|
Ngành dầu khí rất cần những "anh bộ đội cụ Hồ" như ông Trần Thành (Ảnh: PVN) |
Đến năm 2010, ông tròn 87 tuổi ta, tính ra năm sinh của ông là 1924. Nhà nghèo, nhưng song thân ông vẫn gắng cho ông đi học. Học trường huyện đến năm 12 tuổi, Trần Thành ra Hà Nội mong được học tiếp, nhưng được đúng một năm thì không còn đủ tiền theo học nữa, phải lăn vào đời kiếm sống.
Năm 1943, vừa 19 tuổi Tây, nhờ có ít chữ nghĩa, ông xin được một chân thư ký địa chính cho chính quyền thuộc địa ở Hà Nội. Cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông là một trong những người tham gia cướp chính quyền ở huyện, năm ấy, ông vừa tròn tuổi hai mươi mốt, và tham gia quân đội ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Có thể nói, hiếm có một quân nhân nào mà cuộc đời binh nghiệp lại tham gia nhiều binh chủng như ông Thành. Khởi nghiệp từ bộ binh, từng hoạt động bí mật ở nội thành Hà Nội, chỉ huy cảm tử quân... Năm 1960, sự nghiệp của ông có một bước chuyển quan trọng, đó là khi ông được cử sang thành phố Lê-nin (Lêningrát) thuộc Liên bang Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết (Liên Xô cũ) theo học tại Học viện Pháo binh. Sau 4 năm dùi mài, năm 1964 ông về nước, nhưng lại phải chuyển ngay sang học tên lửa. Những năm đó, TW Đảng và Quân ủy TW đã có những thông tin chắc chắn về việc Đế quốc Mỹ sẽ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và đưa quân Mỹ vào xâm lược miền Nam.
“Phải nói ngay rằng tôi chẳng có một tý chuyên môn nào về cái ngành này, nó hoàn toàn xa lạ với tôi. Hàng chục năm làm lính tên lửa, quanh năm suốt tháng chỉ chăm chăm cái việc phóng thiết bị lên giời, giờ tự nhiên lại đi lo chuyện đưa thiết bị xuống lòng đất. Nhưng anh có nhớ lúc nẫy tôi có nói rằng khi chuyển tôi sang đấy, là cấp trên đã nhìn thấy ở tôi có một chút khả dụng cho công việc không” – ông Thành nói.
Đất nước mới ra khỏi cuộc chiến tranh, tiêu điều về tiền bạc lắm, trong khi đó an ninh chính trị chưa ổn định. Trong nội bộ Tổng cục cũng chưa phải là một khối thống nhất…
Anh nói ít nhưng tôi hiểu nhiều. Bởi tình hình đất nước những năm 1978-1979 thì người bình thường cũng biết, nói gì đến một quân nhân gần cả đời trận mạc như tôi. Tình hình bên ngoài rất phức tạp. Trong nước thì các tỉnh phía Nam, bọn phản động lăm le nổi dậy, Tây Nguyên thì Fulro hoành hành.
Quan hệ sản xuất cũ trói buộc mọi năng lực sản xuất, khiến cho một đất nước có đến 90% nông dân, với những cánh đồng thẳng cánh cò bay mà luôn luôn phải đối mặt với nạn đói. Lương thực, thực phẩm phân phối theo hạn mức nhưng không bao giờ được cung cấp đủ, một phần gạo hai ba phần độn bằng khoai sắn, mì hạt... đời sống cực kỳ khó khăn. Nhưng, tất cả những khó khăn đó cũng không ngăn cản được sự lớn lên từng ngày của ngành dầu khí non trẻ của chúng ta. Đó là điều không thể không ghi nhớ.
Và nó thuộc về rất nhiều người đã hy sinh gần hết đời mình cho sự giầu có của đất nước. Chép lại lịch sử của ngành, dù dưới hình thức nào cũng là việc rất nên làm. Bởi vì thế hệ trẻ cần phải biết họ đang gánh trên vai một sự nghiệp vô cùng vinh quang và phải có nghĩa vụ làm cho sự nghiệp đó lớn mạnh không ngừng. Đấy là cách trả ơn ý nghĩa nhất.
Trở lại câu chuyện ngày ấy, mơ ước lấy được dầu từ lòng đất lên để làm giầu cho đất nước luôn luôn cháy bỏng trong lòng mỗi kỹ sư, công nhân của ngành. Mỗi bước đi của ngành dầu khí đều được TW đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm, theo dõi đặc biệt. Trung ương đã cử đồng chí Trung tướng Đinh Đức Thiện làm Bộ trưởng phụ trách ngành.
Lúc đó ở phía bắc, chúng ta đã tiến hành nhiều mũi khoan sâu trên khắp một dải đồng bằng Bắc bộ, từ Hưng Yên đến Thái Bình, Nam Định... Nay chúng ta muốn tiến vào châu thổ phía Nam, đó là một chủ trương đúng và là việc trước sau cũng phải làm.
Nhận nhiệm vụ của Tổng cục giao là Đoàn trưởng đoàn thăm dò dầu khí đồng bằng sông Cửu Long, tôi ý thức rõ trách nhiệm của mình và bắt tay ngay vào những việc cần kíp nhất để xây dựng đoàn: gom quân, lo trụ sở, lo thiết bị và vật tư kỹ thuật...
Lúc đó “quân sĩ” đóng rải rác khắp nơi, từ thành phố Hồ Chí Minh đến Cà Mau, trụ sở chưa có... Sau nửa năm lăn lóc, xoay như đèn cù, chúng tôi đã tổ chức xong về cơ bản đội hình của Đoàn thăm dò dầu khí đồng bằng sông Cửu Long, với “hạt nhân” là một kíp khoan được điều động từ Công ty Dầu khí I (đóng tại Thái Bình) vào. Cùng với đội khoan là một đội thăm dò theo phương pháp trọng lực, bốn đội thăm dò địa chấn. Các mẫu khoan sau khi có, sẽ được mang ra miền Bắc xử lý.
Sau một thời gian chạy xuôi chạy ngược, cuối cùng thì cái trụ sở của đoàn cũng đã được xây dựng ở Vĩnh Long. Vừa lo xong khâu tổ chức, Đoàn chúng tôi “xuất quân” luôn bằng một mũi khoan sâu ở xã Cà Cối thuộc huyện Trà Cú tỉnh Trà Vinh. Tiếp theo là mũi thứ hai ở xã Phụng Hiệp thuộc tỉnh Hậu Giang. Cả hai lỗ đều đã đạt đến độ sâu trên 2.000 mét.
Biết bao nhiêu là hy vọng đặt vào hai lỗ khoan đó. Nhưng thật đáng buồn, cả hai lỗ đều không thấy dầu, tuy có khí nhưng lượng quá nhỏ, không có giá trị thương mại. Tiếp theo, kết quả nghiên cứu cho thấy vùng đồng bằng sông Cửu Long không có dầu, do tầng có khả năng chứa dầu quá mỏng. Khi thành lập đoàn khoan thăm dò dầu khí đồng bằng sông Cửu Long, là Tổng cục đã có ý đồ: nếu khoan thăm dò thấy dầu thì sẽ phát triển đoàn thành công ty khai thác dầu khí số 3, nhưng do không thấy dầu, nên cái công ty ấy mãi mãi chỉ là ý định. Chả thể trách ai được. Cuối năm 1980, vì hết việc, tôi được điều ra Bắc.
Đến nơi, cấp trên bảo chờ phân công công tác khác. Thì chờ vậy. Làm dầu khí là vậy, rủi ro nhất là không thấy dầu. Nếu tính ra phần trăm thì có thể nói nghề dầu khí rủi ro là chính. Cho nên càng thấy giá trị to lớn của những giọt dầu. Đi tìm lửa cơ mà. Lại là lửa trong lòng đất, trong lòng biển, còn hơn cả mò kim! Tôi cũng hiểu điều đó. Nên khi không thấy dầu, tôi chấp nhận bất cứ điều gì. Mình vốn là lính mà.
Là lính, thì cấp trên bảo đi là đi, bảo dừng là dừng, chấp hành vô điều kiện. Chờ suốt hai năm 1981-1982, cũng không thấy phân công gì. Hỏi ra, được biết, Vụ tổ chức đã đề xuất bố trí cho tôi làm Chánh văn phòng Tổng cục, nhưng vì lý do nào đó nên không thành.
Tiếp tục đề xuất bố trí tôi làm Trưởng ban kiểm tra Tổng cục, cũng không thành nốt. Có lẽ cấp trên cũng gặp khó. Tức là số phận rồi. Coi như một thứ rủi ro nghề nghiệp.
Năm 1983, cấp trên hỏi nguyện vọng của tôi, tôi nói muốn về nghỉ, tuy năm ấy tôi mới 59 tuổi. Cấp trên đồng ý. Trong buổi kiểm điểm, đánh giá trước khi tôi về, mọi người đều một ý nhận xét như nhau về tôi là: “trong sạch, liêm khiết, không tham ô, không móc ngoặc, không hủ hoá, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”.
Tôi cũng lấy đó làm mãn nguyện.