Xây dựng trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, dự thảo Luật Thuế Môi trường (MT) hướng đến mục tiêu kiểm soát và bảo vệ MT, giảm mức phát thải và ô nhiễm đến mức tối ưu.
Tuy nhiên, kỳ vọng “cứu vớt” và bảo vệ MT được đặt vào dự thảo luật liệu sẽ phát huy hiệu quả đến đâu trong thực tiễn là băn khoăn của nhiều đại biểu tại Hội thảo phản biện xã hội về dự thảo Luật này vừa được Hội Bảo vệ thiên nhiên & môi trường Việt Nam (BVTN&MTVN) tổ chức.
Những băn khoăn…
Theo dự thảo thuế MT, xăng dầu và than là hai đối tượng chịu mức thuế cao nhất (xăng từ 1.000-4.000đồng/lít; than từ 10.000-30.000đồng/tấn). Nhiều chuyên gia nhận định rằng, là loại hàng hóa có vị trí đặc biệt, việc đánh thuế xăng dầu sẽ tác động trực tiếp đến tình hình giá cả và lạm phát ở Việt Nam. Trong khi, kỳ vọng thay đổi hành vi của người tiêu dùng (NTD) khó mà đạt được ở quy định này. Ths Võ Thu Hương, giảng viên khoa Luật, Đại học Huế nhận xét rằng, thị trường xăng dầu Việt Nam hiện chưa phải là thị trường cạnh tranh. Vì vậy, thuế MT chưa thể tạo ra sức ép cho các DN cung cấp nhiên liệu sạch. Pháp luật về kinh doanh xăng dầu hiện cũng chưa có quy định buộc DN phải bán bao nhiêu % nhiên liệu sạch thay thế xăng dầu.
PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Hội BVTN&MTVN phát biểu tại hội thảo
Đồng ý với quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Hội BVTN&MTVN cho biết, thế giới mới chỉ có 6 nước đang phát triển đánh thuế MT gồm: Mexico, Congo, Philippine, Malawi, Zimbabwe và Trung Quốc. Thuế MT ở các nước này cũng chỉ đánh vào 1-2 mặt hàng, chủ yếu là thuốc trừ sâu độc hại. Không có nước đang phát triển nào (kể cả Trung Quốc là nước có nền kinh tế số 2 trên thế giới) “dám” đánh thuế MT vào xăng dầu.
Trong khi đó, nhiều mặt hàng khác gây tác động xấu đến MT lại chưa được các nhà làm luật Việt Nam “để ý” như: Pin, ĐTDĐ, trạm phát sóng ĐTDĐ, máy tính điện tử, vải, đồ da, thuốc lá…
Việc tăng thêm gánh nặng cho NTD, nhất là người nghèo nếu áp thuế cũng là mối băn khoăn lớn hiện nay. Một phép tính đơn giản, nếu chia trung bình giá trị thuế MT theo dự thảo hàng năm là 57 tỷ đồng cho 40 triệu dân thuộc lực lượng lao động thì thuế MT bình quân sẽ là 1,4 triệu đồng/người/năm, tương đương khoảng 7 tháng thu nhập của người thuộc diện nghèo nông thôn, và khoảng 5,5 tháng thu nhập của người nghèo đô thị.
Giải pháp nào cho môi trường?
Đặt mình ở tư cách người chịu thuế, Ths. Võ Thu Hương cho rằng: “Hiện nay, các sản phẩm hàng hóa thân thiện với MT như: Túi xách thân thiện với MT, xe đạp điện, ô tô sử dụng năng lượng mặt trời… còn khá hạn chế, mẫu mã chưa bắt mắt, tiện dùng, giá thành cao và chưa được sản xuất đại trà. Do đó, Chính phủ cần có kế hoạch phát triển công nghệ sản xuất nhiên liệu sạch, thân thiện với MT nhằm tạo ra hàng hóa thay thế cho xăng dầu, túi nilon… hiện nay. Đồng thời có chính sách cụ thể đối với DN sản xuất hàng hóa thân thiện với MT; có biện pháp hỗ trợ giá cho người sử dụng khi họ sử dụng sản phẩm thân thiện với MT”.
Còn theo Ths.Lê Thị Phúc, giảng viên khoa Luật, Đại học Huế: “Cần xác định rõ mục tiêu chính của Luật Thuế MT là hướng đến việc thay đổi hành vi của con người, khuyến khích quá trình sản xuất sạch để bảo vệ MT, đặt lợi ích bảo vệ MT lên lợi ích kinh tế, không nên chạy theo mục tiêu tạo nguồn thu, tăng ngân sách nhà nước”.
Đồng thời “để Luật Thuế MT thực sự là công cụ hữu hiệu bảo vệ MT và người dân xác định đúng được trách nhiệm và quyền lợi thì phải đảm bảo sự bình đẳng về nghĩa vụ và lợi ích giữa các tổ chức, cá nhân cùng tính khả thi của trách nhiệm vật chất. Phải mở rộng đối tượng chịu thuế và phương pháp tính thuế”. Có vậy, “ta mới không rơi vào “hiệu ứng con ếch luộc” và chấp nhận “cái chết từ từ” do môi trường xung quanh bị ô nhiễm dưới tác động của chính con người”.