Trong ngành dầu khí, các nguồn phóng xạ có thể liệt kê là các chất phóng xạ tồn tại tự nhiên (naturally occurring radioative material - NORM). Có thể tìm thấy NORM trong tất cả các thiết bị khai thác, thiết bị xử lý condensat, trong hệ thống xử lý, vận chuyển khí... Dù NORM thuộc loại phóng xạ có hoạt độ thấp, song khả năng ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người là rất lớn. Trong quá trình vận hành thiết bị diễn ra sự lắng đọng, tích tụ của các chất phóng xạ lên bề mặt bên trong thiết bị và các ống dẫn, gây nên sự nhiễm xạ thiết bị, về lâu dài gây ra sự ăn mòn. Quá trình súc rửa những hệ thống thiết bị này sẽ thải ra bên ngoài môi trường một lượng lớn chất thải phóng xạ.
Ngoài ra, quá trình ăn mòn thiết bị đòi hỏi sự thay thế các thiết bị, đường ống bị hỏng. Các thiết bị thải ra này chính là các vật liệu đã bị nhiễm xạ, vì vậy cần phải được quản lý như những vật liệu phóng xạ thứ cấp, phải có biện pháp chôn lấp hay tẩy xạ. Ngoài NORM cũng phải lưu ý đến khí radon, loại khí tồn tại trong khí đốt, là sản phẩm phân rã của một số chất phóng xạ tồn tại trong hệ thống thiết bị. Khi chúng ta hít phải khí này có thể gây tổn hại đến mô phổi, dẫn đến ung thư phổi.
Nhận thấy nguy cơ của chất thải phóng xạ như vậy, trong thời gian vừa qua Viện Dầu khí Việt Nam tại TP.HCM đã tiến hành khảo sát, phân tích hoạt độ phóng xạ trong dầu thô của một số mỏ dầu tại Việt Nam như: Bạch Hổ, Rồng, Rạng Đông, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, ... Kết quả ghi nhận đáng mừng là hàm lượng các nguyên tố phóng xạ trong dầu thô tại các mỏ đã khảo sát là rất thấp, với mức độ khảo sát thì hàm lượng các nguyên tố phóng xạ trong dầu thô chưa đến mức gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người cũng như môi trường. Tuy nhiên tốt nhất là trong quá trình khai thác, chế biến nên tính đến phương án kế hoạch quản lý phóng xạ đối với dầu thô. Phải tính đến khả năng chất thải phóng xạ lắng đọng, tích tụ trong bùn, cặn dầu hay hòa tan vào nước thải trong quá trình khai thác, vận chuyển, lưu giữ và chế biến./.