Bất chấp nỗ lực cắt giảm mức tiêu thụ, nhu cầu điện và khí đốt ở châu Âu được dự đoán vẫn tiếp tục tăng. Giá năng lượng sẽ bị ảnh hưởng bởi nhu cầu đầu tư gia tăng và theo Ủy viên Năng lượng Liên minh châu Âu (EU) Guenther Oettinger, tới năm 2020, châu Âu sẽ cần đầu tư 1.000 tỷ Euro để cải thiện hệ thống năng lượng nhằm giảm bớt ô nhiễm và đảm bảo nguồn cung.
|
Hình minh họa. Nguồn ảnh: Internet
|
Dự thảo chiến lược năng lượng năm 2020 của EU nêu rõ, thách thức năng lượng là một trong những cuộc thử nghiệm lớn nhất mà châu Âu phải đối mặt. Châu Âu sẽ phải mất nhiều năm, thậm chí là nhiều thập niên, để đưa hệ thống năng lượng tới con đường phát triển bền vững và đảm bảo.
Chiến lược này đặt ra hai mục tiêu mà EU cần đạt tới là cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và ngăn chặn xảy ra khủng hoảng năng lượng sau khi Nga đơn phương cắt giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu qua ngả Ukraine vào tháng 1/2009, làm cả châu Âu bị "điêu đứng". Dự thảo cũng kêu gọi nâng cấp hàng loạt các tòa nhà lộng gió và mạng lưới phân phối năng lượng bị xuống cấp cũng như đòi hỏi lập trường cứng rắn đối với đối tác nước ngoài khi thương lượng nhập khẩu năng lượng.
Trung Á trong chiến lược năng lượng của Trung Quốc
Năm 2011, Trung Quốc sẽ nhập khẩu 17 tỷ m3 khí tự nhiên từ các nước Trung Á qua dự án đường ống dẫn khí được thiết kế nối các vùng trữ lượng khí đốt ở khu vực Caspi với một nước Trung Quốc khao khát năng lượng.
Đường ống dẫn khí đốt Trung Quốc - Trung Á là dự án có quy mô lớn đầu tiên mang lượng khí đốt tự nhiên đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc đối với các nguồn năng lượng tại Trung Á. Đây là đường ống chạy dài khoảng 10.000 km từ Turkmenistan qua Uzbekistan, Kazakhstan và kết thúc tại khu vực Tây Bắc vùng Tân Cương (Trung Quốc). Giới phân tích cho rằng, các nước Trung Á đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược năng lượng hải ngoại của Trung Quốc. Và đường ống này là một phần trong các nỗ lực của Trung Quốc nhằm đảm bảo an ninh hơn về các nguồn năng lượng phạm vi thế giới.
Đến khi hoàn tất, công suất của dự án này dự kiến sẽ tăng lên đến 15 tỷ m3 vào cuối năm 2010 và đến cuối năm 2011 sẽ lên tới 30 tỷ m3. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, đối tác phía Trung Quốc của dự án này, tính đến giữa tháng 7/2010 đã nhận được gần 2 tỷ m3 khí đốt từ giai đoạn 1 của dự án này. Dự án được thực hiện trong 5 giai đoạn và sẽ hoàn thành vào năm 2013. Giới phân tích cho rằng, công trình lớn này sẽ phục hồi lại con đường tơ lụa cổ xưa.
Gazrpom quan tâm tới tài sản của BP tại Algeria
Tuyên bố trong chuyến thăm Algergia cấp nhà nước của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tuần trước, Giám đốc điều hành Tập đoàn khí đốt Gazprom (Nga) Alexei Miller cho biết, không loại trừ khả năng Gazprom sẽ mua lại tài sản của Tập đoàn dầu khí BP (Anh) tại Algeria một khi phía Algeria có đề nghị.
Để trang trải các chi phí liên quan đến sự cố tràn dầu tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ tại Vịnh Mexico hồi tháng 4/2010, BP đã có hoạch bán 30 tỷ USD tài sản trong 18 tháng. BP có lợi ích đáng kể ở BP với khối tài sản ước tính trị giá 3 tỷ USD. Trước đó, liên doanh dầu khí giữa BP và một nhóm tỷ phú Nga BP-TNK đã bày tỏ quan tâm tới tài sản của BP tại Algeria mặc dù các cuộc đàm phán vẫn chưa bắt đầu.
Hiện Nga và Algeria đang là những nhà cung cấp dầu mỏ cho châu Âu lớn nhất và lớn thứ 3. Hai bên đang quan tâm phát triển hợp tác tại các thị trường khí đốt châu Âu.
Trong một động thái khác, Gazprom mua 20% cổ phần trong dự án khí đốt ở Bolivia từ Total.
Hãng thông tấn UPI đưa tin hôm 8/10 cho biết Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga có kế hoạch mua 20% cổ phần từ Tập đoàn dầu khí Total (Pháp) trong dự án thăm dò, sản xuất, phát triển 2 lô khí đốt tự nhiên Ipati và Aquio của Bolivia - nước sản xuất khí đốt lớn thứ 3 ở Mỹ - Latinh.
Gazprom cho biết, hãng có thể nắm số cổ phần theo điều khoản của thỏa thuận giữa Gazprom và Total đã được ký ngày 30/9. Theo đó, sau khi nhượng lại 20% cổ phần cho Gazprom, cổ phần của Total tại 2 lô Ipati và Aquio sẽ giảm xuống còn 60%, 20% còn lại do Argentina TecPetrol nắm giữ. Tuy nhiên, các điều khoản tài chính của thỏa thuận không được tiết lộ và còn đang chờ sự chấp thuận của chính phủ Bolivia. Trước đó, Gazprom đã ước tính trữ lượng đã được chứng minh trong lô Aquio và Ipati là 176,3 tỷ m3 khí đốt tự nhiên và 14,8 triệu m3 condensate. Theo dự kiến sơ bộ, việc sản xuất khí từ 2 mỏ trên sẽ được bắt đầu vào năm 2013.
Gazprom và Công ty dầu khí quốc gia YPFB của Bolivia cũng đã hoàn tất đàm phán phát triển lô Azero ở phía Đông Nam Bolivia. Các cuộc đàm phán dự kiến sẽ được ký kết vào mùa xuân năm 2011.
Đường ống dẫn dầu chính của UAE sẽ hoàn thành trễ 6 tháng
Hãng thông tấn Reuters đưa tin hôm 8/10 cho biết, một đường ống dẫn dầu thô của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nhằm vượt qua eo biển Hormuz, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay, sẽ phải mất thêm 6 tháng để hoàn thành do có thay đổi về thiết kế.
Dự án đường ống dẫn dầu thô Abu Dhabi (Adcop) theo thiết kế sẽ dài 370 km với công suất 1,5 triệu thùng/ngày, sẽ cho phép UAE - nước xuất khẩu dầu lớn thứ 3 thế giới đẩy mạnh xuất khẩu dầu từ Hasban (Abu Dhabi) qua cảng Fujairah trên Vịnh Oman, tiếp nhiên liệu cho các tàu khi vào và rời cảng.
Ngoài ra, đường ống dẫn mới này cũng sẽ giúp UAE hạ thấp được chi phí vận chuyển xuất khẩu dầu mỏ của mình nhờ các thuận lợi về vị trí kiểm soát quan trọng của eo biển Hormuz - có đến 40% lượng dầu mỏ của thế giới được chuyên chở qua tuyến đường biển này.
Nga từ chối xem xét lại giá khí đốt cho Ukraine
Nga không có ý định giảm giá khí đốt cho Kiev mặc dù các quan chức Ucraine đã nhiều lần nói rằng, giá khí đốt của Nga quá cao và hứa thuyết phục phía Nga xem xét lại thỏa thuận khí đốt.
Theo Thủ tướng Ucraine Nikolai Azarov, trong quý đầu tiên, nước này đã nhận nhiên liệu từ Nga với giá 330 USD/1000 m3 và hàng quý giá lại tăng khoảng 25 USD. Trong khi đó, hồi tháng 9/2010, Phó Chủ tịch Tập đoàn khí đốt Gazprom Valery Golubev nói rằng, giá khí đốt của Nga cung cấp cho Ukraine trong năm 2011 sẽ được cố định ở mức 250 USD/1000 m3. Trước đó, Phó Thủ tướng Sergei Tigipko đề nghị rằng, Kiev sẽ phù hợp với mức giá dao động từ 240 - 260 USD/1000 m3. Tuy nhiên, bất chấp sự giảm giá của Nga, từ ngày 1/8/2010 giá khí đốt tự nhiên cho người tiêu dùng tại Ukraine vẫn tăng 50%. Ngoài ra, một sự gia tăng tương tự sẽ có thể được áp dụng vào tháng 4/2011.
Trong vòng 9 tháng, Naftogaz đã mua từ Gazprom 22,8 triệu m3 khí đốt. Để hoàn thành các thỏa thuận mua nhiên liệu cho năm 2010, Naftogaz sẽ phải thanh toán tiền mua gần 13 tỷ m3 khí đốt cho Quý IV, nếu không công ty này sẽ bị phạt. Trong khuôn khổ chuyến thăm Ukraine ngày 26/10 của Thủ tướng Vladimir Putin hai bên sẽ đàm phán các điều khoản cung cấp khí đốt của Nga vào năm 2011.