Ông Giang cho biết toàn bộ kho bể chứa sản phẩm của nhà máy chỉ đủ chứa khoảng 300.000 tấn sản phẩm xăng, dầu các loại và hiện tại, trong kho chứa của nhà máy còn tồn khoảng 200.000 tấn xăng, dầu; chủ yếu là xăng A92/A95.
Vậy con số 750.000 tấn xăng dầu và hai triệu mét khối khí còn tồn kho tính đến đầu tháng 10.2010 là thế nào, thưa ông?
|
Chuyên chở dầu thô từ mỏ Bạch Hổ về nhà máy lọc dầu Dung Quất. Hiện nhà máy này tồn kho hàng trăm ngàn tấn xăng dầu do các đơn vị đầu mối nhập xăng dầu trong nước không mặn mà tiêu thụ xăng nội.
|
Sự thật là hiện nay nhà máy chỉ còn tồn khoảng 200.000 tấn xăng A92/A95 và dầu diesel trong kho chứa sản phẩm chứ không có một mét khối khí nào tồn ở nhà máy cả; bởi lẽ kho chứa của nhà máy chỉ đủ chứa 300.000 tấn như trên tôi đã nói.
Con số tồn kho 750.000 tấn ý muốn nói nếu không có giải pháp hiệu quả để nhanh chóng tiêu thụ sản phẩm của nhà máy lọc dầu Dung Quất thì cuối năm, nhà máy sẽ bị tồn kho bấy nhiêu đó sản phẩm.
Bộ Công thương đưa ra con số tồn theo kế hoạch cuối năm là nhằm cấp báo các bộ, ngành và Chính phủ sớm có giải pháp can thiệp từ bây giờ để tránh cho nhà máy khỏi rơi vào tình trạng phải giảm công suất sản xuất hoặc tạm ngưng hoạt động vì không còn chỗ chứa sản phẩm.
Theo ông, đâu là giải pháp tháo gỡ vấn đề?
Hiện tại, công ty đang cố gắng để có thể áp dụng cơ chế đấu thầu xăng, dầu rộng rãi cho các đầu mối tiêu thụ xăng, dầu có tiềm lực trong nước vào cuối tháng 10 nhằm giải phóng nhanh lượng sản phẩm tồn kho. Ngoài ra, từ nay đến cuối năm chúng tôi cũng phải đẩy mạnh tiếp xúc trực tiếp với các đầu mối bán sỉ và lẻ xăng dầu trên toàn quốc để thêm kênh tiêu thụ sản phẩm cho nhà máy. Chúng tôi cũng tiếp tục nghiên cứu các giải pháp phòng tránh rủi ro như cách thức phối hợp với các đối tác lớn về buôn bán và tồn trữ xăng, dầu cho nhà máy. Giải pháp tối ưu, hiệu quả nhất hiện nay là tìm kho chứa dự phòng, đảm bảo duy trì cho nhà máy hoạt động 100% công suất.
Nếu mua sản phẩm xăng, dầu của nhà máy lọc dầu Dung Quất, doanh nghiệp sẽ được lợi gì so với nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài, thưa ông?
Mua xăng dầu của nhà máy, đương nhiên doanh nghiệp sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn so với nhập khẩu xăng, dầu từ nước ngoài. Cụ thể như không phải chịu áp lực đổi ngoại tệ để mua xăng, dầu; chi phí vận tải trong nước rẻ và đỡ mất thời gian hơn; giảm được chi phí thuế... chưa kể giá bán xăng, dầu của nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng ngang bằng với giá xăng, dầu nhập khẩu, như xăng A92 khoảng 88,96 USD/thùng, dầu DO 95,40 USD/thùng, khí hoá lỏng LPG (gas) 692,5 USD/tấn...
Vì sao sản phẩm xăng máy bay Jet A1 của nhà máy đã bán ra nước ngoài trên 11.000m3 nhưng trong nước, hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) vẫn chưa tiêu thụ loại nhiên liệu đặc chủng này của nhà máy?
Sản phẩm xăng máy bay Jet A1 của nhà máy được kiểm nghiệm ở nước ngoài đạt tiêu chuẩn chất lượng nhưng còn một số thủ tục trong nước đang sắp hoàn tất. Nhiên liệu xăng máy bay là mặt hàng quan trọng, do vậy, Vietnam Airlines thận trọng là điều đương nhiên. Họ cần có thêm thời gian! Tính đến nay, nhà máy lọc dầu Dung Quất đã xuất bán cho một số công ty nước ngoài thuộc tập đoàn dầu khí BP 11.000m3 xăng máy bay Jet A1. Dự kiến ngày 21.10 sắp tới, nhà máy sẽ tiếp tục bán mẻ thứ ba – khoảng 4.000m3 xăng máy bay – cho tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).