Xăng Dung Quất "ế" vì nhà máy chạy quá tốt
07/10/2010 8:40:00 CHTin trong nước

Bộ Công Thương vừa yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu phải bao tiêu hết 700.000m3 xăng dầu tồn kho của nhà máy Lọc dầu Dung Quất trong 2 tháng cuối năm. Trong khi đó, PVN lý giải xăng dầu Dung Quất ế là do nhà máy chạy quá tốt.

Từ nay đến hết năm 2010, tình trạng xăng dầu do Nhà máy lọc dầu Dung Quất sản xuất sẽ vẫn còn "ế". Nghịch lý xăng trong nước không bán được mà vẫn phải nhập khẩu vẫn còn kéo dài.

Trao đổi trong cuộc họp báo chiều 7/10, ông Phùng Đình Thực - Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), cho biết, đến thời điểm này, trong kho Dung Quất vẫn còn tồn khoảng 750.000 tấn xăng dầu, chiếm gần 70% dung lượng kho chứa của nhà máy này.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng "ế" xăng Dung Quất, ông Thực cho biết, nguyên nhân chính là do việc sai lệch giữa dự báo và thực tế. Cụ thể, năng lực sản xuất nhà máy thực tế cao hơn 25% so với dự báo.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ toàn thị trường lại sụt giảm 10% khiến xảy ra tình trạng hiện nay.

Cuối năm ngoái, do Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang chạy thử nghiệm, chưa rõ thời gian bàn giao nên PVN chỉ dám dự báo nhà máy phát huy gần 80% công suất.

Xong, từ 30/5 khi PVN nhận bàn giao đến nay, nhà máy hoạt động ổn định và công suất cao hơn dự kiến và ở mức 100%.

Dựa trên dự báo nguồn hàng trong nước chưa đủ và chưa ổn định, các DN phân phối đã ký hợp động nhập khẩu số lượng khá lớn, nên khi lượng sản xuất ra nhiều hơn dự kiến thì hàng tồn kho tăng lên. Các hợp đồng nhập khẩu đã ký thì không thể hoãn.

Theo tính toán của PVN, từ nay đến cuối năm, tình trạng dư thừa sẽ khó chấm dứt. Dung Quất sẽ tiếp tục sản xuất thêm 1,9 triệu tấn sản phẩm. Trong khi các đơn vị phân phối đăng ký mua khoảng 1,4 triệu tấn, đến cuối năm vẫn còn dư 727.000 tấn.

Để giải quyết việc này, ngoài việc kích cầu tiêu dùng, điều chỉnh sản xuất, PVN cho rằng các nhà phân phối có thể điều chỉnh một số hợp đồng nhập khẩu có thể được để tăng cường tiêu dùng hàng sản xuất trong nước.

Liên quan đến việc lựa chọn PV Oil độc quyền phân phối thời gian qua, ông Thực nói rằng do nhà máy mới sản xuất, sản lượng chưa ổn định lại chưa có bộ phận phân phối chuyên nghiệp nên PVN chọn PV Oil với hoa hồng 0,2USD/thùng. Mức hoa hồng này không cao hơn các đơn vị khác. Hiện nay, ngoài PV Oil đã có Petec và Petro Việt Nam tham gia phân phối sản phẩm.

Về giá bán dầu Dung Quất, hiện chưa tổ chức đấu thầu cạnh tranh nhưng dựa trên nguyên tắc ngang bằng giá thế giới ở Singapore và cộng thêm các khoản thuế ở Việt Nam. Các đơn vị có nhu cầu đăng ký mua sẽ được cân đối bán, tránh tình trạng DN lớn ép DN nhỏ.

Trước dư luận cho rằng, các sản phẩm của Dung Quất chưa đạt tiêu chuẩn như dầu Mazut, đại diện PVN giải thích, thời kỳ đầu vận thành thử do các phân xưởng công nghệ chưa hoạt động hết nên có một số tiêu chí chưa đạt.

Nhưng khi nhà máy vận hành đầy đủ thì tất cả các sản phẩm đều đạt chuẩn. Tuy nhiên, đến nay Dung Quất không còn sản xuất Mazut nữa mà đưa vào chế biến các sản phẩm cao hơn.

Mô tả ảnh.
Cần ưu tiên tiêu thụ xăng dầu Dung Quất (ảnh: COMECO)

Yêu cầu các DN phải tiêu thụ hết

Chỉ đạo này vừa được đưa ra chiều 7/10, tại cuộc họp về việc xử lý tiêu thụ lượng xăng dầu tồn kho của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Cuộc họp do Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa chủ trì, phối hợp cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các doanh nghiệp xăng dầu.

Tại cuộc họp, bà Thoa đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối trước mắt giãn kế hoạch nhập khẩu xăng dầu đối với số lượng đã ký hợp đồng từ trước, dành thời gian từ tháng 10-12 năm nay tập trung tiêu thụ hết 700.000m3 xăng dầu Dung Quất đang dư thừa.

Về kế hoạch cụ thể, PVN chịu trách nhiệm làm việc, đàm phán với từng hộ tiêu tụ xăng dầu. Các doanh nghiệp lớn như Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Công ty xăng dầu Quân đội... cần có trách nhiệm đi đầu trong việc bao tiêu sản phẩm nội địa.

Theo chỉ đạo của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, chậm nhất trước ngày 15/10, PVN và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu phải báo cáo tình hình và kế hoạch bao tiêu sản phẩm Dung Quất.

Hiện nay, mới chỉ có 9/11 doanh nghiệp xăng dầu đăng ký mua xăng dầu Dung Quất.

Liên quan xăng máy bay Zet A1, hiện đã xuất khẩu được cho Tập đoàn BP Singapore tới 4.500 tấn nhưng ở thị trường nội địa, lại chưa làm xong thủ tục đăng ký theo tiêu chuẩn xăng đặc chủng.

Bà Thoa đã chỉ đạo PVN sẽ phải làm việc khẩn trương với Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) để cấp chứng chỉ 17025 ngay trong tháng 10. Đây là cơ sở để Công ty Xăng dầu Hàng không Vinapco bao tiêu hết sản phẩm xăng Zet A1 của Dung Quất.

Theo Bộ Công Thương, lượng xăng dầu nhập khẩu tháng 9 ước đạt 750.000 tấn, trị giá 454 triệu USD. Kim ngạch nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2010 ước là 4,87 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2009.

Xăng dầu các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong 8 tháng qua chủ yếu có xuất xứ từ: Singapore với 2,6 triệu tấn, giảm 24,5%; tiếp theo là Trung Quốc: 1,2 triệu tấn, giảm 24,4%; Đài Loan: 871.000 tấn, giảm 49,5%; Hàn Quốc: 735.000 tấn, giảm 13,5%; Malaysia: 513.000 tấn, tăng 43,7%...

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.080
Xăng RON 95 - III
20.520
Xăng E5 RON 92 - II
19.340
Dầu DO 0,05S 18.500
Dầu DO 0,001S - V 18.610

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 21/11/2024

Giá dầu thô Brent