Theo nhà phân tích Costanza Jacario từ Barclays Capital, động lực thúc đẩy thị trường dầu mỏ đi lên là sự kết hợp của tình hình kinh tế vĩ mô được cải thiện, báo cáo năng lượng hàng tuần của Mỹ và tình hình căng thẳng tại Ecuador, một thành viên của Tổ chức sản xuất dầu mỏ (OPEC).
Trước hết, số người thất nghiệp lần đầu của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 24/9 giảm ngoài dự kiến đã thổi một bầu không khí lạc quan vào thị trường dầu mỏ, bởi nó đồng nghĩa với khả năng nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đã phục hồi tốt hơn dự kiến, kéo theo nhu cầu tại nước tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới này cũng sẽ gia tăng.
Thêm vào đó, Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ cho hay dự trữ dầu thô của cường quốc này trong tuần kết thúc vào ngày 24/9 giảm 475.000 thùng, giảm mạnh hơn dự báo của hầu hết các chuyên gia phân tích. Còn dự trữ xăng giảm 3,47 triệu thùng, ngược hẳn với dự báo là tăng 500.000 thùng và dự trữ các chế phẩm chưng cất cũng giảm 1,27 triệu thùng.
Thị trường dầu mỏ thêm "hưng phấn" với hoạt động tháng Chín khởi sắc hơn của khu vực chế tạo Trung Quốc. Cụ thể là Ngân hàng HSBC công bố chỉ số đánh giá hoạt động của khu vực chế tạo đã leo lên 52,9 điểm, mức cao nhất trong năm tháng qua so với mức điểm 53,8 điểm do Liên đoàn hậu cần và thu mua Trung Quốc đưa ra.
Giá dầu còn được "tiếp sức" bởi các cuộc biểu tình phản đối chính sách kinh tế khắc khổ của Chính phủ tại Ecuador, nước đang bị đặt trong tình trạng báo động.
So với tuần trước đó, giá dầu ngọt nhẹ tại New York đã tăng từ 76,56 USD/thùng lên 80,67 USD/thùng vào cuối phiên 1/10. Còn giá dầu Brent tại London đã tăng lên 82,92 USD/thùng so với 79,38 USD/thùng tuần trước đó./.