Xứ Ả-rập nào cho Trung Quốc?
Khi nhu cầu sử dụng năng lượng tăng lên, Trung Quốc sẽ tiêu thụ nhiều dầu hơn, điều chỉ có thể dẫn tới sự can thiệp kinh tế, chính trị và một ngày nào đó có thể là cả quân sự vào các khu vực sản xuất dầu – những nơi từ lâu vẫn được Washington coi là “khu dự trữ” năng lượng nước ngoài riêng của Mỹ.
Mới năm 1995, Trung Quốc tiêu thụ chỉ khoảng 3,4 triệu thùng dầu mỗi ngày, bằng 1/5 của Mỹ, nước tiêu thụ đứng đầu thế giới, và bằng 2/3 lượng tiêu thụ của Nhật, nước đứng thứ hai. Khi đó, vì Trung Quốc tự bơm được 2,9 triệu thùng/ngày từ các giếng dầu trong nước, nên gánh nặng nhập khẩu của nước này chỉ là hơn 500.000 thùng mỗi ngày trong lúc Mỹ đã phải nhập khẩu tới 9,4 triệu thùng và Nhật Bản 5,3 triệu thùng.
Năm 2009, Trung Quốc đã leo lên vị trí thứ hai về tiêu thụ dầu với 8,6 triệu thùng/ngày, tuy còn thua xa với mức 18,7 triệu thùng của Mỹ. Tuy nhiên, với sản lượng chỉ 3,8 triệu thùng/ngày, sản xuất trong nước không còn theo kịp được nhu cầu nữa – đây chính là vấn đề Mỹ đã gặp phải trong kỷ nguyên chiến tranh lạnh.
Trung Quốc vốn đang nhập khẩu 4,8 triệu thùng/ngày, nhiều hơn nhiều Nhật Bản (nước thực tế đã giảm phụ thuộc vào dầu) và gần bằng một nửa của Mỹ. Trong vài thập kỷ tới, tình hình này chắc chắn sẽ còn xấu hơn.
Theo bộ Năng lượng Mỹ, Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ trở thành nhà nhập khẩu dầu đứng đầu thế giới với chừng 10,6 triệu thùng/ngày vào khoảng năm 2030. (Một số chuyên gia còn tin chuyển đổi này còn diễn ra sớm hơn).
Dù đó là vào năm nào, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng sẽ vẫn vướng phải tình thế khó khăn mà phía Mỹ từng trải qua, chịu phụ thuộc vào những chất liệu quan trọng chỉ có thể thu thập được từ một số ít các nhà sản xuất ở những khu vực khủng hoảng hoặc xung đột “kinh niên”.
Hiện tại, Trung Quốc nhập khẩu phần lớn dầu từ Ả-rập Xê-út, Iran, Angola, Oman, Sudan, Kuwait, Nga, Kazakhstan, Libya, và Venezuela. Tham vọng bảo đảm duy trì dòng dầu lâu dài từ những khu vực này, Bắc Kinh đã thiết lặp quan hệ gần gũi với nhà lãnh đạo các nước đó, trong một số trường hợp còn cấp những khoản viện trợ kinh tế và quân sự béo bở. Đây rõ ràng là lối mòn từng được Washington lựa chọn.
Các công ty năng lượng nhà nước Trung Quốc cũng xây dựng các chương chình “hợp tác chiến lược” với các doanh nghiệp đối tác ở những nước này và đôi khi còn giành được quyền phát triển các mỏ trữ lượng lớn. Điều hết sức đặc biệt chính là cách Bắc Kinh muốn làm giảm ảnh hưởng của Mỹ ở Ả-rập Xê-út và với các nhà sản xuất dầu quan trọng khác ở Vịnh Ba Tư.
Năm 2009, Trung Quốc lần đầu tiên nhập khẩu dầu từ Ả-rập Xê-út nhiều hơn Mỹ, một sự chuyển giao địa chính trị đầy bất ngờ, xét trên lịch sử quan hệ Mỹ và Ả-rập Xê-út. Mặc dù không cạnh tranh với Washinging bằng cách cấp viện trợ quân sự, nhưng Bắc Kinh liên tục phái các nhà lãnh đạo cấp cao tới để “ve vãn” Riyadh (thủ đô Ả-rập Xê-út), hứa đáp ứng nguyện vọng của nước này mà không cần “rắc rối” chuyện nhân quyền hay thân dân chủ, thứ Mỹ thường “rêu rao” trong chính sách đối ngoại của mình.
Câu chuyện đến đây đã trở nên quen thuộc. Mỹ cũng từng lôi kéo Ả-rập Xê-út theo cách tương tự khi Washington bắt đầu với việc coi vương quốc này là “trạm tiếp nhiên liệu” nước ngoài và đặt nó dưới chế độ bảo hộ quân sự không chính thức.
Năm 1945, trong khi chiến tranh thế giới thứ hai còn đang diễn ra, tổng thống Roosevelt đã có chuyến thăm chính thức tới gặp nhà vua Abdul Aziz của Ả-rập Xê-út và đạt được một dàn sếp cho phép Mỹ bảo vệ các mỏ dầu ở đây, và thỏa thuận ấy vẫn tồn tại cho tới ngày nay. Không bất ngờ khi các nhà lãnh đạo Mỹ không nhìn nhận (hoặc không muốn thừa nhận) sự tương đồng này; thay vào đó, các quan chức cấp cao có vẻ không tin khả năng Trung Quốc có thể lấn sân của Mỹ ở Ả-rập Xê-út và các quốc gia dầu lửa khác.
Khi sự phụ thuộc của Trung Quốc vào các nhà cung cấp dầu nước ngoài tăng lên, có thể nước náy sẽ “vun đắp” quan hệ với các nhà lãnh đạo những nước này, gây thêm căng thẳng trong môi trường chính trị quốc tế. Hiện tại, việc Bắc Kinh không hề có ý định muốn từ bỏ quan hệ năng lượng quan trọng với Iran đã gây khó khăn cho những nỗ lực của Mỹ nhằm áp đặt lệnh chừng phạt kinh tế mới, cứng rắn hơn lên Iran như một cách để buộc nước này từ bỏ các hoạt động làm giàu uranium.
Tương tự, khoản vay 30 tỷ USD Trung Quốc cấp cho ngành công nghiệp dầu lửa củaVenezuela mới đây càng gia tăng “thanh thế” của tổng thống Hugo Chavez ở thời điểm sự ủng hộ từ trong nước cũng như khả năng chống lại các chính sách từ phía Mỹ của ông, đang trượt dốc. Trung Quốc cũng duy trì quan hệ hữu nghị với tổng thống Omar Hassan Ahmad al-Bashir của Sudan, dù Mỹ nỗ lực “bôi nhọ” ông này vì những cáo buộc thiếu trách nhiệm trong vụ thảm sát tại Darfur.
Ngoại giao vũ trang vì dầu trên một hành tinh đang báo động
Các nỗ lực nhằm xây dựng quan hệ với các nhà cung cấp dầu nước ngoài đã tạo ra căng thẳng địa chính trị với Mỹ. Xung đột trong quan hệ Trung – Mỹ có nguy cơ diễn ra nghiêm trọng hơn khi chúng ta bước vào kỷ nguyên “khan hiếm dầu” và nguồn dầu dễ tiếp cận thu hẹp nhanh chóng.
Theo bộ Năng lượng Mỹ, cung dầu và các chất dầu lỏng toàn cầu khác trong năm 2035 sẽ là khoảng 110,6 triệu thùng/ngày – vừa đủ để thỏa mãn nhu cầu dự tính của thế giới vào thời điểm đó. Tuy nhiên, nhiều nhà địa chất dầu tin rằng sản lượng dầu toàn cầu sẽ đạt mức đỉnh sản lượng dưới 100 triệu thùng/ngày vào năm 2015 và bắt đầu suy giảm từ đó.
Bên cạnh đó, số dầu còn lại sẽ chỉ tìm được ở những khu vực khó tiếp cận hơn hoặc ở những khu vực bất ổn cao. Nếu những dự đoán này đúng, Mỹ và Trung Quốc – hai quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới – có thể mắc kẹt trong cuộc đối đầu cường quốc kẻ được người mất.
Dĩ nhiên, những gì sẽ xảy đến trong các tình huống này không thể đoán trước, đặc biệt là khi còn rất nhiều nguy cơ xung đột khác. Nếu cả hai quốc gia còn tiếp tục lối đi hiện tại – vũ trang cho các nhà cung cấp được “ân ái” trong nỗ lực đảm bảo lợi thế lâu dài – các nhà nước dầu lửa được vũ trang hạng nặng có thể sẽ trở nên đáng sợ hơn bao giờ hết và nước láng giềng của họ (được trang bị tốt không kém) cũng vậy.
Với cả Mỹ và Trung Quốc đều đang triển khai ngày càng nhiều cố vấn và huấn luyện viên quân sự tới những nước này, giai đoạn tới có thể sẽ chứng kiến sự can thiệp của cả hai bên vào các cuộc chiến khu vực và xung đột biên giới. Cả Bắc Kinh và Washington có thể đều không muốn phải tham gia như thế, nhưng logic ngoại giao vũ trang vì dầu khiến đây trở thành nguy cơ khó tránh khỏi.
Vì thế, không có để hình dung ra một tương lai khi Mỹ và Trung Quốc đều bị khóa chặt vào cuộc cạnh tranh toàn cầu nhằm thu về số dầu còn lại trên trái đất. Thực tế, nhiều quan chức Washington tin rằng, xung đột như thế gần như không tránh khỏi. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ghi nhận trong báo cáo thường niên năm 2008 mang tên Sức mạnh quân sự của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa : “Sự tập trung sớm của Trung Quốc vào chuẩn bị cho các sự cố bất ngờ tại eo biển Đài Loan là nguyên cớ quan trọng cho việc hiện đại hóa quân sự tại nước này. Tuy nhiên, phân tích thành tựu quân sự và tư duy chiến lược của Trung Quốc chứng tỏ Bắc Kinh còn đang phát triển các năng lực để sử dụng trong các tình huống khác như xung đột về tài nguyên….”
Tuy vậy, tranh giành những giọt dầu cuối cùng của trái đất không phải là con đường duy nhất Trung Quốc có thể mở ra. Có thể tưởng tượng ra một tương lai trong đó Trung Quốc và Mỹ hợp tác cùng theo đuổi các nguyên liệu thay thế dầu thay vì đổ tiền vào chạy đua hải quân và vũ trang quân sự. Tổng thống Mỹ Barack Obama và đối tác phía Trung Quốc, Hồ Cẩm Đào, cũng tính tới khả năng đó khi hai bên nhất chí hồi tháng 11 năm ngoái, trong một hội nghị thượng đỉnh kinh tế tại Bắc Kinh về hợp tác phát triển nhiên liệu thay thế và hệ thống giao thông liên lạc.
Ở thời điểm này, chỉ có một điều đã rõ ràng: Trung Quốc càng phụ thuộc vào dầu nhập khẩu, nguy cơ mâu thuẫn và xung đột với Mỹ càng lớn. Trung Quốc càng phụ thuộc vào than, trái đất của chúng ta càng “khó thở” hơn. Trung Quốc càng nhấn mạnh vào năng lượng thay thế nào, nó càng có khả năng chiếm ưu thế trong chính sách năng lượng của Trung Quốc trong thế kỷ 21. Hiện tại, chưa thể biết Trung Quốc sẽ “phân bổ” nhu cầu năng lượng của mình ra sao trong số rất nhiều ứng cử viên nhiên liệu. Tuy nhiên, dù lựa chọn cuối cùng ra sao, quyết sách năng lượng của Trung Quốc chắc chắn sẽ làm rung động thế giới.