư vấn này có tổng giá trị 2,5 triệu USD, nhà thầu JGC sẽ tiến hành lập Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) Dự án đầu tư nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất trong 22 tuần và chuyển kết quả cho Petro Việt Nam.
Trao đổi với VietNamNet, ông Đinh La Thăng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Petro Việt Nam cho biết: Theo chỉ đạo của Chính phủ, nhà máy lọc dầu Dung Quất sau khi đi vào vận hành thương mại hoạt động ổn định sẽ được bắt đầu thực hiện dự án nghiên cứu để nâng công suất lọc lên 10 triệu tấn/năm.
Việc nâng cấp, mở rộng nhà máy nhằm đáp ứng các yêu cầu: Tăng công suất lọc dầu, đáp ứng các đòi hỏi cao hơn về môi trường, sử dụng nhiều loại dầu thô sau này phục vụ nhu cầu đa dạng của nền kinh tế.
Sau khi JGC lập xong báo cáo khả thi xong Petro Việt Nam sẽ xem xét, sau đó trình Chính phủ cho phép triển khai.
Trước đó, vào ngày 11/9/2010, Ban quản lý nhà máy lọc dầu Dung Quất kiến nghị tỉnh Quảng Ngãi cấp thêm đất để mở rộng diện tích Nhà máy. theo dự kiến, tổng diện tích mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất là 134 ha. Một số khu vực thuộc nhà máy sẽ được mở rộng gồm khu bể chứa sản phẩm, khu bể chứa trung gian, khu bể chứa dầu thô, các phân xưởng công nghệ và khu vực phía Đông nhà máy.
Đây là quá trình cơ bản để đầu tư trang thiết bị nâng công suất nhà máy lọc dầu Dung Quất từ 6,5 triệu tấn dầu thô lên 10 triệu tấn dầu thô/năm.
Hiện tại, Nhà máy lọc dầu Dung Quất là công trình trọng điểm quốc gia, có số vốn đầu tư trên 3 tỷ USD, công suất 6,5 triệu tấn/năm, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu sử dụng xăng dầu trong nước.