Đấu giá xăng dầu nhà máy Dung Quất
11/10/2010 1:22:00 CHTin trong nước

Để giải quyết tình trạng tồn kho, cuối tháng 10, Công ty lọc - hóa dầu Bình Sơn (Quảng Ngãi) sẽ áp dụng cơ chế đấu giá xăng, dầu và tăng cường phối hợp các đối tác tìm thêm kho chứa cho nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Theo ông Nguyễn Hoài Giang, Tổng giám đốc Công ty TNHH lọc - hóa dầu Bình Sơn, công ty đang khẩn trương xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn và công thức để ban hành cơ chế đấu giá sản phẩm xăng, dầu từ nhà máy Dung Quất. Dự kiến cơ chế đấu giá áp dụng rộng rãi cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước.

Doanh nghiệp đăng ký danh sách đấu giá để tiêu thụ xăng dầu của nhà máy lọc dầu Dung Quất đều phải tuân thủ theo luật cạnh tranh thị trường. Với cơ chế đấu giá, kể từ cuối tháng 10 năm nay, Tổng công ty dầu Việt Nam (PV Oil) không còn là đầu mối duy nhất phân phối xăng dầu từ nhà máy Dung Quất.

PV Oil được Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) đặc cách chỉ định độc quyền phân phối xăng dầu Dung Quất trong gần 2 năm qua, ăn chiết khấu cao. Đây được cho là nguyên nhân khiến nhiều đơn vị kinh doanh xăng dầu trong nước cảm thấy mất công bằng nên không mặn mà với sản phẩm do nhà máy lọc dầu Dung Quất sản xuất ra.

Các bồn chứa xăng dầu nhà máy Dung Quất đã sắp đầy vì lượng hàng tồn kho lớn. Ảnh: Trí Tín

Lý giải điều này, ông Nguyễn Hoài Giang phân tích: Năm ngoái, khi nhà máy mới bắt đầu hoạt động chưa ổn định, thay vì phải thành lập thêm một bộ máy để tìm kiếm nhiều đối tác kinh doanh xăng dầu thì PetroVietnam có sẵn PV Oil, nên việc lựa chọn đơn vị này đứng ra làm đầu mối phân phối với mức hoa hồng 0,2 USD một thùng là điều hợp lý. "Khi ấy nếu lập thêm một bộ máy để đi tiếp thị, bán hàng thì chưa chắc hiệu quả hơn và chi phí chắc chắn cũng sẽ tốn kém hơn nhiều", ông Giang nói.

Từ ngày 1/10, PetroVietnam bỏ chế độ chiết khấu hoa hồng cho PV Oil vì nhà máy đã hoạt động ổn định. Dự kiến sắp tới áp dụng cơ chế đấu thầu sản phẩm xăng, dầu cũng như hóa dầu, nhiều đầu mối tiêu thụ xăng dầu cùng tham gia phân phối thì sản phẩm của nhà máy Dung Quất sẽ có sức cạnh tranh hơn.

Trước thông tin nhà máy lọc dầu Dung Quất đang tồn kho 750.000 tấn xăng dầu, ông Giang cũng "đính chính", con số 750.000 tấn là do Bộ Công thương công bố dựa trên kế hoạch từ nay đến cuối năm. Thực tế nhà máy Dung Quất đang tồn kho chỉ 200.000 tấn, chủ yếu là dầu Diesel và xăng A92, A95; không tồn kho khí.

Tuy vậy, với mức tồn này, các bồn chứa sản phẩm của nhà máy Dung Quất cũng đang sắp đầy, có nguy cơ không còn chỗ chứa nếu không được giải tỏa nhanh.

“Giải pháp cấp bách hiện nay là Chính phủ, các bộ ngành, PetroVietnam... xem xét cắt bớt quota (hạn ngạch) nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp trong nước để tập trung ưu tiên tiêu thụ xăng, dầu do nhà máy lọc dầu Dung Quất sản xuất", ông Giang đề nghị. Ngoài ra, một số doanh nghiệp có thể thỏa thuận với các đối tác nước ngoài về việc cắt giảm số lượng xăng dầu nhập khẩu. Nhà máy cũng sẽ tìm thêm kho chứa dự trữ sản phẩm xăng, dầu trong trường hợp bất khả kháng không tiêu thụ kịp, để đảm bảo duy trì hoạt động liên tục mà không phải giảm công suất.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cũng vừa yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu tiếp tục tổ chức tiêu thụ sản phẩm của nhà máy Dung Quất có hiệu quả, trong điều kiện nhà máy này đã hoạt động ổn định, vận hành tối đa công suất, giảm nhập khẩu, góp phần kiềm chế nhập siêu.

Thứ trưởng yêu cầu PetroVietnam và Công ty lọc - hóa dầu Bình Sơn làm việc cụ thể với từng doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, đặc biệt là Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) về kế hoạch sản xuất, phương án tiêu thụ. Tận dụng tối đa các kho xăng dầu đầu mối để chứa sản phẩm của nhà máy và báo cáo kết quả về Bộ Công thương chậm nhất là ngày 15/10.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.080
Xăng RON 95 - III
20.520
Xăng E5 RON 92 - II
19.340
Dầu DO 0,05S 18.500
Dầu DO 0,001S - V 18.610

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 21/11/2024

Giá dầu thô Brent