Tuy nhiên, việc kinh doanh này đang công khai và nhan nhản ở nơi ngã ba, ngã tư, khu sản xuất, hoặc ngay sát lòng đường nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ xăng di động cho người qua lại...
|
Những “cây xăng” di động bày bán trên địa bàn huyện Thạch Thất. Ảnh: Tiến Dũng |
Bí thì phải mua ở cây xăng mini
Qua khảo sát thực tế một số địa điểm bán xăng mini, một số người dân kinh doanh cây xăng loại hình này gọi là “bom xăng”.
Tại cây xăng mini ở ngã ba Xuân Mai (Thạch Thất, Hà Nội) có thể thấy số điện thoại ghi trên thân “bom xăng” ở cửa hàng xăng mini của nhà chị Đào. Chúng tôi liên lạc với chủ cơ sở sản xuất “bom xăng” có tên là Hùng và được biết cơ sở có địa chỉ tại thôn An Hạ, thuộc xã An Thượng, huyện Hoài Đức (Hà Nội). Vào vai một người mua buôn cây xăng mini, tôi được ông Hùng dẫn tham quan khắp lượt xưởng sản xuất.
Qua tìm hiểu tại đây, chúng tôi nhận thấy, cấu tạo của một cây xăng mini kiểu này bao gồm 3 phần chính: Bộ phận thứ nhất là bầu chứa xăng, được gia công ghép lại với nhau bằng một số miếng tôn có độ dày thông thường là 3mm, dung tích chứa được 45 lít xăng, tiếp đến là bộ phận bơm xăng, gồm một dây caosu và một “súng” dùng lực lò xo đẩy – hút xăng; trên cùng là chiếc bình thủy tinh đo lượng xăng có khắc các vạch màu trắng tương ứng với nửa lít, một lít...; chóp bình thủy tinh được gắn một “chiếc nón” làm từ tôn mỏng để che nắng, che mưa.
Anh Tuấn ở Ba Vì - người qua đường mua ở cây xăng mini tại ngã ba Xuân Mai - nói: Mua xăng ở những cây mini kiểu này chán lắm anh ạ. Mình mua 1 lít, đắt hơn ở cây xăng đại lý từ 2.000-4.000đ, nhưng 1 lít ở đây chỉ được 0,8 lít, có cây còn pha thêm tạm chất nữa đấy chứ.
Sản xuất không kịp cho người mua
Hiện cơ sở của ông Hùng có tới 6 nhân viên, mỗi ngày cho ra lò 20 cây xăng mini. Riêng với đơn đặt hàng mua trên 20 cây, muốn có hàng khách phải báo trước cho ông Hùng từ 3 tới 4 ngày. Được biết, mỗi cây xăng được ông Hùng bán buôn với giá 790.000 đồng. Trường hợp bán lẻ, kèm công vận chuyển trong vòng 30km, mỗi “bom xăng” có giá 1,2 triệu đồng. “Ngoài việc bán vênh mỗi lít xăng từ 1.000 – 2.000 đồng, chắc chắn chủ cây xăng còn được “ăn” 0,2 lít xăng - tương đương với gần 4.000 đồng nữa. Vì tự tay tôi thiết kế mà, khi mua xăng, khách chỉ được hưởng có 0,8 lít thôi, chứ không phải 1 lít đâu.
Phải như thế thì người dân mới thích đi mua cây xăng mini do tôi làm để về bán xăng chứ” - chủ sản xuất cười tinh quái cho biết. “Chú yên tâm, mỗi cây xăng anh sẽ bảo hành cho chú tới 2 năm. Giấy tờ thì do chính anh đây sáng chế chứ cần gì ai cho phép. Anh đã bán khắp các tỉnh phía bắc nhiều năm nay mà có bị cơ quan nào xử phạt, hay xảy ra vấn đề gì đâu” - ông Hùng đã trả lời những thắc mắc của tôi về chất lượng những cây xăng mini như vậy...
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Hằng - một người bán lẻ xăng bằng “bom xăng” tại xã Bất Bạt, huyện Ba Vì (Hà Nội) lại cho biết, những bữa trời nắng to, nếu không khênh để vào nơi mát hoặc tẩm khăn ướt phủ lên chiếc bình thủy tinh, thì xăng trong bình sẽ tự động đùn lên cao.
Vi phạm đã rõ, xử lý ra sao?
Trước thực trạng người kinh doanh dùng những “bom xăng” tràn lan như trên, ông Nguyễn Xuân Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng hàng hoá cho biết: “ Đúng như quy định thì việc kinh doanh những cây xăng mini như vậy là vi phạm, ảnh hưởng đến an toàn của người dân. Tuy nhiên không hiểu các cơ quan quản lý là như thế nào mà các cây xăng như vậy ngày một nhiều”.
Còn trao đổi với PV, thượng tá Nguyễn Văn Sơn – Phó phòng Cảnh sát PCCC - Công an thành phố Hà Nội - cho biết: Việc sử dụng các cây xăng mini để kinh doanh luôn luôn tiềm ẩn rất cao nguy cơ cháy, nổ. Theo thượng tá Sơn: “Chủ nhân của những cây xăng mini chưa được đào tạo qua bất kỳ trường lớp, hay khóa tập huấn nào về nghiệp vụ công tác PCCC. Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh cũng không hề được các cơ quan chức năng kiểm tra, cấp phép vì chưa hội đủ các tiêu chuẩn đảm bảo về cháy nổ, như thiếu bình cứu hỏa, quá gần khu sản xuất...
Theo Nghị định 55/2007/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 6.4.2007, thì việc kinh doanh xăng bằng hình thức này đã vi phạm pháp luật”. Cũng theo thượng tá Sơn, việc xử phạt các cây xăng mini kiểu này đã được Phòng Cảnh sát PCCC giao tới từng đơn vị, trong từng khu vực trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, những “bom xăng” vẫn mọc lên nhan nhản ở bất cứ nơi đâu có đường, có người qua lại. Và nguy cơ cháy nổ có thể xảy tới bất cứ khi nào.