Xăng dầu nội: Ganh nhau về lợi ích
12/10/2010 7:54:00 SATin trong nước

Xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất sản xuất ra đang có nguy cơ ứ thừa dù chỉ mới đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu của cả nước đang cho thấy, mâu thuẫn về lợi ích giữa các doanh nghiệp không dễ giải.

NMLD Dung Quất được bàn giao chính thức vào ngày 30/5/2010 và ngay lập tức phát huy 100% công suất. Bên cạnh góp phần kiềm chế nhập siêu, giảm ngoại tệ phục vụ xuất khẩu và đặc biệt nhằm mang lại hiệu quả tốt hơn, NMLD Dung Quất đã chủ động điều chỉnh để tăng lượng sản xuất ra những mặt hàng mà thị trường tiêu thụ tốt nhất hiện nay là xăng và dầu diesel. Nghĩa là, lượng sản phẩm xăng và dầu diesel của NMLD Dung Quất cung cấp giờ đây có thể đáp ứng khoảng 40-45% nhu cầu xăng dầu của cả nước, chứ không phải ở con số 1/3 nhu cầu của cả nước nói chung nữa. Nhưng cũng chính từ đây, câu chuyện khập khiễng giữa sản xuất và tiêu thụ khi kế hoạch đã lên không được cập nhật theo tình hình thực tế mới bắt đầu bộc lộ.

Bị động

Tại cuộc họp giữa Bộ Công thương với các đầu mối nhập khẩu xăng dầu cuối tuần qua, ông Nguyễn Sinh Khang, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho hay, tại thời điểm ngày 6/10, NMLD Dung Quất đang tồn kho khoảng 180.000 m3 xăng dầu, tuy nhiên lại tập trung vào một số sản phẩm chính như xăng A95 chiếm tới 68% so với dung tích bể chứa tại nhà máy, xăng A92 chiếm 67% và dầu diesel chiếm 56%. Với đà tiêu thụ của các hợp đồng đã có hiện nay, thì tới cuối năm, NMLD Dung Quất sẽ có lượng tồn kho cuối kỳ là 727.000 m3.

Trước đó, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) đã có hợp đồng tiêu thụ với các công ty xăng dầu đầu mối trong 3 tháng còn lại với khối lượng 1,43 triệu m3, trong đó 2 đầu mối thuộc PVN là PV Oil tự tiêu thụ 885.000 m3, Công ty Petec là 295.000 m3 và Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) phần còn lại.

Trong khi đó, với sản lượng 20.000 m3/ngày và thời gian dự trữ được trong 18 ngày, tức là tương đương khoảng 360.000 m3, NMLD Dung Quất có nguy cơ hết chỗ chứa nếu không bán thêm được hàng ngoài các hợp đồng đã có. Dĩ nhiên, viễn cảnh đó chắc chắn ảnh hưởng mạnh tới sản xuất cũng như hiệu quả hoạt động của DN, nên việc cầu cứu các cơ quan hữu trách, các bạn hàng để tiêu thụ hết lượng sản phẩm sản xuất ra của NMLD Dung Quất đã được PVN thực hiện.

Tổng giám đốc PVN, ông Phùng Đình Thực cũng thừa nhận, dự báo chưa chính xác tình hình đã khiến NMLD Dung Quất có nguy cơ tồn kho lớn sản phẩm.

Với tư cách là khách hàng lớn của NMLD Dung Quất, bà Đàm Thị Huyền, Phó tổng giám đốc Petrolimex cho hay, vào giữa tháng 7, Petrolimex đã làm việc với bên bán hàng về kế hoạch tiêu thụ sản phẩm, nhưng không có thông tin NMLD Dung Quất sản xuất số lượng nhiều hơn. “Nếu được biết tình hình sản xuất xăng dầu nội tốt hơn thì chúng tôi cũng sẽ có phương án mua nhiều hơn hàng sản xuất trong nước từ tháng 8”, bà Huyền nói.

Có lẽ vậy, nên Petrolimex vẫn tiếp tục thực hiện kế hoạch nhập khẩu xăng dầu của mình để đảm bảo không gián đoạn nguồn cung với tư cách là doanh nghiệp có thị phần lớn nhất hiện nay. Dĩ nhiên, kéo theo đó là việc không thể nhanh chóng điều chỉnh, lùi các hợp đồng đã ký với đối tác nước ngoài để tăng mua hàng nội khi xăng dầu của NMLD Dung Quất có nguy cơ ứ kho.

Với mặt hàng nhiên liệu bay Jet A1, cũng bởi tới nay, NMLD Dung Quất vẫn chưa đủ các chứng chỉ liên quan để nhà chức trách hàng không tại Việt Nam xem xét, cấp phép việc cung cấp cho máy bay, nên sản phẩm Jet A1 nội chưa thể bán cho các DN xăng dầu hàng không trong nước, dù Công ty Xăng dầu Hàng không (Vinapco) đã có kế hoạch mua 200.000 tấn Jet A1 trong năm 2010 để đỡ áp lực nhập khẩu từ bên ngoài.

“Giải cứu” xăng dầu nội

Cũng để ứng cứu nguy cơ ngập kho của NMLD Dung Quất, bà Huyền cho hay, Petrolimex sẽ cố gắng bán bớt các hợp đồng đã ký để có thể nhận thêm hàng của NMLD Dung Quất. Phương án khác cũng được đưa ra là Petrolimex sẽ cho PV Oil được gửi nhờ hàng trong kho, nhằm giảm tải cho NMLD Dung Quất. Dĩ nhiên, các phương án cụ thể để giải quyết sẽ còn được Petrolimex và PVN, PV Oil bàn bạc và trình lên Bộ Công thương trong ít ngày tới.

Không có nhiều kho chứa với dung lượng lớn như Petrolimex, nhưng Công ty Xăng dầu Quân đội cũng cho hay, ngoài việc mua 40.000 m3 xăng dầu nội địa trong những tháng cuối năm, đơn vị cũng sẵn sàng cho NMLD Dung Quất gửi hàng với mức 15.000 - 20.000 m3 trong 3 tháng còn lại.

Còn Vinapco, trong khi chưa mua được xăng dầu “nội” để cung cấp cho các khách hàng ở các sây bay Việt Nam cũng sẵn sàng mua sản phẩm của NMLD Dung Quất để xuất đổi với các đối tác nước ngoài đang cung cấp nhiên liệu bay đã được cơ quan chức trách hàng không Việt Nam phê chuẩn, nhằm giảm áp lực ngoại tệ nhập khẩu nhiên liệu bay.

Tính tới hết tháng 9, đã có 9 trên 11 đầu mối tham gia tiêu thụ sản phẩm của NMLD Dung Quất với gần 4 triệu m3. Nhập khẩu xăng dầu trong 9 tháng để tiêu thụ nội địa cũng đạt khoảng 7,7 triệu m3/tấn và nhập khẩu để tái xuất gần 2 triệu m3/tấn. Điều này cũng cho thấy, việc giải cứu lượng xăng dầu mà NMLD Dung Quất có nguy cơ tồn kho cuối kỳ thực sự không phải là quá khó khăn nếu các bên đừng chỉ biết quan tâm tới lợi ích của bản thân DN mình.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.080
Xăng RON 95 - III
20.520
Xăng E5 RON 92 - II
19.340
Dầu DO 0,05S 18.500
Dầu DO 0,001S - V 18.610

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 21/11/2024

Giá dầu thô Brent