|
Nhà máy lọc dầu Dung Quất. |
Nhiều thành công hơn so với dự tính
Theo ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên thì đây là dự án đầu tiên làm công tác tổng kết chủ trương dự án, kết quả và tồn tại, một số vấn đề, bài học rút kinh nghiệm và những kiến nghị liên quan cho các dự án trọng điểm quốc gia sau này.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã công bố Báo cáo tổng kết dự án dài 41 trang, trong đó khẳng định, Nhà máy đã vận hành an toàn, ổn định với 100% công suất thiết kế, sản xuất ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng khoảng 30% nhu cầu thị trường trong nước.
Tính đến tháng 9/2010, Nhà máy đã nhập 6,4 triệu tấn dầu thô, sản xuất được 5,5 triệu tấn sản phẩm đạt chất lượng; bán ra 5,3 triệu tấn; doanh thu đạt trên 25.000 tỉ đồng, nộp ngân sách khoảng 3.000 tỉ đồng.
Về hiệu quả kinh tế của dự án, tại báo cáo của Tập đoàn dầu khí Việt Nam gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội, với tổng mức đầu tư được duyệt là 3,053 tỷ USD, hiệu quả kinh tế của dự án (IRR, tỷ suất lợi nhuận) đạt 7,66%, tổng thu nộp ngân sách nhà nước khoảng 27,8 tỷ USD.
Đặc biệt, với giá trị quyết toán vốn đầu tư dự kiến thấp hơn tổng mức đầu tư được duyệt, dự án đã vượt cao hơn, hiệu quả hơn so với tính toán ban đầu. Công tác quyết toán dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 12/2010 và khi ấy sẽ có những con số báo cáo cụ thể hơn.
Bên cạnh đó, Nhà máy còn đem lại nhiều thành quả quan trọng khác như: giải quyết được công ăn việc làm cho 1.400 lao động; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi, tạo thêm động lực cho sự phát triển kinh tế khu vực miền Trung… cũng như góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh quốc phòng.
Vẫn còn băn khoăn về hiệu quả của dự án
Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp ý kiến cho Báo cáo thẩm tra Nhà máy lọc dầu Dung Quất để trình Quốc hội tới đây. Theo ông Lương Văn Kết - Phó Vụ trưởng vụ Kinh tế công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), có sự mâu thuẫn giữa tổng giá trị dự kiến quyết toán là 43.000 tỉ đồng, thấp hơn tổng mức đầu tư được duyệt là 51.000 tỉ đồng.
Khi có sự cố và phải kéo dài thời gian chạy máy thì càng phải thiệt hại chứ không phải là có lợi. Kéo dài hơn 2 tháng trời, không vận hành thương mại mà lại làm giảm vốn đầu tư thì vô lý.
Cũng theo ông Kết, nếu như báo cáo của Chính phủ cho rằng, chủ đầu tư tiết kiệm được 11% so với tổng mức đầu tư được duyệt thì hiệu quả phải cao hơn so với 7,66%. Và theo ông, một dự án càng kéo dài thì chúng ta càng thiệt chứ không thể nói là được lợi cả (dự án Dung Quất kéo dài tới 13 năm).
Bên cạnh đó, ông Kết cũng quan tâm tới việc còn tới gần 1.500 tỷ đồng chưa được xem xét, thẩm tra. Đây là số tiền được thể hiện trong báo cáo là chưa quyết toán do vướng mắc về hồ sơ, thủ tục pháp lý…
Còn đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường thì đặc biệt quan tâm đến việc giải quyết đời sống của nhân dân ở khu vực có nhà máy, điều kiện, cuộc sống của họ có ổn định không...
“Chúng ta cần phải thu xếp công ăn việc làm cho bà con vào làm việc ở nhà máy. Tôi đề nghị báo cáo thẩm tra cần có số liệu và đánh giá cẩn thận chi tiết, tránh trường hợp dân khiếu kiện, khiếu nại vì cho rằng đền bù chưa thỏa đáng” - bà Khánh nói.
Đáng chú ý, có nhiều ý kiến đề xuất đến việc báo cáo cần phải thể hiện rõ trách nhiệm thuộc về ai để tránh khi đưa ra Quốc hội, các đại biểu sẽ phản đối…