Đây là một nghịch lý lớn vì VN vẫn phải nhập khẩu chủ yếu xăng dầu thành phẩm. Nếu Dung Quất chạy hết công suất cũng chỉ đáp ứng 30% nhu cầu cả nước. Theo Tổng Công ty Xăng dầu VN (Petrolimex), đơn vị này đã tăng cường mua xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất nhưng kế hoạch sản xuất của nhà máy này từ đầu năm không ổn định. Petrolimex vẫn phải ký hợp đồng nhập khẩu để bảo đảm cân đối lớn. Khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tăng sản lượng, Petrolimex không thể phá hợp đồng nhập khẩu đã ký để mua sản phẩm trong nước vì mức phạt hợp đồng không nhỏ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng tiêu thụ sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có vấn đề. Năm 2010, nhà máy này sản xuất tăng 20% so với kế hoạch, trong khi mức tiêu thụ thực tế không cao như dự báo. Sản lượng dồn về các tháng cuối năm nhưng không báo cáo Bộ Công Thương để chủ động điều hành. Bên cạnh đó, nhiều công ty không mặn mà với việc tiêu thụ sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất một phần vì Petro VN giao cho Công ty PV Oil làm đầu mối tiêu thụ với mức hoa hồng cao hơn, không công bằng.
Để tránh hiện tượng tồn kho trong khi vẫn phải nhập khẩu xăng dầu gây sức ép lên ngoại tệ, Bộ Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối phải tăng mức tiêu thụ sản phẩm trong nước để giảm nhập khẩu. Cụ thể, Petrolimex tăng gấp đôi mức tiêu thụ từ nay đến cuối năm, 6 công ty đầu mối kinh doanh xăng dầu khác phải mua sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Hiện mới có 9/11 doanh nghiệp đầu mối tiêu thụ sản phẩm xăng dầu trong nước, bằng 30%-40% sản lượng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất năm 2010, riêng Petrolimex mới tiêu thụ 19% sản lượng của nhà máy này. Bộ Công Thương cũng giao Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn làm đầu mối tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, thay cho Công ty PV Oil.
|
Xuất xăng tại cảng xuất sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ảnh: MINH THU |