|
Tân chủ tịch OPEC - Tiến sĩ Masoud Mirkazemi trong vòng vây của báo chí |
Bộ trưởng dầu mỏ Iran, tiến sĩ Masoud Mirkazemi sẽ đảm nhận chức vụ Chủ tịch OPEC kể từ ngày 1-1-2011.
Trả lời các câu hỏi của các phóng viên tại Vienna (Áo), bộ trưởng dầu mỏ Iran từ chối các thông tin liên quan đến các biện pháp trừng phạt quốc tế tổn hại lĩnh vực dầu mỏ của nước mình.
Hãng tin tức RTT cũng cho hay, ông Mirkazemi cảnh báo rằng bất kỳ hành động nhắm mục tiêu trong lĩnh vực dầu mỏ của Iran sẽ không tốt cho tình hình an ninh năng lượng toàn cầu.
Ông cũng nói rằng các biện pháp trừng phạt sẽ "Không có ảnh hưởng gì" đến Iran.
Hiện nay ông Wilson Morris - Bộ trưởng tài nguyên của Ecuador đang là đương kim chủ tịch OPEC.
Mục tiêu chính thức được ghi vào hiệp định thành lập của OPEC là ổn định thị trường dầu thô, bao gồm các chính sách khai thác dầu, ổn định giá dầu thế giới và ủng hộ về mặt chính trị cho các thành viên khi bị các biện pháp cưỡng chế vì các quyết định của OPEC.
Nhưng thật ra nhiều biện pháp được đề ra lại có động cơ bắt nguồn từ quyền lợi quốc gia, thí dụ như trong các cơn khủng hoảng dầu, OPEC chẳng những đã không tìm cách hạ giá dầu mà lại duy trì chính sách cao giá trong thời gian dài.
Iran hiện đang chiếm khoảng 10% trữ lượng dầu mỏ của thế giới.
Iran là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai trong nội khối OPEC, chỉ sau Ả Rập Saudi.
Trong khi đó, OPEC cung cấp 35% nhu cầu dầu toàn cầu cũng đã đạt được thỏa thuận về mục tiêu sản lượng dầu mỏ của khối trong thời gian tới và toàn năm 2011. OPEC sẽ giữ nguyên mức sản xuất dầu hiện tại là 24,8 triệu thùng/ngày.
OPEC gồm 12 nước: Algeria, Angola, Ecuador, Iran, Iraq, Kuwait, Libya, Nigeria, Qatar, Ả Rập Saudi, UAE và Venezuela.