Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Dân đóng tiền nhưng quyền lợi chưa rõ
02/10/2010 7:58:00 SATin trong nước

Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khẳng định như vậy trong báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 QH khóa XII, được trình bày tại phiên họp TVQH chiều 1.10.

Theo ông Trần Thế Vượng, từ năm 2009, Chính phủ quyết định lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Bộ Tài chính cho biết, từ khi lập quỹ đến ngày 30.7.2010 đã trích lập được trên 3.619 tỉ đồng, các doanh nghiệp (DN) đã được sử dụng gần 1.050 tỉ đồng vào việc bình ổn giá, hiện còn trên 2.569 tỉ đồng tồn trong tài khoản của các DN.

Có quỹ nhưng chưa bình ổn được giá

Tuy nhiên, theo nhận xét của chính các DN kinh doanh xăng dầu, cụ thể là Tổng công ty xăng dầu Quân đội, thì "mục đích hình thành quỹ bình ổn là giúp ổn định về giá nhưng hiện nay, việc trích lập quỹ chưa giải quyết bình ổn giá mà tác động tạo lợi thế cho các DN có điều kiện thuận lợi tích tụ một số vốn từ quỹ này, để giảm vốn vay và từ đó lại tạo ra lợi thế cạnh tranh giá dẫn đến độc quyền - tiêu diệt cạnh tranh trong kinh doanh xăng dầu”.

Ông Vượng cho biết, cử tri kiến nghị phải xem xét, bãi bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, vì cho rằng dù khi giá xăng dầu tăng hay giảm thì khách hàng vẫn phải trả thêm từ 300 đồng đến 500 đồng/lít để đưa vào Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, nhưng việc quản lý, sử dụng quỹ này cũng như việc khách hàng được hưởng lợi từ quỹ này như thế nào thì không rõ. “Qua xem xét, đối chiếu với quy định của pháp luật, Ban Dân nguyện nhận thấy việc lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu chưa phù hợp với quy định của Pháp lệnh Giá”, ông Vượng cho hay. Cụ thể, theo ông Vượng, Điều 6 của Pháp lệnh Giá quy định cụ thể về các biện pháp bình ổn giá nhưng không có biện pháp lập quỹ bình ổn giá.


Mục đích hình thành quỹ bình ổn là giúp ổn định về giá nhưng hiện nay, việc trích lập quỹ chưa giải quyết bình ổn giá mà tác động tạo lợi thế cho các DN có điều kiện thuận lợi tích tụ một số vốn từ quỹ này, để giảm vốn vay và từ đó lại tạo ra lợi thế cạnh tranh giá dẫn đến độc quyền - tiêu diệt cạnh tranh trong kinh doanh xăng dầu. - Ý kiến của Tổng công ty xăng dầu Quân đội
Cũng theo ông Vượng, giải trình về căn cứ để lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, tại Báo cáo số 12870 ngày 24.9.2010, Bộ Tài chính cho rằng việc lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu là căn cứ vào Điều 5 Pháp lệnh Giá và một số quy định liên quan khác (Nghị định 170 của Chính phủ, Thông báo số 147 của Văn phòng Chính phủ, Quyết định số 04/2009 của Thủ tướng), tuy nhiên, trên thực tế thì Điều 5 Pháp lệnh Giá cũng không có quy định lập quỹ bình ổn mà chỉ nhấn mạnh đến nội dung “Nhà nước thực hiện các chính sách, biện pháp cần thiết tác động vào quan hệ cung - cầu để bình ổn giá thị trường đối với những hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu, kiểm soát lạm phát...”.

Quan trọng hơn, theo ông Vượng, “những biện pháp cần thiết được áp dụng để bình ổn giá được đề cập tại điều này đã được cụ thể hóa tại Điều 6 của pháp lệnh mà không giao cho Chính phủ quy định”.

Chưa ngăn chặn được gian lận xăng dầu

Ngoài ra, cũng theo báo cáo giám sát của Ban Dân nguyện, công tác chống gian lận trong kinh doanh bán lẻ xăng dầu trong thời gian qua tuy đã đạt được những kết quả nhất định nhưng nhìn chung việc kiểm tra, xử lý các hành vi gian lận trong kinh doanh bán lẻ xăng dầu vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, phòng ngừa nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; việc phát hiện hành vi vi phạm còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, việc xử lý hành vi vi phạm chưa nghiêm minh, thiếu tính răn đe.

Ban Dân nguyện kiến nghị Ủy ban TVQH yêu cầu Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công thương rà soát các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Giá để sửa đổi, bổ sung những quy định không phù hợp với các quy định của pháp lệnh này.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
20.300
Xăng RON 95 - III
19.760
Xăng E5 RON 92 - II
18.940
Dầu DO 0,05S 17.040
Dầu DO 0,001S - V 17.470

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 19/9/2024

Giá dầu thô Brent