Từ nay đến cuối năm và những tháng đầu năm 2011, hàng hóa sẽ có những biến động phức tạp, nhất là Tết Nguyên Đán. Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng lưu ý, nhu cầu tiêu dùng tại các thành phố lớn trong dịp Tết Nguyên Đán tăng từ 20 đến 40% so với bình thường. Nếu không chủ động tốt nguồn cung, sẽ rất khó để giữ giá. Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM, hiến kế, ngoài cung ứng đủ hàng với giá thấp hơn để bình ổn giá tốt, cần phải thực hiện các giải pháp để tăng khả năng tiếp cận của người dân với các mặt hàng đó. Ông Nguyễn Huy Tưởng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thì cho rằng cùng với các biện pháp trước mắt, Hà Nội sẽ đẩy mạnh xây dựng những nhà máy tập trung sản xuất hàng hóa, nông sản, thực phẩm để chủ động kiểm soát lượng hàng bán ra.
|
Các doanh nghiệp xăng dầu nhận được "lệnh" không tăng trong thời gian tới. |
Trước lo ngại về lãi suất cho vay còn cao, Ngân hàng Nhà nước cam kết điều hành ổn định chính sách tiền tệ trong những tháng cuối năm, chỉ đạo giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực xuất khẩu. Còn xăng dầu, bà Đàm Thị Huyền, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam, cam kết đảm bảo lượng dự trữ tăng 20% và sẽ bình ổn giá xăng dầu từ nay đến cuối năm. Đại diện Bộ Kế hoạch – Đầu tư đề nghị, không điều chỉnh giá điện, than, nước sinh hoạt cũng như giá cước vận chuyển đến cuối năm.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị, ngoài đảm bảo điện, nước cho sản xuất thì các bộ, ngành cần theo dõi sát diễn biến hàng hóa ở tầm vĩ mô, nhất là xăng dầu, thép, lương thực, thực phẩm; dự báo sớm nhu cầu thị trường. Các tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ việc bình ổn giá, đánh giá tình hình tại địa phương, nhất là những mặt hàng cần có những giải pháp đặc biệt. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ bình ổn giá đến cuối năm hết sức nặng nề bởi CPI ba tháng tới phải phấn đấu đạt khoảng 1,56%. Bộ Công thương tập trung đảm bảo nguồn điện, theo sát tình hình hàng hóa ở tầm vĩ mô để dự báo sớm diễn biến thị trường, hỗ trợ triển khai hệ thống phân phối bán lẻ ở địa phương. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn phải quản lý lương thực, thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, sẵn sàng đối phó với thiên tai.