|
Dự án NMLD Dung Quất cũng có thể coi là bài học lớn trong quản lý đầu tư xây dựng, kỹ thuật do liên tục chuyển đổi hình thức đầu tư. |
Đây là một sự kiện đáng chú ý bởi đây là lần đầu tiên, kể từ khi Quốc hội ra nghị quyết đầu tư cho công trình này (12.1997), một đánh giá toàn diện về dự án có quy mô lớn mới được đưa ra. Nó có thể giải đáp những hoài nghi lâu nay về hiệu quả của công trình, nhất là gần đây, lại có hiện tượng tồn kho lớn tại nhà máy này. Và cũng đã có những ý kiến cho rằng, nếu chạy đủ 100% công suất và tiêu thụ được hết sản phẩm, NMLD Dung Quất cũng không có lời lãi gì, thậm chí lợi nhuận âm.
Đảm bảo 30% nhu cầu
Theo đánh giá của Chính phủ, dự án NMLD Dung Quất kể từ khi chính thức được nghiệm thu, bàn giao vào ngày 30.5.2010, hiện đã đủ khả năng đáp ứng 30% nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu trong nước, giảm bớt sức ép về thu mua ngoại tệ để nhập xăng dầu của các công ty xăng dầu trong nước, góp phần giảm nhập siêu. Thứ hai, đồng thời với dự án này, Chính phủ đã xây dựng được một khu kinh tế lớn ở Quảng Ngãi, thúc đẩy kinh tế miền Trung. Tính đến nay, đã có 120 dự án được cấp phép đầu tư vào khu kinh tế Dung Quất với tổng số vốn đăng ký 129.318 tỉ đồng (tương đương 8 tỉ USD), trong đó FDI có số vốn thực hiện 4,9 tỉ USD. Có 55 dự án hoạt động sản xuất kinh doanh, 22 dự án đang triển khai xây dựng, trong đó có nhiều dự án lớn như: nhà máy công nghiệp nặng Doosan, nhà máy đóng tàu Dung Quất, nhà máy luyện cán thép Guang Lian... Có khoảng 1.400 lao động đang làm việc tại các dự án này.
Về hiệu quả kinh tế của dự án, theo tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), với tổng vốn đầu tư (đã được chỉnh, duyệt lần cuối) là 3 tỉ USD, các chi phí đầu vào, cơ chế hiện nay áp dụng cho NMLD Dung Quất thì hệ số hoàn vốn nội bộ (IRR) của dự án này đạt 7,66% và tổng thu nộp ngân sách nhà nước dự kiến đạt 27,8 tỉ USD, cao hơn giá trị IRR 5,87% và tổng thu ngân sách nhà nước 1,55 tỉ USD được tính toán vào thời điểm tháng 6.2005.
Tất cả những dữ liệu trên có thể bước đầu làm yên lòng một số đại biểu Quốc hội. Nhưng nhìn vào cả quá trình thực hiện dự án có rất nhiều trắc trở này, có thể thấy còn quá nhiều bài học cho công tác quản lý đầu tư. Bởi đây là cụm công trình lọc hóa dầu đầu tiên của Việt Nam và hiện nay, còn một số công trình lọc, hoá dầu có quy mô lớn khác đang chuẩn bị thực hiện như Nghi Sơn, Long Sơn...
Tăng vốn gấp đôi
Trước hết có thể thấy, xét về thời gian thực hiện, việc triển khai dự án NMLD Dung Quất là một thất bại về mục tiêu tiến độ. Nghị quyết số 44/2005/QH11 của Quốc hội ban hành năm 2005 đã yêu cầu hoàn thành việc xây dựng NMLD Dung Quất ngay trong năm 2008, đưa nhà máy này vào sản xuất trong năm 2009. Nhưng thực tế, việc chậm tiến độ hơn bảy tháng (so với các cam kết trong các hợp đồng EPC) và nghị quyết Quốc hội đã làm gia tăng rất nhiều chi phí đầu tư, chủ yếu do trượt giá, biến động về giá vật tư, thiết bị, nhân công, do thay đổi thiết kế, bổ sung kinh phí mua sắm, thay thiết bị... Nếu so với nghị quyết đầu tiên của Quốc hội (NQ 07/1997/NQ-QH10) thì công trình thực tế đã bị chậm tiến độ tới chín năm. Đây là lý do giải thích tại sao, số vốn đầu tư dự kiến ban đầu chỉ là 1,5 tỉ USD, sau này đã bị đội lên 3 tỉ USD, khiến hiệu quả kinh tế của dự án bị giảm sút. Với quy mô công suất của nhà máy mới dừng lại ở 6,5 triệu tấn xăng dầu các loại/năm mà số vốn đầu tư lớn như vậy, theo một số chuyên gia kinh tế, NMLD Dung Quất khó có thể coi là thành công xét về hiệu quả kinh tế.
Dự án NMLD Dung Quất cũng có thể coi là bài học lớn trong quản lý đầu tư xây dựng, kỹ thuật do liên tục chuyển đổi hình thức đầu tư, việc khảo sát thiết kế chưa kỹ dẫn đến tốn kém nhiều chi phí, thời gian trong việc xử lý một số sự cố như túi bùn. Cho gần đến thời điểm nghiệm thu, lại để xảy ra một sự cố lớn khác như sự cố hỏng van bít PV-1501 của phân xưởng crắcking xúc tác. Cho đến nay, theo báo cáo của chủ đầu tư vẫn tồn tại một số vấn đề kỹ thuật. Tất cả cho thấy, sự chuẩn bị, trình độ nhân lực, quản trị cho một công trình lớn, tầm cỡ quốc gia như NMLD Dung Quất, rõ ràng còn nhiều hạn chế.
Một hạn chế lớn khác trong quá trình thực hiện dự án NMLD Dung Quất nữa là về công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư mà hiện nay vẫn chưa được giải quyết hiệu quả. Trong vùng dự án, đến nay, vẫn có nhiều hộ dân sống bằng nghề nông và đánh bắt thuỷ hải sản, thiếu việc làm ổn định vì không thể chuyển đổi nghề do lớn tuổi và trình độ văn hoá hạn chế dẫn đến đời sống khó khăn. Nhà máy đã hoàn thành nhưng các khu tái định cư chưa được xây dựng hoàn chỉnh, gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt của nhiều hộ dân. Trong khi đó, việc cải tạo đồng ruộng, cấp đất cho nông dân để sản xuất, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp diễn ra còn chậm. Có hiện tượng một số hộ nông dân đến khu tái định cư mới thiếu đất sản xuất nên đời sống rất khó khăn.
Với tất cả những vấn đề trên, cho thấy, cho dù dự án NMLD Dung Quất có đạt được một số mục tiêu như Chính phủ nêu thì vẫn còn đó những hạn chế lớn trong suốt quá trình thực hiện, làm giảm hiệu quả của dự án. Nếu như chủ đầu tư, Chính phủ không nhìn nhận thấu đáo, rút kinh nghiệm sâu sắc về những yếu kém này, rất có thể những hạn chế ấy lại lặp lại ở các công trình lọc, hoá dầu lớn đang chuẩn bị đầu tư như Nghi Sơn, Long Sơn...