Xăng dầu Dung Quất tồn kho do dự báo sai thực tế
08/10/2010 11:03:00 SATin trong nước

Thông tin trên được Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Phùng Đình Thực đưa ra trong cuộc họp báo ngày 7/10.

Theo ông Thực, dự báo nhu cầu tiêu thụ toàn thị trường sụt giảm 10% trong khi sản lượng sản xuất của nhà máy lại cao hơn 20%. Cuối năm 2009, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang chạy thử nghiệm, chưa rõ thời gian bàn giao nên PVN chỉ dự báo công suất của nhà máy ở mức 80%. Tuy nhiên, từ ngày PVN nhận bàn giao 30/5/2010 đến nay, nhà máy hoạt động ổn định, công suất cao hơn dự kiến và ở mức 100%.

Dung Quất tồn hàng triệu m3 sản phẩm xăng dầu. Ảnh: T.T.

Thêm vào đó, một số doanh nghiệp phân phối đã ký hợp đồng nhập khẩu số lượng khá lớn vì sợ nguồn hàng trong nước không đủ cung ứng. "Do đó, khi lượng sản xuất trong nước ra nhiều hơn dự kiến thì hàng tồn kho tăng lên. Các hợp đồng nhập khẩu đã ký thì không thể bỏ được", ông Thực nói.

Cũng theo tính toán của PVN, từ nay đến cuối năm, tình trạng dư thừa sẽ khó chấm dứt. Nhà máy dầu Dung Quất sẽ tiếp tục sản xuất thêm 1,9 triệu tấn sản phẩm; trong khi các đơn vị phân phối chỉ đăng ký mua khoảng 1,4 triệu tấn. Đến cuối năm, dự kiến Nhà máy Dung Quất vẫn còn dư 727.000 tấn.

Để giải quyết việc này, PVN cho rằng các nhà phân phối nên điều chỉnh một số hợp đồng nhập khẩu có thể được để tăng cường tiêu dùng hàng sản xuất trong nước.

Trước hiện tượng trong nước thừa xăng dầu, nhưng doanh nghiệp đầu mối vẫn ký hợp đồng nhập sản phẩm ngoại, chiều qua, Bộ Công Thương cũng triệu tập cuộc họp khẩn để tìm phương hướng giải quyết. Tại đây, nhiều doanh nghiệp đã thống nhất sẽ cùng hợp sức giải phóng hàng tồn cho Nhà máy Dung Quất.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trong quý IV phải giãn kế hoạch nhập khẩu để tiêu thụ sản phẩm nội địa đang thừa.

Trong đó, các doanh nghiệp lớn như Tổng công ty Xăng dầu VN (Petrolimex), Công ty Xăng dầu Quân đội... cần có trách nhiệm đi đầu trong việc bao tiêu sản phẩm nội địa. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN - PVN chịu trách nhiệm làm việc, đàm phán với từng đơn vị tiêu thụ. Chậm nhất trước ngày 15/10, PVN và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối phải báo cáo với Bộ Công Thương về kế hoạch bao tiêu sản phẩm Dung Quất.

Trên thực tế, không chỉ các sản phẩm xăng, dầu đơn thuần bị dư thừa tại Dung Quất mà chưa một hãng hàng không trong nước nào sử dụng nhiên liệu bay do nhà máy này sản xuất. Trong khi đó, mỗi năm, Việt Nam vẫn phải nhập một số lượng không nhỏ xăng máy bay ZA1 từ thị trường Singapore.

Trao đổi với VnExpress.net mới đây, Giám đốc Công ty Xăng dầu Hàng không (Vinapco) Trần Hữu Phúc khẳng định hãng sẵn sàng mua xăng máy bay do Dung Quất sản xuất. Vấn đề còn lại là phía PVN phải đẩy nhanh thủ tục mua bán và kiểm chứng các tiêu chuẩn về kỹ thuật, an toàn.

Năm nay, Vinapco đã bớt hạn ngạch nhập khẩu 200.000 tấn để dự định mua của Dung Quất nhưng chưa mua được vì sản phẩm của Dung Quất chưa làm thủ tục đăng ký để tiêu thụ nội địa. Trong trường hợp không hoàn tất kịp thủ tục đăng ký trong tháng 10 như dự kiến, Vinapco đề xuất được áp dụng phương thức hàng đổi hàng để sử dụng vào mục tiêu khác.

Hãng hàng không Quốc gia VN (Vietnam Airlines) cũng cho biết sẵn sàng sử dụng nhiên liệu bay trong nước, nếu các vấn đề về an toàn và tiêu chuẩn chất lượng được đảm bảo.

Một chuyên gia kinh tế trao đổi với VnEpress.net cho rằng vấn đề cấp bách hiện nay là các doanh nghiệp phải cùng hợp sức tiêu thụ sản phẩm trong nước để tránh tồn kho lãng phí. Còn chuyện lỗi do dự báo hay doanh nghiệp trong nước chê sản phẩm do Dung Quất sản xuất để hậu xét. Khi đó không chỉ PVN mà cả các bộ ngành cũng phải xem lại cách quản lý điều hành của mình.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.080
Xăng RON 95 - III
20.520
Xăng E5 RON 92 - II
19.340
Dầu DO 0,05S 18.500
Dầu DO 0,001S - V 18.610

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 21/11/2024

Giá dầu thô Brent